Niềm tin đã giúp tôi vượt qua bệnh ung thư

07-07-2016 16:56 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi gặp nụ cười hồn nhiên, vô tư trên khuôn mặt đầy đặn của chị. Nhìn chị, chẳng ai nghĩ đây là người từng mắc bệnh ung thư.

Tôi gặp nụ cười hồn nhiên, vô tư trên khuôn mặt đầy đặn của chị. Nhìn chị, chẳng ai nghĩ đây là người từng mắc bệnh ung thư. Câu chuyện cách đây 10 năm mà chị Nguyễn Thị Thu Huế chia sẻ dưới đây là một trong rất nhiều câu chuyện về bệnh nhân ung thư mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con vùng quê nghèo Bắc Bộ, bản tính cần cù, chăm chỉ đã ngấm vào máu chị. Hằng ngày, chị lặn lội từ tờ mờ sáng ra chợ đầu mối mua rau về bán cho bà con quanh khu phố nghèo, nhặt nhạnh vài ba đồng tiền lãi nuôi gia đình nhỏ của mình. Cuộc sống mưu sinh vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi hay phàn nàn vì gánh nặng gia đình đè nặng trên vai. Cuộc sống êm đềm đó cứ trôi dần cho tới một ngày, chị cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, chán ăn, đau nhức xương khớp, nhất là các khớp lớn, sốt, giảm cân, toàn thân suy sụp. Không trụ nổi, chị đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe và được biết mình mang căn bệnh ung thư máu cấp tính - Lơ-xê-mi cấp 3 (LXMc).

Chị Nguyễn Thị Thu Huế.

Sau 3 đợt truyền hóa chất trong thời gian 17 ngày tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bác sĩ cho biết chị đáp ứng tốt với thuốc. Chị được ra viện, về nhà tiếp tục dùng thuốc. Niềm vui chiến thắng bệnh tật kéo dài được 20 tháng thì căn bệnh quái ác lại tái phát. Nỗi buồn chen lẫn lo lắng lại một lần nữa bao trùm lên căn nhà nhỏ của gia đình chị...

60 ngày bền bỉ, kiên cường

Một lần nữa, chị phải trở lại Khoa C8 Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị bệnh. Sau 1 tuần truyền hóa chất, bạch cầu của chị lên cao, khác với những lần truyền hóa chất trước, chị thấy đau đớn như có hàng ngàn mũi kim đang châm vào cơ thể, nỗi đau xuyên thấu vào xương tủy, tim gan, chị bắt đầu vật vã, gào thét... Thấy bệnh nhân đau đớn, bác sĩ đã chỉ định cho chị dùng thuốc giảm đau loại mạnh nhất, nhưng cũng chỉ tạm thời vơi bớt nỗi đau. Chị phải dừng truyền hóa chất vì cơ thể không chịu nổi phản ứng phụ của thuốc.

Phải làm sao để thoát khỏi cuộc sống đau đớn khốn khổ này đây? Tiền chữa trị bệnh biết lấy đâu? Và tương lai sẽ ra sao? Trong đầu chị chợt nảy ra ý nghĩ, để thực hiện nó chị nhờ hai người em trông nom hai con trong lúc bệnh trọng, chị dặn dò họ, nếu chị có mệnh hệ gì thì hai dì chăm sóc con giúp chị vì chồng chị - người đàn ông thật thà chất phác ấy sẽ rất khó khăn để nuôi dạy con...

Khi đã sắp xếp xong mọi việc, chị tiến tới cửa sổ bệnh viện, nơi đã có rất nhiều người tự giải thoát đau đớn. Cái ý nghĩ thiển cận ấy cứ thôi thúc chị, chị tiến lại gần hơn, nhìn xuống dưới và khi chị định trèo qua đó thì cũng là lúc chồng chị chạy tới gọi giật giọng: “Huế! Em định làm gì đấy?”. Anh chạy tới, ôm lấy chị. “Em mà chết, thì gia đình mình cũng chết!”. Nói rồi anh ôm chặt chị còn chị thì chỉ biết khóc. Chị khóc rất nhiều, chị khóc cho số phận cơ cực của mình, khóc vì căn bệnh quái ác đã cướp đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của chị và khóc cho những cơn đau sắp tới sẽ hành hạ chị...

Khi ý định tự tử không thành, câu nói của anh khiến chị suy nghĩ rất nhiều, anh nói đúng! Nếu chị chết, gia đình chị sẽ chết. Chị không thể để điều đó xảy ra. Chị phải sống. Sống để còn nuôi dạy các con. Sống để chiến đấu với bệnh tật cho tới hơi thở cuối cùng!

Được sự động viên của gia đình, bạn bè và đặc biệt là sự động viên giúp đỡ của bác sĩ điều trị, chị đã chấp nhận điều trị lại bằng hóa chất. Do đợt truyền hóa chất trước cơ thể không đáp ứng được, chị được chỉ định dùng hóa chất khác. Và sự kỳ diệu đã xảy ra khi 3 ngày sau truyền hóa chất, bạch cầu của chị đã hạ. Thế là tia sáng đầu tiên trên con đường mịt mù chông gai dần mở...

Hồi đó, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương còn nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và chật hẹp. Thi thoảng có đoàn từ thiện tới phát cơm, phát cháo cho bệnh nhân, nhưng chị nhớ nhất một đoàn do các sư, các vãi trong chùa tới phát cơm, động viên bệnh nhân cố gắng vượt qua bệnh tật.Từ những câu chuyện cuộc đời mà các sư thầy kể, chị dần hiểu - mình còn sống ngày nào thì còn có ích cho cuộc đời ngày đó. Rồi những lúc rảnh rỗi, buồn chán chị lại sang Khoa Thận của Bệnh viện Bạch Mai nói chuyện cùng bệnh nhân chạy thận. Ở đây, chị được nghe nhiều câu chuyện, biết được nhiều hoàn cảnh người bệnh còn éo le hơn mình. Và cũng từ đó chị hiểu ra rằng mình may mắn hơn họ rất nhiều. (Về bệnh tật, chị thấy bệnh của mình không phải ăn uống khổ sở như bệnh nhân chạy thận, bệnh của chị - theo lời bác sĩ giải thích - nếu có tiến triển, nó sẽ không đeo bám chị suốt đời như bệnh nhân chạy thận. Về gia đình, chị có người chồng tốt, anh chị em họ hàng tốt, luôn động viên, giúp đỡ chị...). Vậy thì những cơn đau do hóa chất kia có còn đáng sợ? Rồi nó cũng sẽ qua đi thôi mà, chỉ cần chị có một niềm tin “chiến thắng”! Cũng từ đó, chị sống tích cực hơn. Trong 60 ngày ở viện, khi cơ thể đã dần hồi phục, thấy bệnh nhân khác cạnh mình đau đớn, vật vã vì tác dụng phụ của thuốc, quên mình là người bệnh, chị giúp đỡ, động viên họ vượt qua đau đớn. Hơn ai hết chị biết chỉ cần vượt qua giai đoạn khó khăn này họ sẽ có cơ hội phục hồi. Và biết đâu đấy, may mắn sẽ mỉm cười với họ.

Những dòng tâm sự của chị Huế với bệnh nhân mắc ung thư trên facebook.

Khi cuộc sống mới bắt đầu

Sau 60 ngày điều trị, bệnh của chị đã có những bước tiến rõ rệt. Chị đã chiến thắng căn bệnh ung thư máu! Sau 2 tháng lặn lội tìm việc chị đã tìm được công việc mới phù hợp hơn với điều kiện sức khỏe. Chị tự nhủ mình sẽ phải sống có ý nghĩa hơn, tích cực hơn.

Qua nhiều lần khám lại tại bệnh viện, biết được Câu lạc bộ “Ung thư máu - Bạn biết gì về nó” chị đã tham gia và trở thành một thành viên tích cực. Chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm vượt qua bệnh tật, chị cho biết: “Để vượt qua bệnh tật, người bệnh cần tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ và phác đồ điều trị. Có tư tưởng lạc quan, thoải mái, ăn uống đầy đủ, điều độ và hợp lý. Luôn hướng tới tương lai, không bi quan và đặc biệt không dùng thuốc Nam, thuốc Bắc khi không có cơ sở khoa học”.

Nhìn con trai chuẩn bị thi vào lớp 10 và con gái vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hà Nội, chị thấy hạnh phúc. Chị nghĩ mình là người may mắn, may mắn vì ngày đó chị đã không đầu hàng bệnh tật. May mắn vì có một người chồng tốt và may mắn vì số phận đã mỉm cười với chị.

Chúc chị - cây xương rồng nhỏ bé vẫn nở hoa rực rỡ giữa sa mạc đầy nắng gió khắc nghiệt - luôn khỏe để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho những bệnh nhân ung thư.


B. Lăng
Ý kiến của bạn