Trong đó, Thanh Hóa là địa phương có số người chết cao nhất, lên tới 9 người. Các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình mỗi địa phương có 1 người thiệt mạng do mưa lũ. 3 người mất tích đều tại Thanh Hóa.
Mường Lát - Thanh Hóa: Vẫn bị cô lập do mưa lũ và sạt lở đất
Cùng với thiệt hại về người, mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ít nhất 364 ngôi nhà bị đổ sập hoặc thiệt hại trên 70%, tại huyện Vân Hồ - Sơn La nhiều trường học, trạm y tế đã bị hư hỏng nặng. Thanh Hóa vẫn là địa phương có số ngôi nhà bị sập đổ, hư hại nhiều nhất (267 nhà). 754 nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ cũng làm hơn 6.500 hecta lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 56.000 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi, gần 1.000 hecta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Bác sĩ BVĐK Mường Lát (Thanh Hóa) thăm khám cho người dân vùng lũ.
Đến nay, các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa cơ bản đã thông xe; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Tại huyện Mường Lát, ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện cho biết, thống kê ban đầu, toàn huyện có 9 xã, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ vừa qua. 105 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hỏng. Nặng nhất là bản Pọong, có 77 hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà, sập hoàn toàn. Trước tình hình trên, Đồn biên phòng Tam Chung đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn, vượt dòng nước lũ chảy xiết đưa người dân đến nơi an toàn. Đồn biên phòng Tam Chung cũng đã bố trí nơi ăn ở, hỗ trợ lương thực và nước uống cho người dân được sơ tán, tổ chức cấp cứu kịp thời và chuyển tuyến trên các nạn nhân bị nhà sập đè lên.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát vẫn bị cô lập do mưa lũ và sạt lở đất. Công tác khắc phục hậu quả đang được các lực lượng tích cực triển khai. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, nước lũ dâng cao chảy xiết nên rất khó khăn. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa mới có thể thông đường do sạt lở đất. Hiện tại, chỉ có thể đi bộ về trung tâm huyện Mường Lát và một số vùng bị thiệt hại do lũ. Người dân ở các vùng lũ đang sử dụng nguồn gạo dự trữ tại chỗ và của các đồn biên phòng. Các đoàn cứu trợ chưa thể tiếp cận được địa bàn.
Thành lập phòng khám di động cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người dân vùng lũ
Các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã cử đoàn công tác xuống trực tiếp các khu vực bị ảnh hưởng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dần ổn định đời sống, đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông.
Tại Thanh Hóa, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng mưa lũ, tập trung tất cả lực lượng xuống hướng dẫn nhân dân xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý nguồn nước sinh hoạt; đồng thời phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Riêng tại huyện Mường Lát, để kịp thời phục vụ công tác cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người dân vùng lũ Mường Lát, BVĐK huyện Mường Lát cũng đã thành lập một phòng khám di động để khám và chữa bệnh, cấp phát thuốc. Những bệnh nhân bị bệnh thông thường, bị thương nhẹ được điều trị tại chỗ, còn bệnh nhân nặng sau khi xử lý ban đầu sẽ chuyển BVĐK huyện hoặc tuyến trên.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 9/2018, không khí lạnh từ phía Bắc có xu hướng hoạt động mạnh dần, khả năng đợt không khí lạnh đầu tiên xuất hiện vào khoảng 10 ngày đầu tháng.
Ngoài ra, có thể chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoặc các nhiễu động nhiệt đới khác, phạm vi hoạt động của không khí lạnh có xu hướng dịch dần xuống phía Nam qua khu vực phía Bắc miền Trung. Do vậy, khu vực Bắc Bộ vẫn có nguy cơ xảy ra các đợt mưa trên diện rộng, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ bắt đầu bước vào mùa mưa và lượng mưa sẽ có xu hướng gia tăng. Khu vực vùng núi phía Bắc, các tỉnh vùng núi Bắc Trung Bộ đề phòng các đợt mưa lớn nguy cơ gây ra lũ quét và sạt lở đất đá, vùng trũng đề phòng ngập úng.