Nỗ lực gìn giữ những phương thuốc bí truyền của người Dao đỏ

17-10-2022 14:23 | Y học cổ truyền

SKĐS - Sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu cũng như nhiều phương thuốc bí truyền, người Dao đỏ ở Lào Cai sở hữu tiềm năng nguồn dược liệu, bài thuốc quý đang có nguy cơ thất truyền.

Những phương thuốc bí truyền của người Dao đỏ

Người Dao thường sống ở sườn núi, nơi khí hậu mát mẻ và có nguồn tài nguyên rừng phong phú. Đây cũng là nơi có nhiều nguồn thảo dược quý. Bài thuốc tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ đã được khoa học thừa nhận có trị đem lại sức khỏe cho người dùng. Ngoài dùng thuốc mát gan uống hàng ngày thay trà, người Dao Đỏ còn nắm giữ nhiều phương thuốc bí truyền như chữa bệnh dạ dày, xương khớp…

Bài thuốc mát gan vừa có tác dụng giải độc, mát gan vừa bồi bổ sức khỏe. Nói về bài thuốc mát gan gần như người Dao đỏ nào cũng đều biết tới bài thuốc này.  Mỗi người có cách lấy thuốc khác nhau nhưng vị chủ đạo không thể thiếu chính là giảo cổ lam và cây thuốc hình lá gan. Trong sách cổ của người Dao Đỏ, cây thuốc hình lá gan có tác dụng bảo vệ lá gan. Người Dao Đỏ thường lấy củ, thân, lá cây này, phơi khô, cho vài lát vào sắc nước uống rất tốt cho gan.

Nỗ lực gìn giữ những phương thuốc bí truyền của người Dao đỏ - Ảnh 1.

Người Dao đỏ có nhiều bài thuốc tốt từ các cây dược liệu

 Theo lương y Nguyễn Quý Thanh – người đã sống cùng người Dao nhiều năm và có nghiên cứu kỹ các cây thuốc về bệnh gan của người Dao. Người Dao có khoảng 30 cây thuốc chữa gan, trong đó những cây thuốc quý  mà họ hay sử dụng chữa viêm gan, xơ gan gồm nọ vèng tèng, cây 5 lá, dây lá gan, dây rắn, châu chỉa pông, chuống gan… 

Gia đình anh Tẩn A Nhị ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát có nghề bốc thuốc Nam lâu đời được nhiều người biết đến với bài thuốc tắm, thuốc chữa nhiều bệnh … Anh được truyền dạy từ người bố của mình. Ngay từ nhỏ anh đã được bố đưa đi rừng chỉ cho từng loại cây chữa gì, dùng thế nào… Để có được vị thuốc quý hiếm, anh phải khổ công lặn lội trong rừng để tìm kiếm. Anh Nhị tâm sự: Nghề thuốc muốn duy trì và phát triển được thì cũng cần cẩn thận ở từng khâu, từng giai đoạn, nhất là ở khâu bắt bệnh và bốc thuốc.

Cũng như gia đình anh Nhị, bà Tẩn Nghinh Liều từ ngày còn rất nhỏ đã được theo ông bà, bố mẹ lên rừng hái thuốc. Hơn 60 năm gắn bó với nghề bốc thuốc Nam, bà đã chữa cho rất nhiều người bị rắn cắn, xương khớp, dạ dày, bệnh đường ruột…

Các cây dược liệu sau khi được thu hái về sẽ được băm chặt thành những kích cỡ khác nhau, phơi khô sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Bởi dược liệu là cây tự nhiên rất tốn công tìm kiếm nên nhiều gia đình đã đem về trồng ở trong vườn nhà, vừa tiện thu hái lại góp phần bảo tồn nguồn gen quý của thuốc. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ các tỉnh miền xuôi cũng tìm đến các gia đình người Dao đỏ ở Bát Xát, Sa Pa… để chữa bệnh mua thuốc. Các du khách cũng thích thú trải nghiệm tắm lá thuốc của bà con người Dao đỏ.

Nỗ lực và bảo tồn nguồn dược liệu, nghề thuốc

Việc lưu giữ và truyền lại những bài thuốc của người Dao Đỏ ở các thôn, bản trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có nhiều khó khăn. Bởi nhiều bài thuốc không có tài liệu ghi chép và nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm… Theo tìm hiểu các bài thuốc của người Dao đều truyền lại bằng phương thức truyền miệng. Có những dòng họ ở đây chỉ lưu truyền lại cho đời sau là con trai hoặc con gái nên những bài thuốc hay được lưu truyền ngày càng ít. Hơn nữa, giới trẻ hiện đi làm các việc khác không còn thích làm nghề gia truyền vì việc làm nghề thuốc cần sự tỉ mỉ, kiên trì và hiểu được dược tính của cây dược liệu.

Nỗ lực gìn giữ những phương thuốc bí truyền của người Dao đỏ - Ảnh 2.

Nạn khai thác cây thuốc tràn lan theo kiểu "tận thu" đã ảnh hưởng đến nguồn dược liệu

Nạn khai thác cây thuốc tràn lan theo kiểu "tận thu" đã ảnh hưởng đến nguồn dược liệu. Xác định việc bảo tồn, phát triển cây thuốc bản địa là hướng đi phát triển kinh tế tốt. Hơn cả là lưu trữ các bài thuốc hay, các cấp chính quyền ở Lào Cai đã luôn quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác, sử dụng, mở rộng gieo trồng, thu hái bền vững các loại cây thuốc quý, không được khai thác triệt để, mỗi hộ dân quy hoạch vườn thuốc Nam trong gia đình, ươm trồng thuốc quý ngay tại nhà. Ngoài ra các hộ có nghề bốc thuốc gia truyền cũng tích cực phối hợp với Trung tâm y học cổ truyền nghiên cứu, phát triển các bài thuốc quý để chữa bệnh cứu người.

Có 4 cây dược liệu của Lào Cai được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc". Có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm là đặc trưng của Lào Cai phục vụ khách du lịch như giảo cổ lam, tam thất, Cao Atiso Sa Pa, chè dây, thuốc tắm người Dao đỏ... Cây dược liệu dần xây dựng được thương hiệu với người tiêu dùng trong nước.

UBND tỉnh Lào Cai đánh giá, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn. Bởi vậy Lào Cai đăt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp Lào Cai. Theo Hội Đông y tỉnh Lào Cai, giai đoạn năm 2021 - 2025, vùng sản xuất cây dược liệu chủ lực Lào Cai tập trung tại các huyện trọng điểm là Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát với diện tích ổn định 4.000 ha; trong đó trồng mới 1.000 ha cây dược liệu chủ lực hàng năm để đạt 1.500 ha vào năm 2025. Đồng thời, chuyển đổi khoảng 1.500 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới cây dược liệu hàng năm.


P. Thanh
Ý kiến của bạn