Trong khi đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ta đang gặp nhiều thách thức trước tác động biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác. Hiểu được thực trạng này, việc làm sao để bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa luôn là đề tài “nóng”.
Vài năm trở lại đây, những nỗ lực nhằm tôn vinh, bảo vệ di sản đều mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc, truyền tải những thông điệp về sự cần thiết tăng cường và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với việc bảo tồn các di sản. Tất cả cùng đồng nhất về mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên cũng như sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, chống thảm họa biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu hiện nay.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ta đang gặp nhiều thách thức trước tác động biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác.
Những cuộc thi thiết thực như cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards 2017 tiếp tục kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước phát hiện và chia sẻ những giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa trên dải đất hình chữ S. Bên cạnh đó, từ giữa tháng 7 đến tháng 11/2017, hằng tuần sẽ diễn ra cuộc thi đố vui tìm hiểu về Di sản Việt Nam trên facebook của Tạp chí Vietnam Heritage và các nhà tài trợ chính. Kể từ năm 2012, cuộc thi này đã thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho các “tay máy” không chuyên được thỏa sức sáng tạo và chia sẻ niềm đam mê nhiếp ảnh trên nhiều chủ đề di sản khác nhau về thiên nhiên, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể hay đời sống... Đặc biệt, năm nay cuộc thi có thêm đề tài Chợ, với các hoạt động đa dạng ở các chợ truyền thống trên mọi vùng miền của Việt Nam. Các tác giả có thể gửi ảnh dự thi ở hai thể loại: Ảnh đơn và ảnh bộ, mỗi tác giả dự thi có thể tham gia tối đa 4 tác phẩm cho mỗi chủ đề. Ngoài các giải thưởng, BTC sẽ chọn 100 tác phẩm xuất sắc nhất từ cuộc thi, tổ chức triển lãm online tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với thực tế nhiệm vụ, thực lực cũng như xu thế chung của thế giới thì việc bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa của chúng ta còn nhiều yếu kém. Nạn xâm phạm, hủy hoại di tích vẫn xảy ra, thậm chí cả những di tích nổi tiếng... cũng bị vi phạm. Bởi vậy, nếu muốn thúc đẩy, đổi mới sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong thời gian tới, cần có cơ chế thúc đẩy các tổ chức xã hội, làm sao để họ tham gia mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay và tương lai, ngoài sự nỗ lực của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trong việc bảo vệ di sản của mình, còn cần có sự hỗ trợ của quốc tế về khoa học công nghệ, kinh nghiệm và tài chính. UNESCO và các đơn vị trực thuộc của tổ chức này đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ các di sản trên thế giới. Tương lai việc bảo vệ di sản không chỉ là sự liên kết giữa các cấp các ngành, các địa phương trong một quốc gia mà còn là sự liên kết của toàn thế giới cho một mục tiêu chung: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại để truyền lại cho muôn đời sau.