Ninh Xá không xa trung tâm thành phố lắm, chừng 15 cây số, thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đầu tháng sáu, nắng ong ong ngát thơm mùi sen phả lên từ một con đầm bên đường làng. Thiên nhiên bất ngờ mát rượi khi cơn gió ùa tới. Chúng tôi, ai nấy đều hít hà với nhịp điệu sảng khoái, ngỡ ngàng trước một không gian vời vợi cánh đồng sen...
Lăng Liên Hoa và chuyện nhị vị Bồ Tát
Khi đến với làng Ninh Xá, chúng tôi được nghe chuyện hai nàng công chúa sinh đôi của Lý Thánh Tông (1054-1072), trọn một kiếp tu và tạ thế nơi đây. Cuối mùa xuân năm nay, người làng Ninh Xá đã tu bổ và xây mới lăng của hai bà trên cánh đồng của làng. Đó là Lăng Liên Hoa mà hai bà khi về già đã nhờ thầy phong thủy chỉ định mộ chí để yên giấc ngàn thu. Đó cả là một câu chuyện bi ai của hai nàng công chúa nhà Lý, khi về tu tại chùa làng. Chúng tôi nghe người nhà chùa kể như được sống lại một thuở xa xưa với hình ảnh dịu dàng và ấm áp của hai cô công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy...
Chùa Ninh Xá (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Chuyện hai nàng công chúa, con của vua Lý Thánh Tông và hoàng hậu Thượng Dương, nhất quyết đi tu không biết có liên quan gì đến thế sự triều đình không, nhưng khi vua triệu hai nàng về để lấy chồng là chiến binh nơi cửa khẩu, để yên bề trấn thủ biên phòng, thì nhất quyết không chịu. Vua bắt các con phải hoàn tục và ra lệnh cho đốt ngôi chùa Long Hưng ở làng Đông Phù (xã Đông Mỹ), nơi mà hai nàng đã quy y tam bảo. Nhưng hai nàng vẫn quyết chí đi tu cho thành chính quả, bèn trốn sang chùa Trúc Lĩnh (thuộc làng Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp) ở gần đó. Vua cha giận quá sinh ốm, kém ăn, kém ngủ và đau mắt nặng. Hay tin, hai nàng vội vã về kinh thành tạ tội, nhưng vẫn một bề xin vua cha cho phép trọn kiếp tu hành, bởi cả hai “Trước tòa sen trót nặng lời thề. Dẫu sống chết cũng qui y tam bảo” (Lời trong bài hát văn thờ ngày lễ).
Cùng với những quân sư, tướng lĩnh và hoàng hậu cầu xin vua xá tội kháng chỉ, nên hai nàng công chúa được tiếp tục về chùa ăn chay niệm Phật. Hơn nữa, lúc đó quan quân triều đình đã có cách giải thoát những vấn nạn, xảy ra ở biên cương. Vua cũng bớt sầu lo, khỏe mạnh trở lại và còn cho quan quân về làng Đông Trù, xây lại ngôi chùa đã đốt và đặt tên là Hưng Long Tự. Đồng thời vua còn cho xây tiếp trên đất Trúc Lĩnh một ngôi chùa mới cho hai công chúa và đặt tên là Hưng Phúc Tự. Hai người đã tu mấy chục năm ở Hưng Phúc Tự cho đến cuối đời.
Trong mấy chục năm tu hành, hai công chúa đã xin vua cha cấp tiền mua đất chia cho 9 xã, thôn trong tổng Nam Phù (phía Nam huyện Thanh Trì) để canh tác. Hai bà còn bán hết vàng bạc, châu báu mang theo để chu cấp cho mọi người học nghề phụ tạo nên cả một vùng rộng lớn bao quanh sông Hồng làm ăn sầm uất. Mỗi làng một nghề hình thành khu thương mại kết nối các chợ nông thôn phát triển ngày một thịnh vượng. Các làng nghề đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm cho đến nay như, làng Chanh Khúc làm các loại bánh chưng, bánh dày, bánh gai; làng Đông Phù làm bún, làm đậu; Tự Khoát thì làm nong, nia dần sàng, rổ rá; hay làng Đam Uyên lại ươm tơ... Công ơn của hai bà gần ngàn năm qua đã được nhân dân ghi nhớ. Họ đã tôn vinh hai người như những Phật bà tái thế, là sư tổ của các chùa quanh vùng.
Sau mấy chục năm tu hành và giáo hóa, phát triển đời sống dân sinh quanh vùng, hai bà đã đến độ viên mãn, đạt tới chính quả. Để chuẩn bị cho ngày về cõi, hai vị sư tổ tìm thầy định chốn thiêng dựng am thất. Đó là am bằng gỗ thông dựng dưới lòng đất của cánh đồng Liên Hoa thuộc làng Ninh Xá. Đó chính là nơi chôn cất khi hai vị sư tổ hóa vào đúng ngày rằm tháng ba năm Ất Hợi (1095), đời vua Lý Nhân Tông. Dân làng Ninh Xá đã được trông coi, chăm nom Lăng Liên Hoa, theo di chúc của hai bà để lại. Cả ba làng Ninh Xá, Đông Phù, Tự Khoát đều xây đền, dựng tượng thờ hai bà. Công khai hóa dân sinh và đức độ cao quý của hai bà đã được các đời vua ghi nhận và ngợi ca. Đến thời Lê sơ, hai vị sư tổ đã được phong là “Linh thông đại Bồ Tát”. Từ đó dân khắp các vùng lân cận đều gọi hai bà là “nhị vị Bồ Tát”.
Đặc biệt, ngày lễ hội để tưởng nhớ hai bà, dân làng Ninh Xá còn tổ chức đêm Hát Văn thờ. Bài hát văn này gồm 220 câu kể sự tích và công đức nhị vị Bồ Tát. Lễ vật ngày chính hội (15/3) là chiếc bánh dày cỡ lớn đặt trên hương án của làng Chanh Khúc rước đến. Bao quanh chiếc bánh dày lớn là 9 chiếc bánh dày nhỏ, tượng trưng cho 10 làng quanh vùng mang công ơn bà. Cùng với các chùa khác còn có các cuộc thi hát văn kể công ơn hai bà đã đem đến cho dân làng ruộng đất và miếng cơm manh áo từ ngàn năm trước. Khi chúng tôi đến đây hỏi ai cũng có thể nhớ những câu hát văn thờ, kể chuyện hai bà rằng: “Hai con gái Thánh Tông hoàng đế. Chị Từ Thục tuổi chỉ mười hai. Em Từ Huy đóa hương nhài. Ngại ngùng chi sợ đến vài năm sau. Ngại lấy chồng tuyến đầu biên giới. Xa mẹ cha, ngại cả rừng xanh. Thế nên xin được tu hành. Vào chùa niệm Phật để thành ni sư...”.
Hạnh “Sen”
Lăng Liên Hoa nằm trên cánh đồng Liên Hoa của làng Ninh Xá mang hình ảnh những đóa sen hồng. Quả nhiên vì sao đến đây đã thấy gió ngào ngạt hương sen, cả nắng nữa cũng mang hương thơm thanh thoát. Xa xa là những đầm sen nhiều sắc màu đến kỳ lạ. Hỏi ra mới biết ở Ninh Xá còn có một người mang tên Hạnh “sen”. Ông đã dồn hết vốn liếng tâm sức của mình để tạo nên cánh đồng sen nơi đây. Không biết có phải chính đây là lộc của “Nhị vị Bồ Tát” để lại và còn phát tài đến ngày nay. Một nghề làm mới Ninh Xá. Một nghề làm thơm Ninh Xá. Ông Nguyễn Văn Hạnh là sự khởi đầu.
Ông chủ đầm sen bộc bạch lòng mình yêu sen từ bé, có những đêm đã ôm cánh sen ngủ và bị gai cào xước tay. Trong giấc mơ cậu bé Hạnh ngày ấy đã chạy như bay trên một hồ sen, với đôi cánh tay vẫy vùng trên không trung. Cậu bé đã hát vang lời ru của mẹ một thời: “Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Một triết lý mang một vẻ đẹp vĩnh cửu của loài người, cho đến nay và mãi mãi mai sau, thật khó có thể quên. Ông Hạnh đã bắt tay vào trồng sen từ những ký ức của tuổi thơ. Và, ông đã bắt đầu với sen qua một dự án hết sức âm thầm và có phần điên rồ, khi một mình khai khẩn một con hồ rộng 5.000m2 đầy cỏ lác. Đó là câu chuyện của Hạnh “sen” cách đây 7 năm. Không ai tin là ônh có thể biến cái hồ mênh mông đó thành một cánh đồng sen. Vốn đi vay. Nghề đi học. Làm thì một mình. Phải có ý chí lắm mới có thể liều lĩnh đến vậy và đã bị người ta đặt cho một cái tên là Hạnh “khùng” cũng chẳng sai.
Ông Hạnh trên đầm sen.
Vậy mà Hạnh “khùng” vẫn máu làm sen với tâm hồn lãng mạn nhất, khi nghĩ rằng kể cả không làm ra tiền, thì cũng để ngắm hoa chơi. Ông tâm nguyện những đóa sen đầu tiên sẽ đem lên chùa xin lộc “Nhị vị Bồ Tát”, mong hai ngài phù hộ cho cánh đồng sen ngày một thắm hoa. Sau khi làm sạch hồ, công việc còn lại là trồng giống sen nào thích hợp cũng không phải đơn giản. Đừng nghĩ trồng sen dễ như dạo chơi, vùi cái gốc xuống bùn là xong và thành hoa. Không, chuyện đi tìm giống sen mới là một cuộc hành hương không kém phần cam go. Đi bất cứ đâu. Nào là giống sen nổi tiếng ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình... nào là giống sen Cung đình từ xứ Huế mộng mơ; lại nữa giống sen hồng cánh đơn từ Tháp Mười... Nghĩa là đi và học. Mua giống và học nghề. Một hành trình đúng là hành xác.
Ông kể, lúc đầu trồng, sen nhú lên được cái mầm đã sướng đến mất ngủ. Vậy mà sau đó là những đêm thức trắng vì vào đúng thời điểm trời đất khô nóng không có lấy một giọt mưa. Mà lấy nước vào hồ sao cho đủ, cho dù là có cả con sông Hồng ở gần đó. Nhưng để đưa nước về cũng không dễ dàng gì, vì đường khá xa, chi phí quá cao, đành cắn môi khóc thầm. Nhưng đúng là ông trời có mắt, đã mưa xuống như trong mơ vậy, sen mọc như có cánh. Ít lâu sau những búp sen bật nhú lên phơn phớt hồng. Ngỡ như có con chim hót trong tâm hồn mình vậy. Ông Hạnh nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Niềm vui bay bổng trong không trung xanh thắm. Từ đó ông Hạnh được mang cái tên “sen”, với 12 giống hoa được lai phối qua sự nỗ lực vượt bậc và những áp dụng khoa học, qua những trang sách đã học được. Đặc biệt, ông trồng được giống sen Quan âm cùng với loại sen Cung đình và sen Tịnh Đế, rất phù hợp với việc cúng lễ và lên chùa. Hoa có mùi thơm ngát cùng những cánh hồng phơn phớt tím tạo nên một sự ấm cúng, bình yên trong tâm cảm. Đó là một giống sen của riêng ông Hạnh thì đúng hơn. Có lẽ thế...
Tuyệt đỉnh một cung văn
Nói đến lễ hội Ninh Xá, không ai không biết đến một cung văn lừng lẫy một thời, chẳng ai sánh kịp. Giọng hát Lê Bá Cao. Ông đã từng đoạt giải Nhì tại Liên hoan Hát văn khu vực Bắc Bộ năm 1994. Gia đình ông mấy đời hát văn ở Ninh Xá. Dù đã mất cách đây 3 năm, ở tuổi ngoài 80, nhưng ông Lê Bá Cao vẫn là một trong những nghệ nhân cây đa, cây đề trong làng hát văn. Riêng điệu hát văn thờ bao giờ cũng là một thử thách nặng nề nhất đối với cung văn. Vừa hát, vừa đàn lại phải biết cúng nên nghệ nhân Lê Bá Cao được người làng gọi là thầy cung văn.
Người dân Ninh Xá ai cũng nhớ, mỗi khi đến đoạn cuối của hơn 220 câu văn thờ, giọng thầy Cao càng ngọt, đó là một sự điêu luyện và thấm đẫm âm hưởng tâm linh của người hành lễ. Đêm về khuya, nhiều người còn ở lại để nghe ông hát dâng lên “Nhị vị Bồ Tát” những thỉnh cầu, để mong các ngài phù hộ cho dân làng được phú quý, bình an. Khi đó tiếng đàn thầy Cao càng âm vang, khát khao những ước vọng bao đời mà dân Ninh Xá đã tôn thờ “Nhị vị Bồ Tát”, với những câu ca: “Hội chùa lễ rước tôn thân. Ni sư triều Lý nhiều vần thơ dâng...”. Khi ấy thời gian đã nửa đêm. Một không gian thấm đẫm hương sen ngát từ cánh đồng Hoa Liên như một giấc mơ khi ngôi sao mai lấp lánh. Người ta nhớ đến giọng hát thầy Cao ở cõi tâm linh ấy, thành kính và thiêng liêng, suốt 70 năm ở đền Ninh Xá.