Níu giữ sự sống mong manh cho những thiên thần nhỏ

23-01-2023 08:00 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Có một nơi mà trong cuộc đời mình không ai mong phải đến, đó là phòng cấp cứu. Các bác sĩ cũng vậy, họ ước phòng cấp cứu chẳng bao giờ phải sáng đèn...

Ở nơi ranh giới sự sống và cái chết

Là bệnh viện (BV) đầu ngành về Nhi khoa trong cả nước, có thời điểm BV Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhi đến khám ngoại trú và gần 2.000 bệnh nhi điều trị nội trú mỗi ngày, với nhiều căn bệnh phức tạp. Hơn 500 bác sĩ và 1.000 điều dưỡng đã làm việc bất kể ngày đêm, các kíp trực luôn hối hả, chạy vất vả ngược xuôi...

Tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng í ới gọi nhau, tiếng khóc của trẻ nhỏ... phía sau cánh cửa quanh năm không bao giờ khép lại là phòng tiếp nhận bệnh nhi tương đối rộng, nhưng đã trở nên chật hẹp bởi sự quá tải dành cho nó.

Hạnh phúc lớn nhất của y, bác sĩ là những thiên thần nhỏ mau được trở về nhà.

Hạnh phúc lớn nhất của y, bác sĩ là những thiên thần nhỏ mau được trở về nhà.

Theo BS. Nguyễn Thị Hoa - Trung tâm Sơ sinh, BV Nhi Trung ương  hằng ngày trung tâm tiếp nhận đa phần là trẻ sinh non, chuyển từ tuyến dưới lên, đều cần phải can thiệp và điều trị. Sau khi khám sàng lọc, nếu trẻ phải phẫu thuật sẽ được chuyển đến các chuyên khoa kịp thời. Chỉ tính riêng ở Trung tâm Sơ sinh, mỗi năm thực hiện khám trên 15.000 trẻ và điều trị trên 4.000 trẻ sơ sinh có bệnh lý phức tạp như: Hô hấp, tim mạch, dị tật bẩm sinh... Nhiều trẻ sinh non 25 tuần tuổi, cân nặng chỉ 480 gram đã được cứu sống.

Điển hình là trường hợp bé trai người dân tộc Thái 17 ngày tuổi ở Sơn La mắc dị tật hiếm gặp, gây biến dạng nặng nề nửa khuôn mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng của bé. Bé không thể bú được nên chưa từng được bú mẹ, chỉ có thể ăn qua sonde từ đường mũi vào dạ dày. Đây cũng là em bé sơ sinh nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại được thực hiện phẫu thuật tạo hình khe hở mặt phức tạp.

Theo BS. Phạm Tuấn Hùng - Khoa Sọ mặt và Tạo hình, BV Nhi Trung ương: Bé A được chuyển đến BV Nhi Trung ương khi mới 2 ngày tuổi, trong tình trạng có đa khe hở mặt rất phức tạp và hiếm gặp. Bé có khe hở từ môi trên đến ổ mắt phải, khoang miệng thông với ổ mắt, khiến lưỡi của bé thường xuyên liếm lên mắt. Khuyết toàn bộ mi dưới, sàn ổ mắt phải, khuyết xương từ bờ dưới ổ mắt đến toàn bộ ½ cung hàm trên và toàn bộ xoang hàm trên bên phải; nhãn cầu tụt xuống dưới, lộ hoàn toàn ra bên ngoài, biến dạng mũi.

Chia sẻ về ca bệnh này, BS. Đặng Hoàng Thơm - Trưởng ê-kíp phẫu thuật, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết: Do di tật khe hở mặt rất nặng nề và hiếm gặp, trẻ có đa khe hở sọ mặt phức tạp với độ khuyết hổng lớn, đặc biệt bệnh nhi còn quá nhỏ, mới 17 ngày tuổi, tổ chức da và cơ của trẻ rất mỏng manh lại bị thiếu rộng, nên khi phẫu thuật đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác rất cao, cần có kế hoạch và chiến lược tạo hình phù hợp.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, môi của bệnh nhi đã được tạo hình lại, trẻ đã có thể tự bú, ổ mắt được đưa về vị trí sinh lý bình thường, mi trên và mi dưới đã khép kín, che phủ toàn bộ nhãn cầu, khắc phục được tình trạng chảy tràn nước mắt.

Còn trường hợp bé B, con của chị P (33 tuổi, ở Hà Nội) thì khác. Bé sinh non lúc 28 tuần tuổi, chỉ nặng 900g, bị suy hô hấp, đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Trung tâm Sơ sinh được hơn 2 tuần. Chị P chia sẻ, nhờ được các y bác sĩ chăm sóc chu đáo, đến nay bé B đã được hơn 1,2kg. Bé tiến triển với các dấu hiệu tích cực tốt hơn nhiều, khiến chị cùng gia đình rất vui và an tâm...

Những em bé được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Trung tâm Sơ sinh.

Những em bé được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Trung tâm Sơ sinh.

Nghẹn ngào trong hạnh phúc

Chị Nguyễn Quỳnh Giang (mẹ của bé H) chia sẻ, bé sinh ra khi mới được 26 tuần 6 ngày, nặng 850g. Nằm ở BV Phụ sản 9 ngày thì gia đình xin chuyển bé sang BV Nhi Trung ương và tiếp tục phải nằm lồng kính. Những ngày sống trong sự chờ đợi là những ngày cảm giác lo lắng bao trùm đến từng hơi thở: Lo không biết tình trạng con như thế nào, lo con có tự mình chiến đấu được hay không...

Bác sĩ cho con nằm trên người mẹ để thực hiện phương pháp Kangaroo. Bây giờ, con đã được 35 tuần, nặng 2,3kg. Hai mẹ con cùng cố gắng để tuần sau được về nhà. Từ ngày đầu tiên đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, mình vẫn xúc động. Nhìn con bé bỏng nằm trong lòng mình, chỉ biết thì thầm trong vui sướng: Cảm ơn các y bác sĩ ở đây nhiều lắm! Những người đã sinh ra con lần thứ hai trong cuộc đời này.

Có lẽ ai cũng hiểu để chăm sóc một em bé sơ sinh thiếu tháng là không hề dễ dàng. Nhưng không phải ai cũng biết cuộc chiến sinh tử của "người trong cuộc" gian nan thế nào nếu chưa tận mắt chứng kiến. TS.BS. Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ: "Cơ thể của các trẻ sinh non khi sinh ra còn rất yếu ớt và phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như: Viêm ruột hoại tử, bệnh về da, nhiễm trùng, về thính lực, thị lực... Vì vậy, BV Nhi Trung ương luôn quan tâm và nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc, giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh nói chung và trẻ sinh non nói riêng".

Anh N.V.A (bố bé A) nghẹn ngào chia sẻ: "Con tôi sinh non 30 tuần, nặng chỉ 800g, bị suy hô hấp đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Trung tâm Sơ sinh được hơn 2 tuần. Đến hôm nay bé đã được hơn 1,2kg rồi, con tiến triển tốt hơn nhiều. Mừng lắm các anh chị ạ, chỉ mong ngóng con lớn lên từng ngày. Con sinh ra không may mắn được đủ ngày đủ tháng như các bạn khác, nhưng con lại thật may mắn khi được các y bác sĩ ở đây chăm sóc, nâng niu bằng tất cả tình yêu thương với trái tim ấm nóng".

Níu giữ sự sống mong manh cho những thiên thần nhỏ - Ảnh 3.

Các y bác sĩ Trung tâm Sơ sinh ngày đêm cần mẫn chăm sóc, nuôi dưỡng các bé và hướng dẫn các bố mẹ ôm bé bằng phương pháp Kangaroo.

Còn thư cảm ơn của người mẹ có con bị dị tật khuyết da chân, được các y bác sĩ ghim tại phòng vẫn còn nguyên màu mực. Người mẹ đó viết: "Cháu Đỗ Gia Huy, sinh tại BV tỉnh, ngay sau khi hạ sinh cháu, các y bác sĩ đã phát hiện cháu bị dị tật khuyết da chân và đã nhanh chóng chuyển cháu lên Trung tâm Sơ sinh - BV Nhi Trung ương. Trong quá trình điều trị hơn 2 tháng tại đây, tôi và cháu đã được các bác sĩ và y tá tận tình chăm sóc, điều trị. Vì vậy, tôi viết thư này xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các y bác sĩ".

Các bé sinh rất non có cơ thể yếu ớt (cân nặng < 1000g), các cơ quan đều chưa trưởng thành, các bé đã rất cố gắng trong từng nhịp thở, tiêu hoá từng giọt sữa... để thích nghi được với thế giới ngoài cơ thể mẹ sớm hơn so với dự tính. Mỗi ca sinh non là những "cuộc chiến" với sự nỗ lực rất nhiều của gia đình và nhân viên y tế chăm sóc.

Đúng là phải rất yêu thì mới có thể chăm sóc cho một em bé sinh non. Bởi chăm sóc trẻ sơ sinh có bệnh lý nặng đã phải cẩn thận, chăm sóc trẻ sinh non lại càng phải để ý đến từng tiểu tiết. Vậy nên, phải yêu lắm thì những y tá, điều dưỡng mới có thể tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ nhất như: Điều chỉnh gọng mũi làm sao để các bé tránh bị tổn thương mũi, khi thay tã hay mặc quần áo cho các bé, động tác luôn thật nhẹ nhàng, tránh để trầy xước, vì da các bé còn rất non nớt.

Níu giữ sự sống mong manh cho những thiên thần nhỏ - Ảnh 4.

Những lá thư cảm ơn các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh của các bố mẹ viết vội trước khi xuất viện.

Khi được hỏi một bác sĩ đang chăm sóc cho bé về mối duyên nào để chị gắn bó với công việc này, BS.Nguyễn Thị Hoa tâm sự: "Khi mình đón nhận các bé, cảm giác như nhận lấy rất nhiều hy vọng được trao gửi. Nhìn đứa trẻ bé bỏng trên tay, đỏ hỏn non nớt, trong lòng dấy lên cảm giác nâng niu và yêu thương vô cùng. Đến khi các bé được ra viện thì bác sĩ nào cũng hạnh phúc, bởi ai cũng hiểu các bé đã phải trải qua những ngày tháng đầu đời với rất nhiều gian nan", BS. Nguyễn Thị Hoa tâm sự.

Có thể nói, những "chú chim non" ấy là một phần đáng yêu của thế giới. Chúng ta hãy cùng truyền cho các bé động lực sống mãnh liệt, giúp các bé sinh non có một cuộc sống khỏe mạnh, để những "mầm xanh" được lớn lên, vươn tay đón những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc sống. Các y bác sĩ ở đây luôn tâm niệm, chỉ cần các con lớn hơn, khỏe hơn mỗi ngày, bao khó nhọc đều trở nên xứng đáng.

Với mỗi ca bệnh được hồi sinh, không chỉ có cha mẹ, mà các bác sĩ cũng rưng rưng, nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc. Hằng ngày, các khoa phòng đều có những bức thư cảm ơn viết vội trước khi bệnh nhân xuất viện. Hơn thế nữa ngay cả trên group, facebook cũng lưu nhiều lời cảm ơn các y bác sĩ đã cứu chữa và dành tình cảm yêu thương cho những bệnh nhi trong suốt thời gian nằm viện.


Đăng Anh - Khánh Mai
Ý kiến của bạn