Tuy nhiên, những nỗ lực này liệu có thể cứu vãn Brexit như mong muốn?
Theo dự kiến, Thủ tướng Johnson sẽ có các cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bên lề kỳ họp thứ 74 của ĐHĐ LHQ, dự kiến bắt đầu vào ngày 24/9 tại trụ sở LHQ.Tuy nhiên, nhật báo Telegraph nhận định khó có thể đạt được bước đột phá nào liên quan tới vấn đề Brexit trong cuộc gặp lần này của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu.
Khả năng nước Anh có thể rời khỏi EU đúng ngày 31/10 đang rất mờ mịt.
Bay tới New York vào ngày 22/9 và trở về Anh hôm 24/9, Thủ tướng Johnson có thể vẫn đang ở Mỹ khi Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết về tính hợp pháp của quyết định đình chỉ hoạt động trong vòng 5 tuần đối với quốc hội như cam kết hồi đầu tuần của cơ quan này.
Hiện ông Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới bất kể có hay không có thỏa thuận với EU. Điều khoản “chốt chặn” về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit. Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của “Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành” ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Trong khi đó, các đảng bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế. Thủ tướng Anh Johnson cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch mới và không ký bất cứ thỏa thuận nào vẫn tồn tại điều khoản chốt chặn. Chính quyền của ông Johnson đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp thay thế điều khoản gây bế tắc trong tiến trình Brexit này.
Trong một diễn biến mới nhất, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể hủy bỏ điều khoản “chốt chặn” về vấn đề biên giới Ireland gây tranh cãi trong thỏa thuận Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, nếu Chính phủ Anh đưa ra được một giải pháp thay thế “an toàn”.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News, ông Juncker nêu rõ nếu giải pháp thay thế có thể đáp ứng “tất cả các mục tiêu” thì sẽ không cần điều khoản “chốt chặn”. Chủ tịch EC xác nhận EU đã nhận được dự thảo đầu tiên về kế hoạch Brexit mới của Anh tối 18/9. Theo ông Juncker, ông đã có cuộc gặp “khá tích cực” với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Luxembourg ngày 16/9 và tin rằng EU và Anh có thể đạt được một thỏa thuận trước hạn chót Brexit ngày 31/10 tới.
Hiện, cũng đã có những tíu hiệu lạc quan mới về tiến trình Brexit. Sau cuộc gặp với trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU tại Brussels (Bỉ), ngày 20/9, Bộ trưởng Brexit Anh Stephen Barclay khẳng định, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Anh Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xơn) đều phát đi thông điệp rõ ràng rằng Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, EC cũng cho hay sẵn sàng xem xét bất cứ đề xuất nào đáp ứng tất cả mục tiêu của điều khoản “chốt chặn” về Ireland. Theo EC, cuộc đàm phán kỹ thuật về vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra.
Trang tin Eurronews đưa tin Thủ tướng Hà Lan Mark Rutt tuyên bố ông không loại trừ khả năng Anh và EU đạt được một thỏa thuận Brexit trước thời hạn 31/10 tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” giải quyết vấn đề đường biên giới Ireland. Tờ Fanancial Times ngày 20/9 đưa tin Thủ tướng Johnson đã chia sẻ rằng ông không mong đợi có thể đạt được một thỏa thuận đầy đủ bao trùm cả vấn đề biên giới với Ireland.
Với các diễn biến trên, tiến trình Anh rời khỏi EU ngày 31/10 tới (Brexit) có kịp hay không ngày càng trở thành một câu hỏi khó.