Hà Nội

Nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động

10-12-2018 08:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong quý II năm 2018 đã xảy ra 619 vụ tai nạn lao động làm 142 người chết và 233 người bị thương nặng. Quý II/2018, có 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai...

Đây cũng là 4/5 địa phương để xảy ra tai nạn lao động ngay trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó TP. HCM có số người chết nhiều nhất. Tuy nhiên, đây là những con số thống kê chưa đầy đủ bởi mới có 40/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương...

Hai chữ “giá như…” vẫn “đắt giá”

Trên đây là những con số được đưa ra tại Hội thảo tổng kết Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức.

Nguyên nhân của phần lớn những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trong thời gian gần đây xuất phát từ thái độ chủ quan, lơ là của người lao động, từ việc thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động. Còn nhớ vụ việc đau lòng “thanh sắt từ trên trời rơi xuống” trên đường Lê Văn Lương, địa phận phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) khiến một phụ nữ đi đường tử vong và một người bị thương. Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng này đã được các cơ quan chức năng xác định là do cần trục của sàn nâng người chuyên dụng trên cao bị tuột ra khỏi bộ phận đối trọng và rơi xuống đường đúng giờ tan tầm. Hiểm họa không phải từ trên trời rơi xuống, mà do ý thức của con người gây ra. Giá như công nhân vận hành thiết bị xây dựng cẩn trọng hơn, đơn vị thi công chú ý bảo đảm an toàn lao động hơn, thì có lẽ vụ tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.

Trước đó, trên địa bàn TP. Hà Nội cũng xảy ra một số vụ TNLĐ tại công trình xây dựng do các bên liên quan thiếu kiến thức hoặc chủ quan, lơ là. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (Công an TP. Hà Nội), 3 nạn nhân (2 người chết, 1 người bị thương) của vụ tai nạn xảy ra tại cụm 9, xã Hồng Hà (Đan Phượng) ngày 8/9/2018 đều là thợ xây tự do, không có bằng cấp, chứng chỉ làm nghề xây dựng. Trong quá trình xây nhà, những nạn nhân này sử dụng giàn giáo tự chế để thi công. Kết cấu không bảo đảm độ chắc chắn khiến giàn giáo tự chế đổ sập, các nạn nhân bị rơi từ tầng 2 xuống đất...

Ngoài những vụ việc nghiêm trọng nêu trên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra hơn 300 vụ TNLĐ, làm hơn 100 người chết và bị thương. “TNLĐ xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Hà Nội đang trong quá trình phát triển, có nhiều công trình xây dựng đang thi công, nên nguy cơ TNLĐ luôn tiềm ẩn, không thể chủ quan, lơ là”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.

Còn theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP. HCM xảy ra 485 vụ TNLĐ (giảm 223 vụ so với năm 2017) với 493 người bị nạn (giảm 226 người bị nạn), trong đó có 30 người chết (giảm 15 người). TNLĐ chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như sản xuất giày dép, may trang phục, sản xuất gia công kim loại...

Tuy có giảm do các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra giám sát, đồng thời nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình, biện pháp và ký kết đảm bảo giờ làm việc an toàn. Nhưng  qua điều tra cho thấy, tình hình TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là những vụ TNLĐ gây chết người. Cụ thể, trong 30 vụ tai nạn lao động gây chết người thì có 21 vụ thuộc lĩnh vực thi công xây dựng, làm chết 21 người và bị thương nặng 2 người.

Ngôi nhà đang xây bị sập giàn giáo khiến 3 người thương vong ở Đan Phượng, Hà Nội.

Ngôi nhà đang xây bị sập giàn giáo khiến 3 người thương vong ở Đan Phượng, Hà Nội.

Nỗ lực giảm thiểu nguy cơ

Các vụ tai nạn thường xảy ra ở các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng quy mô nhỏ không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động nên dễ gây ra TNLĐ. Ngoài ra còn là do ý thức người lao động chủ quan, vi phạm nội quy, quy trình làm việc, không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNLĐ, UBND thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM  đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên phạm vi rộng. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, UBND thành phố yêu cầu những đơn vị này rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc…

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM, các doanh nghiệp cần đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp... nhằm giảm thiểu tình hình tai nạn và các sự cố kỹ thuật có thể xảy ra.

Bên cạnh đó vẫn là ý thức của người lao động và nhà thầu, theo ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, muốn giảm thiểu nguy cơ TNLĐ phải kết hợp đồng bộ hai giải pháp: Tăng cường kiểm tra và chủ động phòng ngừa. Đồng thời, đề nghị các quận, huyện, thị xã quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động... Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm phải bị xử phạt nặng hơn.


Mạnh Hà
Ý kiến của bạn