Đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhằm nâng cao nguồn nhân lực của ngành y tế, từ năm 2017 đến năm 2022, toàn tỉnh Bình Thuận đã cử 271 lượt công chức, viên chức ngành y tế tham gia đào tạo theo các trình độ khác nhau, trong đó có 170 bác sỹ chuyên khoa II, I, thạc sỹ, dược sỹ sau đại học; 101 bác sỹ, dược sỹ cử nhân, 63 sinh viên được cử đi đào tạo bác sỹ theo địa chỉ.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế, qua đó thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực y tế, hạn chế tình trạng đội ngũ nhân viên y tế nghỉ việc, không tâm huyết với công việc, nhất là sau đại dịch Covid – 19.
Ngày 10/10/2023, HĐND tỉnh Bình Thuận còn ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo đối với viên chức các chuyên ngành y tế, sinh viên được tỉnh cử đi đào tạo bác sỹ, chính sách thu hút bác sỹ về công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, ngành lao động - thương binh và xã hội, chính sách đãi ngộ đối với bác sỹ công tác tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực thuộc ngành y tế, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh.
Được biết, thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế đã chủ động tìm kiếm, mời gọi nhân lực có trình độ sau đại học về công tác tại bệnh viện, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để bác sỹ làm việc tại bệnh viện phát huy năng lực, sở trường công tác, đồng thời xây dựng kế hoạch công tác đào tạo nhân lực y tế.
Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt cho 11 sinh viên học đại học chính quy niên khóa 2018 – 2024 theo địa chỉ sử dụng của tỉnh tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, phê duyệt 4 sinh viên học đại học chính quy niên khóa 2018 – 2024.
Tận dụng nguồn lực từ các bác sĩ tuyến trên
Theo Đề án phát triển ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong lĩnh vực khám chữa bệnh và phục hồi chức năng xác định: tập trung xây dựng, phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh thành Bệnh viện Đa khoa hạng I trước khi thành lập mới thêm các bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh.
Theo đề án này có thể thấy vai trò của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong sự phát triển chung của y tế địa phương. Hiện nay, ngành Y tế đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, từng bước hướng đến mục tiêu theo lộ trình.
Với trung bình tiếp nhận 28.800 lượt người đến làm xét nghiệm và thực hiện khoảng 82.000 mẫu xét nghiệm của cả bệnh nhân khoa khám, ngoại trú, nội trú và hàng trăm đơn vị máu truyền một tháng, 35 cán bộ, nhân viên Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh gần như hoạt động hết công suất để có thể thực hiện công tác chuyên môn và vận hành hệ thống máy móc đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh tại đơn vị, chưa kể hỗ trợ xét nghiệm chẩn đoán cho các đơn vị khác.
Theo thống kê, kết thúc quý III/2023, đã có hơn 172.000 lượt người đến thăm khám, số lượt bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, ngày điều trị nội trú đều lần lượt tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn ghi nhận tình trạng vượt công suất giường tại một số khoa.
Theo bác sĩ Mạc Tấn Quyền, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện chính là lý do chính khiến lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng. “Hiện nay, thuốc, vật tư, hóa chất đều đầy đủ, do đó bệnh nhân rất tin tưởng và đến bệnh viện điều trị. Nếu trong tháng 8, công suất khám chữa bệnh là hơn 100%, thì đến nay con số này là hơn 160%”, bác sĩ Quyền chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Vân, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để có được những kết quả như ngày hôm nay, cả tập thể đội ngũ y, bác sĩ đã nỗ lực hết sức. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự hướng dẫn nhiệt tình của các bác sĩ tuyến trên. “Ngoài sự nỗ lực của cả tập thể Khoa Nhi, còn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Ban Giám đốc bệnh viện cũng như sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên. Thậm chí các bác sĩ tuyến trên còn xuống tận bệnh viện để tổ chức tập huấn, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện. Các bác sĩ tuyến trên đều đánh giá rất cao sự chăm chỉ của đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện”, bác sĩ Vân cho biết.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận là bệnh viện hạng 2 của tỉnh, với 22 Khoa, công suất giường theo kế hoạch là 910 giường, thực kê 1.009 giường. Nững năm qua, nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, đồng thời tăng cường phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên sâu, cập nhật những kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế tại chỗ và nắm bắt nhiều cơ hội vàng để kịp thời cứu sống bệnh nhân, hạn chế tình trạng chuyển viện.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 9 bác sỹ/1 vạn dân
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, đạt 9 bác sỹ và 31 giường bệnh/1 vạn dân, đồng thời duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Thống kê cho thấy, số lượng bác sỹ/1 vạn dân trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2019 là 7,3 bác sỹ/1 vạn dân, năm 2020 là 7,7 bác sỹ/1 vạn dân, năm 2021 là 7,9 bác sĩ/1 vạn dân. Hiện nay, số Trạm Y tế có bác sỹ làm việc dưới các hình thức tại chỗ, luân phiên và theo Đề án 1816 đạt 100%, đây là cơ sở để để ngành Y tế của tỉnh đạt được 9 bác sỹ/1 vạn dân vào năm 2025.
Tính đến tháng 6/2023, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh có 2.565 nhân viên y tế làm việc, trong đó có 212 bác sỹ đa khoa, 126 bác sỹ chuyên khoa và dự phòng, 574 y sỹ, 663 điều dưỡng, 301 dược sỹ, 107 kỹ thuật viên và 582 nhân viên y tế khác. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 364 nhân viên y tế thôn, 1.976 cộng tác viên dân số thực hiện hoạt động hỗ trợ công tác y tế và dân số. Số lượng đội ngũ nhân lực làm việc tại trạm y tế cơ bản đảm bảo theo quy định.
Theo đó, trạm y tế có từ 5 đến 8 nhân viên y tế bao gồm bác sỹ, dược sỹ, y sỹ, điều dưỡng, y sỹ sản nhi, nữ hộ sinh và dân số viên... Toàn tỉnh có 85/112 trạm y tế có bác sỹ thường trực hoặc làm việc theo đề án 1816, có 7/10 huyện, thị xã, thành phố bố trí bác sỹ về làm việc tại 100% trạm y tế trên địa bàn.
Bên cạnh đó, còn bố trí, sắp xếp đội ngũ bác sỹ công tác tại các tuyến y tế cơ sở tương đối linh hoạt và hợp lý theo hướng điều động, luân phiên khám, chữa bệnh giữa trung tâm y tế, các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế để đảm bảo phát huy tối đa thời gian, năng lực của bác sỹ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Số lượng giường bệnh cũng được ngành y tế khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập như xây mới, nâng cấp và đưa vào sử dụng các phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), Đông Hà (Đức Linh), Tân Thắng, Tân Minh (Hàm Tân), Tân Hải (La Gi), Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), đồng thời mở rộng Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh, Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi. Trong lộ trình đến năm 2025, Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng sẽ được mở rộng.