Trao đổi với PV, GS.TS Phan Thị Kim cho rằng, 10 năm trở lại đây người tiêu dùng chú ý rất nhiều đến vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là trước những vụ việc như rau củ quả “tẩm” hóa chất, hay “thịt thối” làm pate, xúc xích, giăm bông… đã trở thành nỗi bức xúc chung của cộng đồng. Trong khi đó, thực phẩm lại là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Do vậy, theo GS. Kim, bảo đảm chất lượng và ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt - không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, đến sự phát triển giống nòi mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh của mỗi quốc gia...
Trên thực tế, do việc sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm đa phần còn ở quy mô hộ gia đình với công nghệ và dụng cụ trang thiết bị lạc hậu, một bộ phận người sản xuất kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận mà làm ăn gian dối, nhận thức chung về ATTP còn những hạn chế nhất định... Chính vì vậy, tình trạng ngộ độc thực phẩm và mắc bệnh truyền qua thực phẩm vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Theo GS. Kim, một trong những vấn đề người dân lo lắng hiện nay là ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt nhức nhối nhất là ô nhiễm hóa học. Đó chính là việc tồn dư hóa chất độc hại trong thực phẩm (rau củ quả, thịt cá...). “Vì lợi nhuận trước mắt, không ít người đã bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng mà sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu… không đúng cách, không đủ thời gian cách ly, gây hại cho người sử dụng. Điều này dẫn đến việc tồn dư các chất độc hại (trong đó có nitrat) gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Do tính chất dễ hòa tan và tích hợp, nitrat dễ tồn lưu trong môi trường đất, nước rồi hấp thu vào rau củ từ việc sử dụng phân bón, sự ô nhiễm nguồn phân gia súc. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng nitrat để bảo quản thực phẩm, giữ cho màu sắc được tươi lâu hơn, hấp dẫn người tiêu dùng…”- GS. Kim cho hay.
Nguy hiểm tính mạng
GS. Kim cho rằng, trong điều kiện tự nhiên, nitrat bị vi khuẩn trong môi trường tác động tạo phản ứng oxy hóa chuyển thành nitrit. Chính chất này ngăn trở quá trình kết hợp của oxy với hemoglobin (hồng cầu) để tạo thành hợp chất bền vững methemoglobin, gây ra hội chứng thiếu oxy mô. Trong y văn gọi hội chứng này là “hội chứng cyanose” với triệu chứng da, niêm mạc xanh tím, khó thở, co giật, thậm chí tử vong. Nitrat đặc biệt nguy hại đối với cơ thể trẻ em.
“Nitrat là các muối vô cơ NO2, NO3. Bản thân nitrat tự nó không phải là chất gây ung thư, nhưng là nghi phạm gián tiếp gây ra ung thư khi nó biến thành nitrit. Chất này kết hợp với gốc amin tự do tạo thành tiền chất gây ung thư nitrosamine”- GS. Kim nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với nguồn rau, củ nên dùng tươi càng sớm càng tốt, nếu bảo quản vài ngày lượng nitrat sẽ gia tăng. Riêng đối với các loại thực phẩm có ướp muối nitrat (muối diêm) tốt nhất là chúng ta chỉ nên sử dụng hạn chế.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức cho cộng đồng ở sạch, ăn uống sạch và an toàn. Thực hiện mối liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà sản xuất thực phẩm, nhà khoa học và người tiêu dùng) trong công tác bảo đảm ATTP để đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nòi giống và góp phần phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ hội nhập.
“Sức khỏe là vốn quý nhất - hãy bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng bắt đầu từ việc ăn uống hàng ngày”- GS. Kim nói.
Thống kê mới đây của Cục Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, kết quả phân tích hàm lượng nitrat trên bắp cải, cải xanh, su hào, cà chua, nho ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM...đã phát hiện nhiều mẫu rau củ có hàm lượng nitrat vượt mức cho phép từ 1,3-5 lần.
Một nghiên cứu khác ở Quảng Bình cũng cho kết quả tương tự. Kiểm nghiệm hàm lượng nitrat của 50 mẫu rau (gồm 40 mẫu rau cải, 10 mẫu mướp đắng) cho thấy, số mẫu rau phát hiện nhiễm dư lượng nitrat chiếm đến 36% (18/50 mẫu), trong số đó có 5 mẫu chứa dư lượng nitrat vượt quá ngưỡng cho phép. Các mẫu rau có dư lượng nitrat vượt ngưỡng an toàn đều là các mẫu rau cải, đây là các mẫu rau được khuyến cáo không nên sử dụng. Những kết quả này cho thấy thực trạng dư thừa nitrat trong rau củ quả rất đáng báo động.
Dương Hải