Trong thời gian qua, vấn đề giảm quá tải BV luôn được người dân cũng như các đại biểu dân cử quan tâm trên diễn đàn Quốc hội, trong các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như các chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”... Với những nỗ lực của ngành y tế, kết quả đang dần đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
"Trước đây, mỗi lần tới khám bệnh tại cơ sở của BV K ở phố Quán Sứ, ai cũng cảm thấy mệt mỏi, bức xúc vì cơ sở quá nhỏ, bệnh nhân lại rất đông nên phải chờ đợi lâu trong không gian chật hẹp. Nhưng từ khi BV đưa cơ sở Tân Triều vào hoạt động, dù phải đi xa hơn, nhưng chúng tôi lại cảm thấy thoải mái vì cơ sở vật chất hiện đại, rộng rãi, bệnh nhân lại không phải chờ đợi quá lâu...”, đó là chia sẻ của bệnh nhân Nguyễn Thanh Phương (52 tuổi, đến từ Vĩnh Phúc, đang chờ khám bệnh tại BV K cơ sở Tam Hiệp). Đây cũng là một trong những tín hiệu vui, kết quả từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, là quyết tâm chính trị của lãnh đạo ngành y tế mà đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tải BV, nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh...
Người bệnh được chờ khám trong không gian rộng rãi tại Viện Huyết học - Truyền máu TW. Ảnh: T.M
Giảm tải BV - Những tín hiệu vui
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa diễn ra trung tuần tháng 8 tại Hà Nội của Bộ Y tế cho thấy, trong thời gian qua, giải quyết tình trạng quá tải ở nhiều BV và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện Đề án giảm tải BV, cải cách thủ tục ở Khoa Khám bệnh. Yêu cầu các BV phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, có các bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không mất nhiều thời gian đi lại.
Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014, nhiều cơ sở 2 - 3 của một số BV đưa vào hoạt động đã nâng số giường bệnh được thiết kế tại 3 tuyến TW, tỉnh, huyện là 26,82 giường bệnh/vạn dân, tăng 4 giường bệnh so với năm 2012. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, các BV TW sẽ tăng thêm khoảng 1.200 giường bệnh, trong đó có các BV lớn như BV Việt Đức dự kiến tăng 350 giường bệnh vào quý 4/2014, BV Chợ Rẫy dự kiến tăng thêm 250 giường...
Kết quả khảo sát, đánh giá nhanh về tình hình sử dụng giường bệnh điều trị trong tháng 5/2014 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh đối với 38 BV tuyến TW và toàn bộ các BV tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các BV mặc dù có số lượng bệnh nhân rất đông, hơn nhiều so với giường bệnh thực có nhưng bằng các hình thức khác nhau, nhiều BV đã khắc phục được tình trạng nằm ghép, đảm bảo mỗi người bệnh có 1 giường hoặc cáng để nằm như: BV Bệnh Nhiệt đới TW, BV Nội tiết TW, BV Mắt TW... Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn tình trạng người dân phải nằm ghép đôi tại một số chuyên khoa trọng điểm như Nội tim mạch, Tiết niệu, Hồi sức cấp cứu, Sản - Nhi, Ung thư, Chấn thương, Thần kinh... Do đó, toàn ngành y tế vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiến tới giảm triệt để tình trạng nằm ghép giường bệnh như Đề án giảm tải BV, BV vệ tinh, Bác sĩ gia đình, Đề án 1816...
Tại BV Nội tiết TW, ông Trần Ngọc Lương - Phó Giám đốc BV cho biết, trước đây, BV thường xuyên quá tải từ khâu khám bệnh cho tới điều trị. Tuy nhiên, từ khi cơ sở 2 được đưa vào hoạt động, BV đã triển khai nhiều biện pháp giảm tải, không để bệnh nhân phải nằm ghép. Cùng với việc thành lập một số khoa mới, BV đã tận dụng diện tích để kê thêm giường phục vụ người bệnh cũng như cải tiến, đổi mới quy trình tiếp nhận khám bệnh nên tình trạng quá tải đang dần giảm bớt. Hiện nay, giường bệnh phải nằm ghép đã giảm 10 lần (còn 6 - 7% trong khi trước đây tỷ lệ này là 60 - 70%).
Bệnh nhân nhận thuốc điều trị tại BV Nội tiết TW. Ảnh: TM
“Bộ mặt” của các BV có nhiều thay đổi
Chưa bao giờ cụm từ cần phải thay đổi Khoa Khám bệnh - “Bộ mặt” của BV được nói nhiều và nhắc đến trong tất cả các cuộc họp của ngành y tế như trong thời gian 1 - 2 năm trở lại đây, đặc biệt là cải tiến qui trình khám bệnh, giảm phiền hà và giảm thời gian chờ đợi nhằm nâng cao sự hài lòng của người bệnh và thay đổi hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người dân... Điều này đã được hiện thực hóa bằng Quyết định số 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại BV do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành nhằm thống nhất quy trình khám bệnh của các BV. Theo Quy trình này, người bệnh đến khám được tiếp cận thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và dịch vụ kỹ thuật theo đúng yêu cầu chuyên môn; Bảo đảm tính hợp lý và công bằng giữa người bệnh có BHYT và không có BHYT; đồng thời đơn giản hóa thủ tục liên quan đến chi trả viện phí.
Ở bàn khám của phòng khám số 3, Khoa Khám bệnh, Viện Huyết học và truyền máu TW, bệnh nhân Trần Mạnh Hùng (62 tuổi, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và nhiều bệnh nhân khác cho phóng viên báo SK&ĐS biết, việc tổ chức thăm khám và lấy máu, trả kết quả xét nghiệm tại một địa điểm cho người bệnh của Viện đã giúp giảm thời gian chờ đợi cũng như sự vất vả cho người nhà bệnh nhân... Ông Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW cho biết, đó chỉ là một trong nhiều cải tiến về quy trình KCB của Viện sau khi thực hiện Quyết định 1313 (từ 9 - 10 bước trước đó xuống còn 4 - 5 bước hiện nay) đã giúp thời gian chờ KCB của bệnh nhân tại Viện giảm 90 phút (từ gần 4h trước đó xuống còn 2,5 giờ hiện nay).
Là một trong những BV tuyến cuối có nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhi của TP.HCM, BV Nhi đồng 1 TP.HCM luôn trong tình trạng có đông bệnh nhân. TS. Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc BV cho biết, trong nhiều năm qua, BV đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh như mô hình điều trị ban ngày, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tiếp nhận bệnh nhân, nhập dữ liệu. Thay vì chờ 2 - 3 giờ đồng hồ, bệnh nhân chỉ cần tối đa 30 phút để nhập dữ liệu vào tới phòng khám bệnh. BV cũng mở thêm 2 phòng khám sớm bắt đầu từ 6 giờ sáng, rồi phòng khám thông tầm mở cửa luôn cả buổi trưa nhằm giúp bệnh nhân ở các tỉnh về không phải đợi chờ lâu trong quá trình KCB.
Về phía ngành y tế Thủ đô, theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2014, các đơn vị trên địa bàn đã tiếp nhận 473.087 lượt khám bệnh, điều trị nội trú cho 428. 658 lượt người bệnh. Tính chung toàn ngành, ngày điều trị trung bình là 6,5 ngày, giảm so với cùng kỳ năm 2013 (6,7 ngày). Theo khảo sát trung bình của ngành y tế Hà Nội, thời gian người bệnh chờ khám tại các BVĐK chỉ còn 21 phút.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 1313, theo ông Lương Ngọc Khuê, qua khảo sát sơ bộ ở 320 BV (khoảng 25% tổng số BV trên cả nước) cho thấy, 62% BV có tiến hành cải tạo, mở rộng, bố trí thêm buồng khám tại Khoa Khám bệnh. Theo đó, 470 buồng khám được bổ sung, tăng 15,5% so với thời điểm trước cải tiến. Trong đó, 10% BV tăng trên 100% số buồng khám;16% số BV tăng trên 50% số buồng khám; 35% BV tăng trên 10% số buồng khám; 75% BV tiến hành khảo sát đo lường thời gian khám bệnh. Nhờ cải tiến qui trình khám bệnh đã giảm được trung bình là 40 phút/1 người bệnh so với thời gian trước khi tiến hành cải tiến.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng KCB và quán triệt tinh thần “người bệnh là trung tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết để giảm bớt phiền hà cho người bệnh. Ðặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến BHYT: chuyển viện, tạm ứng, thanh quyết toán BHYT. Ðồng thời, Bộ Y tế sẽ rà soát, sắp xếp lại các qui trình lấy mẫu, vận chuyển và trả kết quả, không ngừng rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh…
Ðồng thời Bộ trưởng yêu cầu trong thời gian tới, các BV phải tiến hành thường xuyên, liên tục việc cải cách thủ tục hành chính trong KCB; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung của Quyết định 1313; phấn đấu chậm nhất là đến tháng 6/2015 tất cả các BV đều phải có hệ thống phát số tự động, bố trí đầy đủ ghế ngồi chờ cho người bệnh. Bộ trưởng cũng yêu cầu các BV bố trí ngân sách, sử dụng 15% số tiền khám bệnh để đầu tư nâng cấp khu vực khám bệnh, tăng thêm bàn khám, buồng khám, trang thiết bị để giảm thời gian khám, thời gian lấy kết quả xét nghiệm, chiếu, chụp của người bệnh, cải tạo, mở rộng, tăng thêm số giường bệnh để giảm nằm ghép…
Thái Bình