Chị Lê Ngọc K, 43 tuổi, huyện Bình Tân - Vĩnh Long, rỉ nước tiểu liên tục từ nhỏ, phải đóng bỉm và đi chữa khắp nơi không hiệu quả. Cách nay 10 năm đã phẫu thuật tại một cơ sở y tế để điều trị chứng tiểu không kiểm soát, nhưng không cải thiện và phải chấp nhận sống chung với tình trạng rỉ nước suốt thời gian qua. Ngày 21/9/2020, chị đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhập viện để điều trị tình trạng rỉ nước tiểu.
Qua chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ phát hiện thận đôi 2 bên, một niệu quản trái phía trên giãn đến bàng quang nhưng không rõ vị trí cắm vào đâu, thận trái ứ nước, niệu quản giãn đường kính 13mm (bình thường #5mm), nghi ngờ cắm lạc chỗ.
Hình chụp phim X.quang hệ niệu sau phẫu thuật
Bác sĩ tiến hành nội soi bàng quang và niệu quản: không thấy vị trí đổ của niệu quản lạc chỗ, nên đặt thông JJ niệu quản bình thường bên trái để đánh dấu, thuận lợi cho phẫu thuật tạo hình sau này. Chẩn đoán thận ứ nước và tiểu không kiểm soát do niệu quản trái đôi lạc chỗ.
Ê-kíp phẫu thuật do ThS.BS Đỗ Công Đoàn; BS.CKI Đặng Thế Oánh (Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu); ThS.BS Trần Thị Kim Luyến (Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức). Các bác sĩ đã thực hiện cắt nối niệu quản, cắm lại niệu quản lạc chỗ vào bàng quang để giải quyết vấn đề tắc nghẽn cũng như rỉ nước tiểu liên tục của bệnh nhân, thời gian phẫu thuật 90 phút.
Ê kíp bác sĩ phẫu thuật
Đến sáng ngày 7/10/2020, sau phẫu thuật bệnh nhân hồi phục sức khỏe như bình thường, bụng mềm, không đau, vết mổ khô, hết rỉ nước tiểu. Siêu âm kiểm tra thận hết ứ nước, dự kiến xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Thông thường, niệu quản sẽ đổ vào mặt sau của bàng quang. Hai lỗ của niệu quản cùng với cổ bàng quang tạo thành hình tam giác, được gọi là vùng tam giác bàng quang. Tình trạng những niệu quản cắm bất thường khỏi vùng tam giác trên được gọi là niệu quản lạc chỗ. Nói cách khác, niệu quản lạc chỗ là tình trạng lỗ niệu quản đổ ra ngoài vùng tam giác bàng quang (có thể vùng cổ bàng quang hoặc niệu đạo).
Bình thường, hai niệu quản bao giờ cũng dẫn nước tiểu đã được lọc liên tục từ hai thận xuống rồi đổ vào lòng của bàng quang. Nước tiểu này sẽ được tích chứa lại ở đó mà không thoát ra ngoài được là do cơ thắt ngoài của niệu đạo hoặc cơ thắt trong của cổ bàng quang vẫn còn đang trong tình trạng đóng kín.
Khi nước tiểu đã đạt đến một số lượng nào đó thì sẽ được tống xuất ra khỏi bàng quang theo đường niệu đạo dưới sự điều khiển của ý muốn, khi niệu quản cắm vào một vị trí lạc chỗ bất thường khác ở ngoài lòng bàng quang thì lúc đó nước tiểu đào thải từ trên thận xuống sẽ đổ liên tục ra ngoài, qua lỗ niệu quản lạc chỗ mà không còn bị gì cản trở nữa và gây ra hiện tượng rò rỉ nước tiểu.
Theo BS.CKII Nguyễn Phước Lộc - Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh khá hiếm gặp, trung bình cứ 2.000 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc bệnh. Tỷ lệ trẻ nữ mắc bệnh nhiều hơn trẻ nam và chủ yếu là xuất phát từ cực trên thận đôi có 2 niệu quản và một niệu quản cắm vị trí bất thường. Người bệnh niệu quản lạc chỗ sẽ có các triệu chứng sau:
Tiểu rỉ: Đây là triệu chứng cơ bản của bệnh niệu quản lạc chỗ. Trẻ bị niệu quản lạc chỗ sẽ có hiện tượng nước tiểu rỉ ra liên tục. Lượng nước tiểu rỉ ra từ niệu quản lạc chỗ không nhiều, trung bình khoảng 20 - 70ml.
Tiểu thành bãi: Bên cạnh hiện tượng rỉ nước tiểu liên tục, người bệnh vẫn có thể đái được thành bãi bình thường.
Hậu quả của bệnh: Gây rò rỉ nước tiểu liên tục, viêm loét, nhiễm trùng cơ quan sinh dục do nước tiểu rỉ ra liên tục, nhiễm trùng niệu kéo dài, nhiễm trùng ngược dòng, ứ mủ thận và hỏng thận phụ.
Niệu quản lạc chỗ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chức năng thận nghiêm trọng.
Niệu quản lạc chỗ cần được phát hiện sớm ngay từ khi mới sinh hoặc còn nhỏ tuổi để tránh biến chứng và những ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. Điều trị niệu quản lạc chỗ chủ yếu điều trị bằng phẫu thuật để giải quyết căn nguyên. Do đó cần đến khám các thầy thuốc chuyên khoa để có chỉ định điều trị đúng.