Nợ công

02-11-2015 09:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Điểm qua các báo thấy con số nợ công quả là đáng báo động như: “Nợ công đang tăng nhanh về cả quy mô và tốc độ”; “Nợ công dự kiến lên 62,3% GDP vào cuối năm 2015”;

Điểm qua các báo thấy con số nợ công quả là đáng báo động như: “Nợ công đang tăng nhanh về cả quy mô và tốc độ”; “Nợ công dự kiến lên 62,3% GDP vào cuối năm 2015”; “Mỗi người dân Việt Nam đang gánh 1.016 USD nợ công”...

Những cảnh báo trên dựa theo cập nhật tại “Đồng hồ nợ công thế giới”, tính tại thời điểm ngày 30/10/2015 thì nợ công Việt Nam đã ở mức hơn 93 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Con số này chiếm tỉ lệ 45,9% GDP.

Tuy nhiên, đang có nhiều con số khác nhau về nợ công Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 diễn ra ngày 29/10 cho biết, dự kiến đến hết 31/12/2015, nợ công sẽ là 61,3% GDP, vẫn là nằm dưới ngưỡng 65% (an toàn) theo quy định Luật Quản lý nợ công. Còn báo cáo gần đây của Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về nợ công lại đưa ra con số nợ công 2.656 nghìn tỷ đồng, tương đương 66,4% GDP tại thời điểm cuối năm ngoái. Con số khác nhau vì kết quả tính nợ công phụ thuộc vào định nghĩa nợ công song nợ công là nỗi trăn trở của toàn dân bởi cũng theo thông tin của Bộ Tài chính, nợ công ở mức 59,6% GDP vào cuối năm 2014 thì tỉ lệ nợ công trên GDP vẫn tăng cao.

Trong chuyện làm ăn tất nhiên phải có chuyện vay nợ để phát triển và giàu như nước Mỹ cũng là con nợ của nước khác. Vấn đề không phải là có nợ hay không, nợ bao nhiêu mà là việc sử dụng vốn vay như thế nào? hiệu quả ra sao?

Người dân không nắm được những vấn đề kinh tế vĩ mô nhưng nhìn vào những công trình không hiệu quả, gây lãng phí là cực kỳ xót xa vì tiền ngân sách bỏ ra khắc phục cũng là tiền của dân. Như đường ống nước sông Đà vỡ 17 lần để Hà Nội phải quyết định làm ống mới tuy là cần thiết cho dân bớt cực vì thiếu nước nhưng rõ ràng cái đường ống 17 lần vỡ ấy đã góp phần làm vỡ kế hoạch chi tiêu của ngân sách. Những con đường vừa làm xong đã lún, những mặt cầu vừa trải nhựa lại đã nứt và thành “sống trâu” không thể đổ tại khách quan mà trước hết trách nhiệm thuộc những nhà đầu tư, thiết kế phải lường hết được “khách quan” như thời tiết, chất lượng vật liệu tác động vào công trình như thế nào.

Không hiếm những công trình thiếu tính khả thi như xây chợ ít ai vào, nhà văn hóa - sân vận động địa phương làm ra chỉ sử dụng đôi lần trong năm. Nước còn nghèo nhưng những công trình hoành tráng như Tượng đài Sơn La, bảo tàng, trụ sở cứ được đưa ra, mọc lên khiến dân bức xúc.

Chuyện lãng phí như sử dụng xe công, tổ  chức hội nghị, hội thảo mang tính “giải ngân” cuối năm không tạo được hiệu quả và tác dụng hoặc những chuyến du lịch ngắn dài, trong và ngoài nước núp bóng “tham quan, học tập” cũng góp phần khiến đất nước nợ nần nhiều thêm.

90 triệu người dân Việt từ cháu nhỏ mới ra đời đến các cụ già sắp lìa trần thế đang nợ 93 tỷ USD nghĩa là mỗi người phải gánh trên vai 1.016 USD nợ công không lẽ có những kẻ cứ thản nhiên tham nhũng, lãng phí, thu vén  cho riêng mình trên nỗi đau nghèo khó của toàn dân?

Chúng ta không sợ nợ công, chỉ sợ ngân sách nhà nước bị thất thoát vào những chuyện không đâu hoặc chưa cần thiết để toàn dân phải “bóp bụng” cho một số kẻ “phè phỡn”. Đã đến lúc phải coi tham nhũng, lãng phí là kẻ thù của dân tộc chăng và luật pháp phải trừng trị nghiêm minh qua những phát hiện của nhân dân.

Lưu Thủy

 

 

 


Ý kiến của bạn