Nếu được chẩn đoán sớm, phần lớn người mắc ung thư vú có thể được chữa khỏi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020 trên thế giới có khoảng 2,3 triệu phụ nữ phát hiện mới mắc ung thư vú và 685.000 ca tử vong. Còn tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận 21.500 phụ nữ mắc ung thư vú với hơn 9.300 ca tử vong. Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, tỷ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Và tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân ung thư vú có cơ hội được chữa khỏi nếu được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Thực tế cho thấy, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư vú ngày càng được cải thiện. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, năm 2012, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú sống trên 5 năm ở giai đoạn 0 và I là 100%, trong khi giai đoạn IV chỉ 22%. Tại Úc, tỷ lệ bệnh nhân UTV sống trên 5 năm kể từ khi phát hiện ở giai đoạn 1 là 100% và chỉ đạt 32% nếu phát hiện ở giai đoạn IV. Còn tại nước ta, ngành y tế đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn I - II khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm và đã có những trường hợp lập gia đình, sinh con.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, cộng đồng vẫn chưa có kiến thức đầy đủ về biện pháp tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ; do đó phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.
Nhiều nỗ lực nâng cao nhận thức và cải thiện tỉ lệ chẩn đoán sớm ung thư vú
Năm 2020, đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025" do Tổng hội Y học Việt Nam chủ trì và Roche Việt Nam phối hợp chính thức được khởi động nhằm giải quyết toàn diện và bền vững các vấn đề chính trong quản lý và điều trị ung thư vú với bốn mục tiêu chính: 1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư vú và tăng cường tầm soát ung thư vú; 2. Gia tăng chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư vú tại các bệnh viện; 3. Tối ưu hóa cơ sở dữ liệu sẵn có nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú; và 4. Hỗ trợ người bệnh ung thư vú nguy cơ cao tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến bằng các giải pháp phối hợp.
Sau một năm, tại mục tiêu nâng cao nhận thức và cải thiện tỉ lệ chẩn đoán sớm ung thư vú, đề án đã triển khai nhiều hoạt động trong sàng lọc, điều trị cho bệnh nhân ung thư vú tại các bệnh viện trọng điểm trên toàn quốc, gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng trong năm qua, tất cả các viện trọng điểm trong đề án đều đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn từ trực tuyến đến trực tiếp, cung cấp kiến thức bổ ích về ung thư vú cho hàng vạn phụ nữ trên nền tảng mạng xã hội. Song song đó, các bệnh viện cũng tổ chức nhiều đợt tầm soát tại chỗ giúp phụ nữ phát hiện bệnh ung thư vú ở giai đoạn sớm.
Một trong những hoạt động nổi bật để hiện thực hóa mục tiêu này trong khuôn khổ đề án phải kể đến chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú năm 2021, "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" đã được ký kết và thực hiện giữa Roche Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng. Các nỗ lực tuyên truyền, chia sẻ kiến thức đã đạt được hàng triệu lượt hiển thị, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của khám sàng lọc tới cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư vú cũng đã và đang thực hiện tạo nền tảng cho việc đánh giá hiệu quả điều trị và hoạch định chính sách trong tương lai.