Niềm tự hào của nghệ thuật truyền thống Việt Nam

30-12-2019 15:06 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Múa rối nước là một trong những bộ môn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Việt, nhưng đứng trước cuộc sống với nhiều biến động, ngành ngày đang gặp nhiều thách thức nhằm đáp ứng nhu cầu vừa bảo tồn, vừa phát triển lên tầm cao mới.

Những chuyến xuất ngoại lịch sử

Ngày 19/3/2017, lần đầu tiên sân khấu múa rối thu nhỏ của Phan Thanh Liêm được đến Mỹ, theo lời mời của Tổ chức Gỗ Thế giới - dù trước đó đã đi khắp Á, Âu - để quảng bá văn hóa cổ truyền và nét đẹp của nghệ thuật múa rối đến bạn bè quốc tế.

Có thể nói, đây là chuyến đi lịch sử, là niềm vinh dự cho nền văn hóa của Việt Nam. Phan Thanh Liêm đã có những cải tiến trong quá trình chế tác con rối, để chỉ cần một người có thể điều khiển được nhiều con rối cùng một lúc. Sân khấu cũng nhỏ hơn, mái đình được cải tiến còn 1 mái, bể làm bằng các chất liệu cao su, có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng.

Rối nước mang tính Việt Nam thuần túy và là niềm tự hào của người Việt.

Rối nước mang tính Việt Nam thuần túy và là niềm tự hào của người Việt.

Bắt đầu mày mò thiết kế sân khấu rối nước thu nhỏ từ những năm 1990, gần 20 năm qua, Phan Thanh Liêm đã mang sân khấu đó đi biểu diễn khắp Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, là nghệ sĩ múa rối hoạt động độc lập đầu tiên và có lẽ là duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này gặt hái nhiều thành công và có tiếng vang. Nơi đâu, tiết mục biểu diễn của người nghệ sĩ thuần chất “nhà quê” cũng nhận được sự thích thú, những tràng vỗ tay của khán giả. Nhất là từ khi mở sân khấu múa rối mini tại nhà, khách lúc nào cũng đến nườm nượp. Phan Thanh Liêm cũng bày tỏ sẵn sàng trao truyền lại nghề cho bất cứ ai có cùng đam mê, tâm huyết giữ nghệ thuật múa rối nước như mình.

Những năm qua, không ít lần múa rối nước Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người”. Lạc quan đến mấy, người làm nghề cũng không thể tin được rằng, riêng năm 2018, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã giật kỷ lục về số buổi biểu diễn xuất ngoại với 16 chuyến lưu diễn tại 13 quốc gia ở khắp các châu lục. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết: “Đưa một chương trình biểu diễn rối nước truyền thống ra nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi khối lượng sân khấu, đạo cụ rất nặng. Hơn nữa, các chuyến lưu diễn của nhà hát lại phụ thuộc vào đơn đặt hàng đối với đối tác.Trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn diễn các chương trình rối cạn và phải dàn dựng lại các chương trình khác cho phù hợp”. Để đảm bảo chất lượng và thời gian của chương trình biểu diễn, nhà hát phải lựa chọn những nghệ sĩ thật giỏi và đa năng diễn được nhiều thể loại rối cũng như phải có hình thể tốt, có khả năng biểu diễn trên sân khấu.

Lan tỏa văn hóa truyền thống Việt

Trong các bộ môn nghệ thuật, rối nước mang tính Việt Nam thuần túy nhất và đó là niềm tự hào chính đáng của người Việt đối với người nước ngoài. Đặc biệt, rối nước đã chinh phục khách du lịch đến Việt Nam và các khán giả ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật... Không quá khi nói rối nước đã nổi tiếng thế giới.

Không giống với loại hình văn hóa nghệ thuật khác, sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem thường thông qua kịch bản, ngôn ngữ và được thể hiện bằng nghệ thuật diễn xuất của diễn viên; thì với múa rối nước, sức hấp dẫn lại nằm ở hành động của con rối, ở kỹ thuật biểu diễn, ở kịch bản, ngôn từ, lời thoại và ở sân khấu nước... Nói về sân khấu nước, nghệ nhân Đinh Thế Văn (làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) cho hay: “Sân khấu rối nước chính là nhà thủy đình, trong nhà có buồng trò chuẩn bị biểu diễn, lấy mặt nước ao trước đình làng làm sàn diễn, nơi con rối thể hiện tích trò. Con rối cũng được tạo trên những mô phỏng hình mẫu thực tiễn đời sống cư dân nông nghiệp như: Con cá, con ếch, con trâu, hình ảnh người nông dân lam lũ đi cấy, chăn vịt”...

Đề cập đến nghệ thuật múa rối nước, theo ThS. Mai Hiên (Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường đại học Thủ đô Hà Nội), múa rối nước cũng được xếp ngang hàng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống quý giá khác của Việt Nam. Đây là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo phong phú của con người Việt Nam, mà cụ thể là những người dân lao động từ cuộc sống bình dị của mình.

“Múa rối nước giáo dục cho con người về lòng yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước..., qua đó, hướng tới cái đẹp về tình người, tình làng nghĩa xóm trong văn hóa làng cùng châu thổ sông Hồng. Điều đáng nói ở đây là tính khuyến giáo đạo đức trong múa rối nước tồn tại ở dạng giản dị, hồn nhiên, rõ ràng và nhân văn, gieo vào lòng người tình yêu thương đồng loại, đưa con người vươn tới quyền dân chủ, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên” - thạc sĩ Mai Hiên bày tỏ.

Thực tiễn cho thấy, múa rối nước thành công trong một mức độ nhất định, có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật dân tộc, tạo được ấn tượng và sự yêu mến của cả công chúng nước ngoài. Để giữ được nét đặc thù của múa rối nước, người làm nghề nên cố gắng gìn giữ, không làm mai một các yếu tố dân gian mà tốt nhất là múa rối nước được diễn ra trên mặt sân khấu ao, hồ tự nhiên như nó từng hình thành và phát triển.


Nam Phương
Ý kiến của bạn