Tuy ra trường đã được 15 năm, cũng đã trải qua rất nhiều ca trực nhưng buổi trực hôm đó để lại cho tôi một ấn tượng khó phai. Và từ đó, tôi càng tin rằng người bác sĩ không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn cần có bản lĩnh để “đương đầu” với mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh “bất đắc dĩ”.
Kíp trực buổi tối của tôi tiếp nhận một thanh niên 20 tuổi trong tình trạng say xỉn, máu mũi chảy đầm đìa. Có khoảng hơn 10 người đưa bệnh nhân vào viện cũng đều cùng độ tuổi, cả nam và nữ trong tình trạng thở ra toàn mùi rượu, cởi trần trùng trục. Họ khai là sinh viên một trường đại học, đi ăn liên hoan về thì người bạn bị tai nạn giao thông nên phải đưa đi cấp cứu. Tất cả những người đưa bệnh nhân vào viện bao vây kíp trực của chúng tôi, vừa xin bác sĩ cấp cứu cho bạn của họ lại vừa đe dọa: nếu bác sĩ không cứu được bạn của họ thì sẽ... “không xong”. Trước tình huống ấy, tua trực chúng tôi không lẩn tránh mà vẫn tiến hành khám và đánh giá tình trạng bệnh hết sức khẩn trương rồi quyết định đưa bệnh nhân vào phòng mổ để can thiệp. Sau 3 ngày, sức khỏe của cậu sinh viên nọ đã ổn định và được ra viện, chúng tôi cũng rất mừng vì đã thoát được “đe dọa” tuy không nhận được một lời cảm ơn từ phía bạn bè cũng như gia đình bệnh nhân!
Thực ra khi viết bài này, tôi không có ý phê phán hành động của những người thanh niên hôm đó vì khi họ đã say cộng thêm lo lắng cho tính mạng của người thân nên khó có thể có được những suy nghĩ và hành động đúng đắn. Có lẽ đây cũng là một phần lý do giải thích cho hiện tượng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung dã man, thậm chí bị sát hại dưới bàn tay của người bệnh hoặc người nhà của họ. Chúng tôi, những người bác sĩ mong muốn rằng trong khi mình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã rất nặng nề, nhiều lúc cần có sự tỉnh táo để đưa ra các quyết định giữa sự sống và chết của bệnh nhân, chúng tôi cần có những người bảo vệ ở bên cạnh để giúp chúng tôi khắc phục được tình trạng khó khăn này. Bản thân những người bệnh phải thực sự thông cảm, chia sẻ và hợp tác với bác sĩ để có được phương pháp điều trị tốt nhất. Và chính sự hợp tác này là một yếu tố quyết định thành công trong điều trị và cấp cứu bệnh nhân, giúp người thầy thuốc vững tin hơn, không bị do dự khi cấp cứu bởi có những trường hợp chỉ cần do dự trong vài phút, người bệnh đã có thể tử vong. Cách xử sự của người thân cũng gián tiếp góp phần cứu giúp người bệnh - người thân của mình. Bởi vì trong hoàn cảnh bị đe dọa sẽ làm cho người thầy thuốc không còn tỉnh táo để xử trí, cứu chữa cho người bệnh. Bản thân những con người khi đã khoác trên mình tấm áo blu trắng, tôi chắc chắn rằng không ai muốn để người bệnh chết trên tay mình. Những người thầy thuốc luôn cố gắng hết sức để cứu giúp tất cả những người bệnh đã đến với họ. Một bệnh nhân không qua khỏi khi mình điều trị sẽ là nỗi ám ảnh đối với người thầy thuốc đó suốt cả cuộc đời. Niềm tin và sự tôn trọng của bệnh nhân với thầy thuốc sẽ là nguồn động viên lớn cho những người làm trong nghề nguy hiểm nhưng cũng rất cao quý này.
BS. Lê Minh Phúc