Thực trạng đáng báo động mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo kết quả điều tra năm 2019 cho thấy: Tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ở mức 126,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009 là 116,8 trẻ trai/100 trẻ gái) và cao nhất cả nước. Số con trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hàng năm cao, ở mức 2,31 con. Tỷ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên có chiều hướng tăng, năm 2020 là 15,4% so với số sinh.
Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có mức sinh cao nhất toàn quốc. Mức sinh tăng trở lại (sau gần 10 năm đạt mức sinh thay thế) đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh về lâu dài sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, làm biến đổi cơ cấu dân số theo giới tính, đồng thời tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động, việc làm, gây nên bất bình đẳng giới và bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội…
Nhiều biện pháp nhằm đạt mục tiêu cân bằng
Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Với nhiều nỗ lực, Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái và ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030. Trong đó, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới, như công tác truyền thông vận động đến thực thi pháp luật và nâng cao vị thế, vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội.
Các biện pháp khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được tăng cường, thông qua việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các hội nghị chuyên đề của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đưa nội dung về chính sách dân số, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng. Đặc biệt quan tâm đến nhóm nam, nữ, người lao động trong các các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.
Ngoài ra, nội dung này cũng được đưa vào trường học, thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề về giới; triển khai hoạt động hỗ trợ, để phụ nữ có điều kiện phát triển như dạy nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái; đưa nội dung không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính thai nhi vào quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; ký cam kết không hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng hòm thư, đường dây nóng thu nhận tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tuyên truyền, lựa chọn giới tính thai nhi ở cộng đồng dân cư; thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về dân số và xử lý nghiêm hành vi vi phạm…
Trong thời gian tới, giải pháp mang tính cấp thiết là các địa phương cần không ngừng nâng cao chất lượng dân số, chú trọng truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời tình trạng tăng sinh con thứ 3 trở lên, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số; tăng cường quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, chăm sóc sức khỏe sinh sản để kiểm soát tình trạng thông báo, tư vấn, chọn lọc giới tính thai nhi; thực hiện tuyên truyền đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó nên khai thác ưu thế từ các trang fanpage, mạng xã hội như facebook, zalo… mang lại.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vaccine COVID-19 sẽ tiêm mỗi năm một lần như cúm?