Hơn 20 năm trước, chị V.T.H. trú tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) như gục gã khi biết mình bị HIV. Căn bệnh thế kỷ chị mắc phải được cho là lây từ người chồng. Chị càng hoang mang hơn khi biết trong bụng có một sinh linh đang lớn dần và người chồng cũng chết vì AIDS.
Những năm đó, nhận thức của người dân về HIV còn chưa cao, sự xa lánh, kỳ thị khiến chị không khỏi buồn tủi. Được sự chia sẻ, hỗ trợ từ cán bộ y tế, gia đình, chị dần lấy lại tự tin để sống tiếp. Biện pháp ngăn lây nhiễm từ mẹ sang con nhanh chóng được thực hiện, may mắn đứa con ra đời không bị HIV. Sau một thời gian điều trị thuốc kháng virus, tình trạng bệnh của chị cũng được kiếm soát.
Hiểu được sự quan trọng của công tác điều trị lâu dài, chị H. không khi nào nghĩ đến việc bỏ dở phác đồ. Thương mẹ, người con chăm ngoan, học giỏi, đó là điều mà bất cứ người mẹ nhiễm HIV nào cũng mơ ước.
Chị P.T.H. trú tại huyện Bố Trạch cũng từng "nghĩ dại" khi hay tin mình mắc HIV lúc đang mang thai đưa con thứ 2. Việc chị bị HIV được phát hiện trong những ngày chị trở về quê từ miền Nam để chờ sinh. Thời điểm này chị H. thường xuyên đau ốm, đến bệnh viện thăm khám thì có kết quản bản thân bị nhiễm HIV.
Nhờ có cán bộ y tế tư vấn, vợ chồng chị vượt qua sự khủng hoảng và cùng tham gia điều trị thuốc kháng virus ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. May mắn khi đứa con sinh ra khỏe mạnh, không bị lây bệnh từ mẹ.
"Biết tin mình bị HIV như tiếng sét bên tai, lúc đó tôi suy sụp nhiều lắm. Nhờ người thân, y bác sĩ, bà con lối xóm yêu thương, giúp đỡ nên tinh thần vui vẻ, lạc quan vượt qua mặc cảm và có quá trình điều trị tốt", chị H. chia sẻ.
Theo ThS.BS. Hà Văn Đồng, Trưởng Khoa Giám sát phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là một trong những giải pháp góp phần giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ sơ sinh ra bị lây nhiễm HIV.
"Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây truyền thường gặp. Nếu người bệnh được can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp thì trẻ sinh ra phần lớn sẽ không bị nhiễm bệnh", BS. Đồng cho biết.
Thời gian qua, ngành y tế Quảng Bình tập trung củng cố mạng lưới giám sát, tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ARV. Quản lý phụ nữ mang thai và nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến xã. Các đơn vị xây dựng quy trình kết nối chuyển gửi, phản hồi giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản với cơ sở điều trị HIV/AIDS nhằm bảo đảm tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ đều được chuyển tiếp thành công đến cơ sở điều trị HIV.
Cùng với đó, ngành y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, triển khai hiệu quả tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hàng năm. Việc này góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con sớm.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV. Từ đó tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Theo BS. Đồng, sau hơn 17 năm triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 100% bà mẹ mang thai nhiễm HIV tại Quảng Bình đều được tư vấn điều trị ARV.
Bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được chia ra nhiều giai đoạn với các phương án xử trí phù hợp.
"Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, đúng lúc, đúng phác đồ thì phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh", BS. Đông chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Anh Đông cho biết thêm, trên thực tế vẫn còn những phụ nữ không biết mình mắc HIV. Vì vậy cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong cộng đồng, tập trung đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các đơn vị cần cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng. Từ đó người nhiễm HIV là phụ nữ mang thai sẽ tự nguyện thực hiện các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây cũng là một biện pháp dự phòng lây truyền HIV trong cộng đồng, hướng tới loại trừ HIV lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030.