Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu dịch vụ cũng theo đó đòi hỏi “cao cấp” hơn. Việc chọn nơi sinh nở cho người thân cũng không ngoại lệ. Theo đó, các phòng sản ở trạm y tế (TYT) xã, phường thường vắng vẻ, dù cũng đủ “bộ chuyên dùng” phục vụ chuyện vượt cạn.
Khi nhà có điều kiện…
Giữa tháng 9 âm lịch vừa rồi, chị Ánh Phượng (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) được người nhà đưa lên Bệnh viện H.M. (TP. Cần Thơ) để sinh nở. “Ban đầu tui định đi Bệnh viện Phụ sản Quốc tế P.C. vì nghe nhiều người mách có dịch vụ trọn gói cao cấp, có tốn kém chút nhưng chất lượng sẽ cao. Cuối cùng, cả nhà “hội ý” và quyết định đưa bà xã đi sinh ở Bệnh viện H.M.” - anh Hùng nói về sự chọn lựa của mình. Anh Hùng cho biết, tính từ ngày vợ anh đi sinh (sinh mổ) đến khi ra viện tốn hết hơn 9 triệu cho cả gói chi phí. “Biết là khá tốn kém nhưng tui cũng chịu”. Ở nông thôn nhưng điều kiện kinh tế gia đình khấm khá nên anh Hùng lựa chọn phương án “chịu chi” cũng là phù hợp thế thời. Cũng vì thế, chị Ánh Liên là công chức nhà nước (TP. Vĩnh Long) cũng quyết định sinh đứa con đầu lòng tại một bệnh viện phụ sản cao cấp ở TP. Cần Thơ dù tốn kém chi phí. “Bây giờ nhiều nhà khấm khá, có điều kiện một chút nên người ta chọn đi sinh ở bệnh viện tỉnh hoặc các bệnh viện tên tuổi cũng là chuyện bình thường” - y sĩ Trần Thị Thu Nga, Trưởng Trạm y tế phường 8 (TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) nhận định. Theo y sĩ Thu Nga, với quan niệm con một, con quý, nhiều gia đình đã không ngại chuyển đến các bệnh viện phụ sản có tiếng để sinh nở.

BS. Nguyễn Duy Minh - Trưởng TYT xã Tân An Luông (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) cũng cho biết, thực tế nhiều gia đình giàu có hay có điều kiện kinh tế khá giả thường có xu hướng lựa chọn các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện phụ sản danh tiếng cho việc sinh nở. “Con so hay con rạ cũng vậy, nhiều người dân với tâm lý kỳ vọng “mẹ tròn con vuông”, được chăm sóc chu đáo, thoải mái nên chấp nhận “chi” để sản phụ và trẻ sơ sinh được cung cấp các điều kiện, dịch vụ sản khoa tốt nhất”, BS. Minh nói.
Khắc phục tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”
“Có những ca sản phụ sinh thường, y tế cơ sở chúng tôi vẫn tổ chức thực hiện tốt. Thế nhưng, nhiều người mang tâm lý e ngại, không an tâm, nên dẫn đến hiệu suất sinh tại trạm y tế thường thấp” - y sĩ Thu Nga cho biết. Trạm y tế phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long từ đầu năm đến nay chỉ có... 3 ca sinh tại trạm. Tỷ lệ này giảm rõ rệt so vài ba năm về trước. Nữ hộ sinh tại TYT phường 8 - Mai Thị Diệu nói tỷ lệ sinh thấp ở các TYT xuất phát từ thực tế: Nếu ở dưới quê, người ta sẽ chuyển lên sinh ở bệnh viện huyện; còn ở thị trấn hay thành phố, người ta sẽ lên bệnh viện tỉnh, ngoài tỉnh, thậm chí lên TP. Hồ Chí Minh.
Vẫn tuyến cơ sở, qua tìm hiểu, cũng có trạm y tế trong năm có rất ít hoặc không có ca sinh nở nào. Phần vì các sản phụ chuyển tuyến để sinh với thủ tục BHYT, yêu cầu về dịch vụ sản khoa cao hơn... trong đó, cũng không ngoại trừ vấn đề “thị hiếu”, tâm lý. Nên, trong khi nhiều TYT vẫn đảm bảo tốt việc sinh nở của sản phụ thì cũng có trạm mà chức năng phòng sinh, hậu sản dường như “đóng băng” hoặc “chưa khai thác hết”.
Song, đối với các xã xa đô thị, với điều kiện kỹ thuật tốt, không ít sản phụ vẫn tin tưởng chọn sinh nở tại “ao nhà”. “TYT xã Tân An Luông năm ngoái có 50 ca sinh tại trạm. Còn từ đầu năm đến nay cũng đã có 41 ca sinh” - BS. Duy Minh cho biết.
Theo BS. Duy Minh, trạm hiện có đội ngũ chuyên môn khá và cơ sở vật chất tương đối với máy hấp và máy hút đờm. Nữ hộ sinh, y sĩ sản khoa tại trạm có trình độ chuyên môn tốt hơn nhiều so với trước. “Thực tế vẫn có nhiều sản phụ trên địa bàn vẫn tin tưởng chọn lựa việc sinh nở tại TYT xã nhà” - BS. Duy Minh cho biết. Ngoài ra, TYT với vai trò, trách nhiệm của mình vẫn cùng đội ngũ cộng tác viên y tế ấp - khóm theo dõi quản lý thai sản, khám, tiêm chủng bà mẹ, trẻ em, đảm bảo sức khỏe tốt cho người dân.
Bài và ảnh: An Hiên