Nỗ lực chống sạt lở các tỉnh ven biển, ven sông

31-05-2017 13:48 | Xã hội

SKĐS - Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có đường bờ biển dài khoảng 774km. Hiện có đến 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tổng chiều dài khoảng 147km...

Hiện nay, toàn vùng  Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có đường bờ biển dài khoảng 774km. Hiện có đến 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tổng chiều dài khoảng 147km, tốc độ xói lở từ 5 - 45m/năm. Tính bình quân, mỗi năm ĐBSCL mất đi khoảng 500ha đất vì xói lở. Qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn đã xác định được các nguyên nhân chính, ngoài tự nhiên thì đáng chú ý phần lớn nguyên nhân là do con người.

Cả đất lẫn rừng đang “lặn” dần

Ngày 29/5, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở, xâm thực biển, suy thoái rừng ngập mặn.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, đe dọa nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL. Tại nhiều khu vực, xói lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Trong đó, điển hình là bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).Mỗi năm, ĐBSCL mất đến 500ha đất vì sạt lở.

Mỗi năm, ĐBSCL mất đến 500ha đất vì sạt lở.

Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2011-2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723ha năm 2011 xuống còn còn 179.384ha năm 2016 (giảm 15.339ha).

Nguyên nhân cơ bản là việc mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát. Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, năm 2013, tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu m³, trong khi tổng lượng cát bị khai thác trong năm là 28 triệu m³ (gấp hơn 9 lần).

Bên cạnh đó,  việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… dẫn tới chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng, đánh bắt ven rừng trong những năm gần đây làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn...

Các chuyên gia của Viện Địa chất Na Uy cảnh báo, tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3cm/năm, nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó đồng bộ và hiệu quả, ĐBSCL sẽ bị “biến mất”.

Cần chiến lược chống sạt lở đồng bộ, lâu dài

Trước đó, tháng 5/2016, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai dự án nghiên cứu quá trình xói lở và xác định các biện pháp bảo vệ bền vững cho vùng hạ du sông Mekong.

Kết quả nghiên cứu từ dự án cho thấy, bước đầu xác định nguyên nhân gây xói lở là do giảm lượng bùn cát từ sông Mekong do tác động của con người xây dựng đập ở vùng thượng nguồn và khai thác cát ở hạ lưu. Theo tính toán, nồng độ bùn cát lơ lửng đã giảm một nửa trong vòng 10 năm qua. Bên cạnh đó, các vành đai rừng ngập mặn bị phá hủy, suy giảm thảm thực vật và việc xây dựng đê quá gần bờ biển gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển, làm gia tăng xói mòn. Ngoài ra, còn có tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cụ thể, khu vực Gò Công bị ảnh hưởng trực tiếp do thiếu hụt trầm tích từ sông Mekong, còn ở U Minh, hiện tượng xói lở liên quan đến thảm thực vật bị suy giảm, hiện tượng sụt lún và các công trình chắn sóng cứng gây bất lợi cho việc bổ sung nguồn trầm tích tự nhiên.

Trên cơ sở thực tế, các chuyên gia kiến nghị nên lựa chọn các giải pháp mềm để chống xói mòn như trồng rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển, xây dựng tường mềm bằng tre, gỗ ngăn sóng và nuôi bãi… Chỉ sử dụng công trình cứng khi thực sự cần thiết như ở Gò Công để phá sóng dạng rỗng, tức là kè bê tông có lỗ.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng cho những địa phương xử lý chống sạt lở ở những điểm khẩn cấp. Cấp vốn để các địa phương ven biển ĐBSCL xây dựng những công trình chống sạt lở trước mắt và trung hạn.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện các nghiên cứu về phòng, chống sạt lở bờ biển để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp. Cần thực hiện quy hoạch cho bài bản, có chiến lược chống sạt lở đồng bộ cho toàn vùng ĐBSCL.

Về phía địa phương, các tỉnh ven biển ĐBSCL cần theo dõi chặt diễn biến tình hình sạt lở để chủ động ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản cư dân ven biển. Đặc biệt, cần phối hợp chặt với các bộ, ngành Trung ương để có kế hoạch đầu tư dài hơi các công trình chống sạt lở gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu.


Hải Đăng
Ý kiến của bạn