Hà Nội

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT

22-05-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều ngày 21/5, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã tổ chức họp giao ban giữa hai cơ quan về các vấn đề liên quan đến việc triển khai và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian qua.

Chiều ngày 21/5, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã tổ chức họp giao ban giữa hai cơ quan về các vấn đề liên quan đến việc triển khai và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian qua. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị.

Giảm tỷ lệ tham gia BHYT ở 3 nhóm đối tượng

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) 5 tháng đầu năm 2015 do ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến cuối tháng 3/2015, ước tính số đối tượng tham gia BHYT của các tỉnh là 63,6 triệu người, tăng 2,7 triệu người, tương đương gần 4% so với quý 1/2014. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối tháng 12/2014, số đối tượng tham gia giảm khoảng 1,1 triệu người, trong đó tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng (giảm 40,8%), nhóm ngân sách nhà nước đóng (giảm 41%) và nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng (học sinh, sinh viên, đối tượng hộ cận nghèo giảm 18,2%).

Về nguyên nhân của việc giảm đối tượng tham gia, ông Phạm Lương Sơn cho biết, các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo, một số vùng không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa nên không được ngân sách nhà nước mua BHYT, do đó, số lượng người tham gia BHYT thuộc đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm đi. Tương tự, một số địa phương có số đối tượng cận nghèo tham gia BHYT cũng giảm đi. Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế xã hội vẫn khó khăn, nhiều doanh nghiệp cuối năm khi tăng tiến độ sản xuất thì sử dụng lao động nhiều, đến đầu năm 2015 lại tiết giảm lao động…

Về BHYT hộ gia đình, thông tin mới nhất của BHXH Việt Nam đưa ra tại cuộc họp cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2015 có 7,7 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 2,8% so với cuối năm 2014. Trong số 46 tỉnh có số đối tượng tham gia BHYT giảm thì chỉ có 17 tỉnh giảm số đối tượng tham gia theo BHYT hộ gia đình.

Về phía ngành y tế, thông tin tại cuộc họp, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành các công điện/chỉ thị về việc tăng cường thực hiện chính sách BHYT, BHXH… Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chủ động tập huấn, phổ biến các quy định mới của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ và người lao động; giải thích và phổ biến các quy định này tới người bệnh và người nhà bệnh nhân, đồng thời tiến hành hàng loạt các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Đổi mới về mặt quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, đổi mới về cách làm và đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá các cơ sở khám chữa bệnh hàng năm. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện luật tại 20 tỉnh, thành phố... Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện chương trình “Chung tay vì sức khỏe phụ nữ Việt Nam” để trao thẻ BHYT cho phụ nữ hộ cận nghèo của một số địa phương…

Tuy nhiên, cả BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng nhận thấy trong quá trình triển khai Luật BHYT sửa đổi vẫn còn có những khó khăn, tồn tại trong cả công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, đặc biệt là tuyến xã, phường và nhiều địa phương vẫn chưa coi việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT là tiêu chí phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả; Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT vẫn còn một số vướng mắc,…

Đẩy mạnh truyền thông và nhanh chóng tháo gỡ tồn tại từ thực tiễn

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, mặc dù đến cuối năm 2014, số tiền kết dư của Quỹ bảo hiểm là 5.200 tỷ đồng nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH vẫn là vấn đề quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, những khó khăn phát sinh từ thực tiễn cần phải sớm được các cơ quan liên quan tháo gỡ cả về văn bản quy định lẫn thực hiện cụ thể... Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và chuyển từ cấp kinh phí của Nhà nước cho các cơ sở khám chữa bệnh sang trực tiếp cho người dân tham gia BHYT.

Phát biểu tổng kết cuộc họp giao ban giữa 2 cơ quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù đã có những kết quả trong việc thực hiện bước đầu Luật BHYT mới, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao là đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75% trong năm 2015, nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa theo hướng đa dạng, phong phú các loại hình để người dân thấy được những tính ưu việt của BHYT, những điểm mới của luật, những ưu tiên trong mua BHYT hộ gia đình, việc chuyển tuyến, thanh toán chi phí khám chữa bệnh… Trên thực tế, hiện nay, ngay cả người bán thẻ BHYT cũng rất thụ động và chưa thực sự hiểu về Luật BHYT thì khó có thể vận động người dân, đặc biệt là đối tượng tự nguyện tham gia BHYT.

Về vấn đề điều chỉnh thời gian đóng tiền mua thẻ BHYT hộ gia đình của người dân, Bộ trưởng cũng lưu ý hai bên cần bàn bạc để đi đến thống nhất thay bằng việc người dân phải đóng tiền cả năm thì có thể chia thành 2 lần theo thời gian 6 tháng đóng 1 lần.  Đối với một số vướng mắc trong quá trình thanh toán chi phí khám chữa bệnh, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần sớm đưa ra cách giải quyết hợp lý để vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân, vừa đảm bảo không gây ảnh hưởng đến Quỹ BHYT… “Chúng ta phải nỗ lực bằng mọi cách tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BHYT theo hướng đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, có như thế mục tiêu mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT mới thành công”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thái Bình

 
Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm Y tế
(cập nhật liên tục)

 

 


Ý kiến của bạn