Nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp lên đến hơn 14.000 tỷ đồng

17-11-2016 09:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Đến tháng 11/2016, số nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm tự nguyện đã lên tới hơn 14.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Đến tháng 11/2016, số nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm tự nguyện đã lên tới hơn 14.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, việc tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả chưa cao…

Đây là một số thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 16/11.

Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện của BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên tới 14.237 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số nợ trên, nợ quỹ BHXH là 9.550 tỷ đồng (trong đó, số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH), nợ bảo hiểm thất nghiệp là 516 tỷ đồng, nợ BHYT là 4.170 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số nợ trên chưa tính số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn… “Số nợ lớn như trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động, vì họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng lại bị doanh nghiệp chiếm dụng, nên không được hưởng quyền lợi của mình”- ông Trần Đình Liệu nói.

Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp cố tình nợ đọng BHXH, BHYT

và bảo hiểm thất nghiệp

Tại Hội nghị, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, theo quy chế phối hợp được ký giữa BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, 15 tỉnh được chọn thí điểm triển khai công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, công tác khởi kiện do Liên đoàn lao động tỉnh thực hiện chưa được như mong muốn.

Ông Mai Đức Chính cũng bày tỏ lo ngại về số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hiện đã hơn 14.000 tỉ đồng, và đặt câu hỏi về việc triển khai khởi kiện nhằm làm giảm số nợ trên hiện đang có khó khăn, vướng mắc gì? Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lo ngại về tỉ lệ thu nợ BHXH còn quá thấp. “Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại công tác triển khai? Hiện 16 tỉnh chưa chấp hành ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc ký quy chế phối hợp.

Về phía BHXH, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) thẳng thắn cho rằng, ngoài các nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động, số nợ BHXH tăng còn do nguyên nhân từ cơ quan BHXH các cấp. Hiện vẫn còn một số lãnh đạo cơ quan BHXH tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ, chưa quyết liệt chỉ đạo việc đôn đốc thu nợ. BHXH tỉnh chưa chủ động báo cáo và đề xuất UBND các cấp chỉ đạo, xửa lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do BHXH các tỉnh chỉ phối hợp, cử người tham gia đoàn thanh tra khi các cơ quan quản lý đề nghị và chưa chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Khởi kiện ngay những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Để có biện pháp tích cực trong việc thu nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, bảo vệ lợi ích của nhà nước, người lao động trong điều kiện hiện nay tòa án không chấp nhận quyền khởi kiện của của quan BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nhằm phối hợp với công đoàn các cấp thực hiện nhiệm vụ khởi kiện nợ ccs loại hình bảo hiểm này, BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lương Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), sau gần 2 tháng triển khai, vẫn chưa có vụ nào được khởi kiện ra tòa.

Cơ quan BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ kiên quyết khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp

Tính đến 13/11, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (trong đó nhiều nhất là của BHXH tỉnh Điện Biên với 51 hồ sơ, Nam Định 9 hồ sơ).

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, sắp tới Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ chọn 15 địa phương có tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp nhiều nhất để thực hiện khởi kiện doanh nghiệp vi phạm.

Về phía BHXH Việt Nam, cơ quan này sẽ chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Đến 31/12 mỗi tỉnh, thành phố sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiêp xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 15 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 3 tháng.

Cơ quan BHXH cũng sẽ cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp với liên đoàn lao động khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp ra tòa. Đến 31/12 mỗi tỉnh, thành phố thực hiện nộp đơn khởi kiện ra tòa án ít nhất từ 10-50 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 6 tháng.

Bên cạnh đó, các đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn, kéo dài sẽ bị công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Thái Bình
Ý kiến của bạn