Niềm vui và nỗi lo...!

20-07-2013 07:13 | Thời sự
google news

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tính đến ngày 30/6 cả nước ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.856 người mắc, 1.649 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong.

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tính đến ngày 30/6 cả nước ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.856 người mắc, 1.649 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ, giảm 620 người mắc, nhập viện giảm 275 người và số tử vong giảm 4 người. Nếu tính riêng số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, toàn quốc đã xảy ra 6 vụ với 441 người mắc và 401 người nhập viện, tại 6 tỉnh, thành, không xảy ra tử vong.

Lo ngại về bữa ăn công nhân

Theo Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, thời gian qua lực lượng thanh tra chuyên ngành đã thanh, kiểm tra 199.794 cơ sở, phát hiện 41.785 cơ sở không đạt yêu cầu về ATVSTP, chiếm tỷ lệ 20,09%; số cơ sở bị xử phạt hành chính là 11.910 cơ sở; phạt tiền 2.411 cơ sở với tổng số tiền phạt là 3.877.700.000 đồng.

Niềm vui và nỗi lo...! 1Cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm.Ảnh: H.Q

Điều đáng lưu ý, trong vòng 1 tháng trở lại đây tiếp tục xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn, đặc biệt là vụ việc vừa xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty may Foremart (Ân Thi, Hưng Yên) sau bữa cơm trưa ngày 9/7, khiến hơn 230 người ngộ độc... Bên cạnh đó, trong thời gian này, các vụ ngộ độc tại nhà hàng, quán ăn ở các khu du lịch với tần suất dày cũng làm dấy lên lo ngại. Mới đây nhất, ngày 15/7, đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể tại khách sạn Cao Nguyễn thuộc thôn Đông Hải, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia làm 79 người mắc và phải nhập viện. Chi cục ATTP tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn điều tra dịch tễ vụ ngộ độc thực phẩm, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP và đình chỉ hoạt động bếp ăn tập thể tại khách sạn, lấy 13 mẫu (7 mẫu thực phẩm, 5 bệnh phân, 1 mẫu chất nôn) gửi Trung tâm YTDP tỉnh Thanh Hóa để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Qua quá trình điều tra dịch tễ học, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa xác định vụ ngộ độc thực phẩm tại khách sạn là do sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật.

Một vấn đề hết sức đáng lo ngại nữa là bữa ăn của công nhân tại các nhà máy đang thiếu chất trầm trọng. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, qua kiểm tra, nhiều công nhân ở các nhà máy chỉ được cung cấp suất ăn có trị giá từ 7.000 - 12.000 đồng. Bữa ăn như vậy thì không thể đủ chất để tái tạo năng lượng. Tuy nhiên, việc xử phạt các doanh nghiệp này là rất khó bởi đa số các doanh nghiệp đã có thỏa thuận với công nhân từ trước về số tiền ăn mà họ hỗ trợ, trong khi bản thân nhiều công nhân cũng không muốn bữa ăn nhiều tiền hơn vì sợ tốn kém. Không chỉ ở nhà máy mà khi đã về xóm trọ, rất nhiều công nhân nữ cũng tiết kiệm tối đa tiền ăn, dẫn đến tình trạng thiếu chất, nguy hiểm cho sức khỏe.

Liên quan đến thông tin một cơ sở ép dầu ăn ở tỉnh Quảng Nam trộn lốp xe vào lạc để ép dầu, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị Sở Y tế và Chi cục ATTP tỉnh Quảng Nam kiểm tra. Theo đó, vào đầu tháng 7, nhiều người dân ở xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) phát hiện một cơ sở sản xuất trong xã cắt nhỏ lốp xe đạp, xe máy bỏ chung với lạc vào máy để ép thành dầu ăn nhằm mục đích cho máy chạy nhanh hơn, đỡ tốn điện. Nhiều người dân mua loại dầu này đem về nhà ăn thì thấy xuất hiện nhiều váng đen, khử lên có mùi khét. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng địa phương bước đầu xác định thông tin này là đúng sự thật. Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định, qua kiểm tra, Cục ATTP xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật về ATTP rất nghiêm trọng vì: trang thiết bị sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; chất hỗ trợ chế biến (lốp xe) không nằm trong danh mục cho phép chế biến thực phẩm. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, người tiêu dùng ăn phải loại dầu ăn được chế biến bằng “công nghệ” này chắc chắn bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, còn mức độ ảnh hưởng tới đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có nghiên cứu dài hơi mới xác định được...

Thông tin về ATTP cần chính xác và có trách nhiệm

Trước đó, trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, ngày 16/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá xu hướng chung trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình ATTP hiện giảm cả về số vụ, số người bị ngộ độc, giảm cả số người chết so với thời điểm này năm 2012. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan. “Tiếp tục các biện pháp tuyên truyền chống ngộ độc thực phẩm, trước 15/10 sẽ có giao ban qua mạng toàn quốc về ATTP”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trả lời báo chí về tình hình ngộ độc thực phẩm trong những ngày gần đây, TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, nguyên nhân chính là do bảo quản nguyên liệu không tốt, gây độc tố nhiễm khuẩn, ví dụ như vụ ngộ độc bánh mỳ ở Phú Yên là do nhiễm vi khuẩn, ở Hưng Yên cũng là do thức ăn nhiễm vi khuẩn vì trong quá trình chế biến không đảm bảo, đặc biệt là vào mùa hè như thời điểm này. Hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn, chỉ thị đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra ATTP và tuyên truyền để các cơ sở có bếp ăn tập thể chú ý đến các điều kiện vệ sinh cũng như nguyên liệu chế biến cho người tiêu dùng.

Để công tác truyền thông về ATTP được chính xác và kịp thời, không gây hoang mang trong nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các bộ, ngành cần cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa thông tin tới báo chí, đảm bảo thông tin chính xác. “Các cơ quan báo chí khi phát ngôn về những vấn đề liên quan tới ATTP cần trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước, tránh những sai phạm đáng tiếc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Hoàng Quang

 
Ý kiến của bạn