Nợ công, bội chi ngân sách: “Chưa ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí”

01-04-2016 14:42 | Xã hội
google news

Chống tham nhũng đã có kết quả bước đầu nhưng lãng phí đang là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nợ ngập đầu, bội chi tăng cao.

Nợ công, bội chi ngân sách là những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội Khóa XIII đặc biệt quan tâm tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Một số đại biểu chỉ ra rằng, lãng phí chính là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nợ ngập đầu, bội chi tăng cao. Chỉ khoảng vài năm nữa, nợ công sẽ thực sự là “điểm nóng” khi Việt Nam phải đối diện với vấn đề trả nợ và đảo nợ một cách căng thẳng nhất.

Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng chống lãng phí cần rà soát, quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Theo Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), để chống lãng phí cần rà soát, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Thực hiện kỷ cương thu chi ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Đại biểu An nói: “Bên cạnh đó, để dân giám sát xem ngành nào chi có hiệu quả. Trừ quốc phòng, an ninh thì công bố, công khai mức chi tất cả các ngành, nơi nào làm tốt thì đưa vào thưởng cho tương xứng. Nơi nào chi sai, chi không đúng thì xử phạt”.

Đại biểu Bùi Thị An dẫn chứng trường hợp một Bộ trưởng được bổ nhiệm lên từ cấp Thứ trưởng, khi văn phòng bộ có đề nghị mua ô tô mới nhưng bộ trưởng từ chối và cho rằng xe cũ còn tốt, còn an toàn.

“Điều rất đáng quý, dù nhiều năm ở cương vị cao nhưng Bộ trưởng này vẫn đi xe cũ, nhưng công việc của bộ đó thì lại nhiều cái đổi mới, tốt hơn. Hành động của vị bộ trưởng này tuy nhỏ thôi nhưng rất có ý nghĩa, khiến nhiều cán bộ cấp dưới muốn thay xe, muốn văn phòng hoành tráng cũng phải ngẫm suy”, Đại biểu Bùi Thị An bày tỏ.

Từ câu chuyện trên, Đại biểu Bùi Thị An nhận định: Chống lãng phí cần phải làm từ việc rất nhỏ, những việc rất cụ thể, nếu chỉ xét những việc to thì rất khó. Nếu đảm bảo được chống lãng phí từ cấp địa phương cho tới Trung ương, chắc chắn Quốc hội sẽ không phải bấm nút thông qua bội chi. Đất nước sẽ giàu lên, phát triển chắc chắn sẽ bền vũng.

Cũng tại phiên thảo luận, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) đề nghị, trong đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới cần đặt phòng chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu.

"Chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề suy thịnh của quốc gia. Tôi cho rằng, cách dùng từ “chú trọng, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí” của Chính phủ chưa đủ mạnh và đúng tầm. Chống tham nhũng thì đã có kết quả bước đầu, tuy nhiên chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí cả”, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng chỉ rõ.

Do vậy, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp, giải pháp đồng bộ chống lãng phí, thực hiện với quyết tâm cao hơn trọng nhiệm kỳ tới. Bởi tình hình tham nhũng ngày càng có quy mô dàn trải, phức tạp hơn, không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế  mà còn tham nhũng ở chính sách. Tham nhũng, lãng phí đang quá nguy hiểm cho quốc gia.

“Kỳ họp này, tân Thủ tướng cần có tuyên thệ về chống tham nhũng lãng phí giống như tuyên bố của Thủ tướng trước vấn đề Biển Đông... Cần đặt vấn đề chống lãng phí, tham nhũng lên hàng đầu. Coi lãng phí như giặc nội xâm và chống lại lãng phí như chống giặc ngoại xâm”, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị./.


Ý kiến của bạn