“Nợ” bằng cấp... chỉ có ở nước ta!

22-11-2016 15:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc cho nợ, cho thiếu là chuyện rất bình thường, khá phổ biến trong xã hội và hoạt động công vụ, công tác cán bộ cũng không ngoại lệ như nợ chỉ tiêu, chứng chỉ... Tuy nhiên, ở nước ta có nhiều kiểu nợ trái với quy luật tự nhiên, thậm chí có phần hài hước. Đó là nhiều người chưa học tốt nghiệp, thậm chí chưa học PTTH cũng “nợ” bằng tốt nghiệp để vào đại học, sau đó học xong đại học rồi mới quay lại học PTTH!

Do việc học hành, đào tạo khá lộn xộn, không theo quy trình chặt chẽ, khoa học nên không quá ngạc nhiên khi nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng lại chưa học và chưa có bằng tốt nghiệp PTTH...

Hay như trong bồi dưỡng quản lý nhà nước, nếu theo đúng quy trình, thứ bậc của hệ thống đào tạo bồi dưỡng hiện hành thì chương trình bồi dưỡng chuyên viên rồi mới đến chương trình chuyên viên chính nhưng thực tế nhiều người chưa qua khóa chuyên viên nhưng đã theo học chương trình chuyên viên chính hoặc có người học song song- đó là vừa học chuyên viên chính, vừa học chuyên viên vẫn được chấp nhận.

Mặc dù, không được pháp luật cho phép, quy định nhưng tình trạng này vẫn cứ diễn ra rất phổ biến. Điều này giúp chúng ta thấy được vì sao chất lượng giáo dục của nước ta không bằng các nước trên thế giới. Điển hình là nhiều trường hợp không qua kiến thức phổ thông, cơ bản nhưng vẫn tốt nghiệp chương trình đại học, thậm chí có người còn tốt nghiệp loại khá, giỏi!

Theo nhiều chuyên gia về giáo dục việc “nợ” bằng cấp, trình độ một cách vô lý, ngược quy luật như vậy chỉ có ở nước ta! Đây là nguyên nhân làm cho chất lượng giáo dục ở nước ta không được cải thiện, nâng cao. Hiện nay, việc học tập, đào tạo, truyền đạt kiến thức ở một số cơ sở đào tạo chưa được chú trọng đúng mức, người học chỉ quan tâm đến bằng cấp mà thôi. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu cực trong thi cử, cấp bằng diễn ra tràn lan, công khai và hết sức nghiêm trọng, nhất là ở bậc giáo dục đại học và sau đại học. Vì thế mà chẳng có gì khó hiểu khi bằng tốt nghiệp đại học, cử nhân của nước ta không được các nước tiên tiến công nhận.

Có thể khẳng định rằng nợ bất cứ thứ gì đều có thể chấp nhận được tuy nhiên “nợ” trình độ, kiến thức, trí tuệ thì không thể chấp nhận được. Bởi vì, kiến thức là thứ vô giá không thể mua bán, tặng cho mà con người ta chỉ có thể có được là do tự chính mình phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện, nghiên cứu nghiêm túc, vất vả mà thành.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cương quyết trong việc ngăn chặn tình trạng “nợ” bằng cấp, nợ kiến thức tràn lan đang làm cho nền giáo dục đào tạo bị biến tướng, méo mó và dễ nảy sinh tiêu cực. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành giáo dục, đào tạo mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như đạo đức, văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.


Vĩnh Linh
Ý kiến của bạn