Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề: "Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng". Đây là thông điệp nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên, cần có sự góp sức đặc biệt của lực lượng đoàn thanh niên trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV.
HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tấn công bất kì ai, lây nhiễm HIV không phân biệt tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Bất kì ai nếu không hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không thực hiện các hành vi an toàn đều có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Hiện nay, nhiễm HIV vẫn còn tăng ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung, mỗi năm có hàng triệu người bị nhiễm và chết vì căn bệnh thế kỷ này. Tại Nghệ An kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1996 thì đến nay địa bàn đã phát hiện 10.700 người nhiễm HIV, trong đó tử vong hơn 4.400 người.
Đặc biệt, Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng thứ 6 của cả nước. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, Nghệ An cũng đang là một trong số các tỉnh trọng điểm về ma túy, cả buôn bán và sử dụng.
Tỷ lệ nhiễm HIV hiện nay đặc biệt cao trong giới trẻ, tất cả các huyện/thành/thị có người nhiễm HIV. Số người nhiễm chiếm phần lớn là nam (hơn 78%), độ tuổi phát hiện nhiều nhất là từ 20-39 tuổi (82%), nhiễm HIV lây truyền qua đường máu mà mà chủ yếu do tiêm chích ma túy chiếm phần lớn (72%), quan hệ tình dục là (24%), mẹ truyền sang con gần (3%).
Ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, địa phương đã triển khai đồng bộ các hoạt động cùng với sự vào cuộc của các Ủy đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân nên phần nào đã chặn đà gia tăng của đại dịch, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; tiến dần đến các mục tiêu 95-95-95 đó là cơ sở để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Ông Chỉnh nhấn mạnh, hãy coi nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài trong các kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị mình.
Các cơ quan chuyên môn, cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV cho các tầng lớp nhân dân. Củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng chống tội phạm cấp huyện, cấp xã. Có đủ về số lượng và chất lượng; thực sự là cơ quan thường trực, chỉ đạo điều hành.
Đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; nâng cao chất lượng tư vấn xét nghiệm HIV; tăng cường chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV; tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết học ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những bệnh dịch chết người từng ‘biến mất không dấu vết’ | SKĐS