Niềm vui và khoảng lặng

26-08-2015 11:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ thuật múa rối Việt thời gian qua vẫn không ngừng phát triển để phục vụ khán giả trong nước, thậm chí khi xuất ngoại...

Nghệ thuật múa rối Việt thời gian qua vẫn không ngừng phát triển để phục vụ khán giả trong nước, thậm chí khi xuất ngoại, múa rối Việt đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp, qua đó trở thành kênh quảng bá văn hóa đất nước hình chữ S đến với bạn bè thế giới. Tuy nhiên, đâu đó giới trong nghề vẫn băn khoăn cho biết nghệ thuật múa rối nước nhà đang còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy...

Chiếc cầu nối văn hóa

Không thể phủ nhận, múa rối là loại hình nghệ thuật độc đáo, vừa mang tính giải trí vừa góp phần định hướng giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho khán giả thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt, khi rối Việt xuất ngoại lại càng đáng vui. Nhà hát Múa rối Việt Nam từng mang vở rối cạn Nhịp điệu quê hương tham dự Lễ hội múa rối thế giới tại Thái Lan hồi cuối năm 2014 và đã “ẵm” giải chính thức duy nhất cùng hàng loạt giải phụ khác. Rối cạn Nhịp điệu quê hương sử dụng một số làn điệu dân ca truyền thống, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam, lấy chất liệu mây tre đan làm con rối từ những vật dụng quen thuộc trong đời sống thường ngày. Trong vở rối này, các nghệ sĩ cũng đã đan cài nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt đầy tinh tế, điêu luyện. Bạn bè quốc tế đánh giá, Nhịp điệu quê hương là sự kết nối hài hòa, hấp dẫn, sinh động giữa âm nhạc, sự chuyển động của con rối và sự thay đổi nhịp nhàng không gian sân khấu mang đậm dấu ấn Việt Nam.

​Một tiết mục rối cạn đặc sắc do các nghệ sĩ múa rối Việt thực hiện. Ảnh: H.Quỳnh

Trước đó, rối cạn Nhịp điệu quê hương đã có chuyến lưu diễn thành công tại Cộng hòa Chi-lê và Liên hoan Sân khấu ASEAN - Trung Quốc vào tháng 9/2013 với bằng khen “Chương trình được khán giả yêu thích nhất”, đạo diễn và một số nghệ sĩ cũng đoạt giải “Nghệ sĩ được khán giả yêu thích”. Tại Chi-lê, buổi diễn đầu tiên của Nhịp điệu quê hương thu hút đại sứ của 30 nước tại Cộng hòa Chi-lê và Thị trưởng cùng các nhà lãnh đạo cao cấp của thành phố Santiago đến xem.

Múa rối cạn - bộ môn nghệ thuật vốn không phải sở trường của nước ta đã ghi điểm trên trường quốc tế thật sự là điều đáng mừng và tự hào. Với nghệ thuật múa rối nước truyền thống, khi đến với xứ người, chúng ta cũng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Cuối năm 2014, đoàn múa rối Việt Nam đã có 4 ngày biểu diễn các tiết mục múa rối nước Truyện cổ Andersen tại Nhà hát Claude Lévi-Strauss, Bảo tàng Quai Branly, trung tâm Thủ đô Paris (Pháp) - địa điểm chỉ dành cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, uy tín mang tầm cỡ quốc tế.

Tại chương trình biểu diễn của đoàn múa rối Việt Nam, khán phòng luôn chật kín khán giả. 9 nghệ sĩ biểu diễn 3 tiết mục Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí và Nàng tiên cá trong truyện cổ tích của Andersen. Những nhân vật của Andersen hiện lên sống động, hấp dẫn, truyền cảm qua những con rối đẹp, lạ. Các tiết mục được dàn dựng ngắn gọn nhưng súc tích, tinh tế trong thiết kế mỹ thuật cũng như nhịp độ các động tác biểu diễn của các con rối...Chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ múa rối nước Việt tại Pháp cuối năm ngoái đã được kênh truyền hình của Pháp và Đức ghi hình trực tiếp, phần nào đó khẳng định sự hấp dẫn, cuốn hút của múa rối nước truyền thống Việt Nam. Quan trọng hơn, nghệ thuật múa rối đã trở thành cầu nối văn hoá hữu hiệu đưa Việt Nam đến gần bạn bè quốc tế.

Và những khoảng lặng

Dù đã gặt hái được nhiều thành công, vinh quang cả trong và ngoài nước, song nghệ thuật múa rối ở nước ta thời gian qua vẫn còn đó nhiều khoảng lặng. Theo GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, nếu múa rối nước Việt đưa người thật vào và diễn cả trên cạn thì không còn nguyên xi là múa rối nước nữa, hoặc ít ra cũng làm mờ bản sắc của múa rối nước. Có chuyên gia cũng cho biết, nhiều tiết mục rối cạn của chúng ta thường rơi vào sự mô phỏng sân khấu kịch người, bắt con rối biểu diễn tình cảm phức tạp, trò ít, lời nhiều, giáo lý khô khan không phù hợp với tâm sinh lý khán giả...

Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng từng chỉ ra thực tế, khi biểu diễn múa rối dạng đi “tour” thì đó không phải tác phẩm nghệ thuật, đồng thời các buổi biểu diễn ấy được làm hàng loạt, cẩu thả như món hàng chợ... Sân khấu đã mất đi tính cầu kỳ, trang nghiêm, sự trân trọng với diễn viên. Trong khi đó, có thời điểm, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thừa nhận nghệ thuật múa rối Việt đang thiếu số lượng lớn nguồn nhân lực như biên kịch, đạo diễn... cùng với việc thiếu cơ sở vật chất nên nhiều khi có tình trạng diễn viên điều khiển con rối còn trơ, có trường hợp “nói, hát nhép”. Không những thế, thực tế múa rối Việt lâu nay đa phần có những trò cũ giống nhau từ nội dung, tạo hình con rối đến xử lý âm nhạc. Chính yếu tố này không tạo ra được sự tươi mới làm cho người xem trong nước cảm thấy nhàm chán, đồng thời không khơi dậy sức sáng tạo cho các nghệ sĩ biểu diễn.

Để lấp đầy những khoảng lặng và tiếp tục đưa nghệ thuật múa rối (cả rối nước truyền thống và rối cạn) phát triển tương xứng với tiềm năng, một số nghệ sĩ gắn bó và nghiên cứu về nghệ thuật múa rối cho rằng, chúng ta cần có những trung tâm nghiên cứu và đào tạo diễn viên, biên kịch và đạo diễn múa rối, tạo hình con rối và kỹ thuật sân khấu một cách chuyên nghiệp. Đạo diễn Ngô Quỳnh Giao cũng nhấn mạnh, chúng ta cần có người tâm huyết, yêu nghề và có tâm với nghề múa rối. Một yếu tố nữa cũng được giới làm nghề đưa ra, đó là chúng ta cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ múa rối để họ có thể sống được bằng nghề. Bên cạnh đó, chúng ta nên tăng cường tổ chức các liên hoan nghệ thuật múa rối trong nước và quốc tế nhằm tạo ra sự kết nối, vừa để học hỏi kinh nghiệm và để nghệ thuật múa rối có cơ hội lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng.

Tường Vi

 

 


Ý kiến của bạn