Ninh Thuận chủ động phương án ứng phó trước nguy cơ cháy rừng cao

07-05-2025 11:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tại Ninh Thuận ngày càng tăng, phần lớn diện tích cây rừng đã rụng lá, hệ thực vật bậc thấp cũng nhanh khô héo, tạo nên thảm thực bì khô trên mặt đất, rất dễ bén lửa, nguy cơ cháy rừng càng cao.

Ninh Thuận chủ động phương án ứng phó trước nguy cơ cháy rừng cao - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận (người chỉ tay) cùng các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: D.N

Hiện nay, cấp dự báo cháy rừng trên tỉnh Ninh Thuận đang ở cấp III - cấp cao. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung lực lượng bảo vệ rừng, thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bám rừng 24/24 giờ

Những ngày này, các lực lượng gồm kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đang khẩn trương phối hợp với các tổ cộng đồng tuần tra, kiểm soát và thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt các lực lượng luôn bám rừng 24/24 giờ để kịp thời xử lý các nguy cơ cháy rừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện nay cấp dự báo cháy rừng ở Ninh Thuận đang ở cấp III - cấp cao. Do vậy, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ.

Đồng thời, bố trí điểm các chốt chặn tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, thành lập và duy trì các tổ cộng đồng bảo vệ rừng tại các thôn, bản để tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...

Nhờ triển khai tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, từ đầu năm đến nay trên lâm phần của đơn vị chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. "Hiện nay, Sở đã bố trí 107 điểm trực với khoảng 500 người thường xuyên canh gác tại các trạm, chốt cửa rừng để kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ cháy rừng" - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu thông tin thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đến người dân, đặc biệt là các cộng đồng sống gần rừng.

Quán triệt người dân hạn chế dọn thực bì trong những ngày hanh khô, tuyệt đối không đốt nương rẫy trong rừng, ven rừng khi cấp dự báo cháy rừng mức cảnh báo cấp IV (cấp nguy hiểm).

Ninh Thuận chủ động phương án ứng phó trước nguy cơ cháy rừng cao - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ cháy cao. Ảnh: D.N

Đưa máy bay không người lái vào hỗ trợ phát hiện cháy sớm

Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, các đơn vị liên quan thường xuyên tuân thủ phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để đảm bảo ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Đây là giải pháp thiết thực, giúp các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động ứng phó nhanh chóng, hiệu quả với các vụ cháy rừng.

Bên cạnh đó, các lực lượng địa phương được huấn luyện và trang bị đầy đủ các công cụ, dụng cụ như máy thổi gió, dao, rựa, máy phát cỏ, bình nước cá nhân… phù hợp với địa hình và sự chuẩn bị kỹ về hậu cần; phương châm này giúp giảm thiểu thiệt hại thiệt hại do cháy rừng gây ra và đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa khô hanh kéo dài.

Ngoài ra, các đơn vị còn ứng dụng thiết bị UAV (máy bay không người lái) để giám sát từ trên cao, hỗ trợ phát hiện sớm cháy tại các khu vực địa hình phức tạp. Ứng dụng cảnh báo qua tin nhắn SMS, Zalo và ứng dụng trên điện thoại (app: QLR_NinhThuan) giúp lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn nhận được cảnh báo nhanh chóng và kịp thời cập nhật thông tin xác minh hiện trường…

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay Ninh Thuận có tổng diện tích đất có rừng hơn 161.589 ha. Trong đó, các vùng rừng thường xuyên dễ xảy ra cháy tập trung ở các huyện: Ninh Sơn, Bác Ái...

Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng phát sinh chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân, khi phát dọn đốt nương rẫy dẫn đến cháy lan, một số đối tượng khác khi vào rừng sử dụng lửa không dập tắt nên gây ra cháy rừng.

Đang làm nhiệm vụ chữa cháy rừng, một chiến sĩ bị đàn ong 'tấn công"" phải đi cấp cứuĐang làm nhiệm vụ chữa cháy rừng, một chiến sĩ bị đàn ong "tấn công'' phải đi cấp cứu

SKĐS – Trong quá trình tham gia chữa cháy rừng tại khu vực đồi thông thuộc thôn Phú Phong, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, một chiến sĩ chữa cháy đã bị đàn ong vây đốt, không thể tự chạy thoát và bị ngã tại chỗ.


Duy Ngọc
Ý kiến của bạn