Hà Nội

"Nổ" bình rượu ổi ngâm 1 năm thanh niên chấn thương nặng 2 đùi

27-10-2020 07:49 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Đó là trường hợp anh N.V.K sinh năm 1993, có địa chỉ tại Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Theo lời kể của bệnh nhân, trong lúc chuẩn bị ăn cơm tối, anh lấy bình rượu ổi bằng thủy tinh 20 lít được ngâm cách đây 1 năm ra uống, khi mở nắp vì quá chặt nên anh sử dụng 2 đùi giữ bình rượu.

Tuy nhiên ngay sau đó  người bệnh bất ngờ nghe tiếng phát nổ từ bình rượu, nhìn xuống chân thấy máu chảy nhiều, hoa mắt, chóng mặt, tê bì chân và người bệnh nhanh chóng được gia đình đưa đến y tế cơ sở sơ cứu vết thương sau đó được chuyển Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí điều trị.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau chảy máu nhiều 2 đùi: mặt trong 1/3 đùi trái và đùi phải có vết thương kích thước tương ứng khoảng 2 cm và 3 cm sắc gọn, không rõ độ sâu, mạch mu chân trái khó bắt, xây xước vùng khuỷu tay.

Hình ảnh vết thương của bệnh nhân

Xác định trường hợp người bệnh có vết thương phức tạp phần mềm đùi 2 bên, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình & Bỏng phối hợp với khoa Phẫu thuật Can thiệp Tim mạch và Lồng ngực nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh.

Trong quá trình can thiệp, tại vị trí tổn thương máu chảy nhiều, các bác sĩ mở rộng vùng tổn thương đùi trái phát hiện người bệnh đứt cơ may, đứt gần rời động mạch, tĩnh mạch đùi, đứt bán phần cơ khép lớn, các bác sĩ tiến hành làm sạch vết thương và khâu nối tĩnh mạch, động mạch … tại đùi phải và khuỷu tay vết thương phần mềm đã được làm sạch và khâu nối vết thương.

Sau 6 ngày điều trị hiện nay sức khỏe người bệnh ổn định dự kiến ra viện vào cuối tuần này.

BSCKI. Nguyễn Đức Hoành – Trưởng khoa Phẫu thuật – Can thiệp Tim mạch & Lồng ngực người trực tiếp tham gia cấp cứu cho bệnh nhân khuyến cáo, người dân cần hết sức thận trọng với các đồ bằng sứ và thủy tinh.

Đặc biệt là những bình đựng dung dịch lên men để lâu ngày rất dễ phát nổ gây sát thương. Bên cạnh đó nếu người dân không may bị tổn thương chảy máu cần được nhanh chóng sơ cứu để cố định vết thương và tránh mất máu.

Với những vết thương sâu cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương trước 6 tiếng để điều trị kịp thời tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra.


Ngân Hà
Ý kiến của bạn