Hà Nội

Niêm mạc tử cung lạc chỗ

13-03-2013 09:18 | Đời sống
google news

Niêm mạc tử cung là lớp tế bào lót trong lòng tử cung, thường bong ra khi hành kinh và được tái tạo lại sau khi sạch kinh, chúng phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt. Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là khi tổ chức tế bào này tồn tại và phát triển ở một vị trí khác ngoài tử cung

Niêm mạc tử cung là lớp tế bào lót trong lòng tử cung, thường bong ra khi hành kinh và được tái tạo lại sau khi sạch kinh, chúng phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt. Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là khi tổ chức tế bào này tồn tại và phát triển ở một vị trí khác ngoài tử cung. Bệnh có thể xảy ra với bất kì chị em nào trong độ tuổi sinh sản, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây vô sinh.

Các dấu hiệu báo động

Tất cả mọi cơ quan trong cơ thể đều được cấu tạo bởi một loại tế bào đặc thù. Bình thường tế bào nội mạc tử cung chỉ xuất hiện trong lòng tử cung, tuy nhiên ở một số trường hợp nó có thể xuất hiện ở cổ tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang,  ổ bụng… Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí LNMTC, mỗi cá thể có bệnh cảnh khác nhau, nhưng  thường có chung một dấu hiệu nổi bật là đau vùng tiểu khung, có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt đau trước và/hoặc sau khi hành kinh, những cơn đau quặn rất khó chịu, đau khi quan hệ tình dục, đau khi có khoái cảm đỉnh điểm, đau vùng thắt lưng và có thể lan xuống cẳng chân, đau vùng bàng quang và/hoặc tiểu nhiều, mỏi mệt. Những người mắc bệnh LNMTC thường ra máu kinh nhiều, kinh nguyệt không đều, thường khó có thai. Điều ngạc nhiên là mức độ nghiêm trọng của LNMTC không hề liên quan đến mức độ đau mà người phụ nữ trải nghiệm. Một số phụ nữ không hề có triệu chứng gì và thậm chí không biết mình bị bệnh cho tới khi phát hiện hiếm muộn. Cho tới nay, cách thức duy nhất để chẩn đoán LNMTC là soi ổ bụng chẩn đoán bằng quan sát có thể nhầm lẫn, cho nên trường hợp nghi ngờ LNMTC vẫn thường được sinh thiết  để làm xét nghiệm tế bào. Vì vậy khi có dấu hiệu đau bụng dữ dội vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh thất thường lúc ít lúc nhiều thì phải nghĩ tới bệnh lạc nội mạc tử cung.

Niêm mạc tử cung lạc chỗ 1
Ảnh minh họa. nguồn: internet

Nguyên nhân nào?

Vì sao tế bào niêm mạc tử cung lại có thể di chuyển, khu trú và phát triển tại các vị trí bất thường. Đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân cơ chế gây ra LNMTC. Bình thường, khi trứng không được thụ tinh, do tác động của nội tiết, niêm mạc tử cung sẽ bong và trôi ra ngoài cùng máu kinh nguyệt. Tuy nhiên cũng có những trường hợp máu kinh trào ngược qua ống dẫn trứng vào ổ bụng, có thể bám vào bàng quang, trực tràng, buồng trứng… Những mảnh vụn của nội mạc tử cung đọng lại ở những nơi này và hoạt động giống như khi nằm trong buồng tử cung, nên gọi là lạc nội mạc tử cung. Những nguyên nhân làm cho máu kinh chảy ngược trở lại cũng chính là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Ở tuổi con gái có thể do trong ngày hành kinh, cổ tử cung đóng kín  nên khi tử cung co bóp đẩy máu kinh chảy ngược lại. Ở phụ nữ có gia đình, đa số nguyên nhân là do giao hợp khi có kinh, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược lại. Tuy nhiên, chỉ có số ít bị bệnh, vì vậy LNMTC có thể còn có vai trò khởi động của hệ miễn dịch hay của hormone. Lý thuyết máu kinh trào ngược cũng không giải thích được vì sao LNMTC lại phát triển ở những phụ nữ đã bị cắt tử cung hay vòi trứng… Lý thuyết gen học cho rằng mỗi phụ nữ có cấu trúc gen học thuận lợi để phát bệnh, đó là đối tượng có họ hàng gần với những phụ nữ đã bị LNMTC. Khi đã có mối liên hệ di truyền nguy cơ bệnh có xu hướng phát triển xấu hơn ở thế hệ sau. Nhiều lý thuyết khác cho rằng các mảnh của nội mạc tử cung đã theo dòng máu hay theo hệ bạch huyết để đi tới các bộ phận khác của cơ thể, vì thế có nhiều trường hợp LNMTC đã phát triển ở phổi, não, da hay mắt. Chưa hết, nhiều người còn tin rằng có những tế bào phôi lạc chỗ đã gây ra LNMTC hoặc một số tế bào trưởng thành vẫn còn lưu giữ được khả năng của giai đoạn phôi để chuyển thành mô của giai đoạn sinh sản. Ngoài ra còn có thể do nhiễm một số hóa chất nhóm chlor hữu cơ có trong các đồ tẩy trắng, thậm chí là có cả trong một số sản phẩm vệ sinh phụ nữ.

Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Tế bào nội mạc tử cung đi “lạc” vào ống dẫn trứng, khoang bụng, bàng quang, trực tràng... sẽ phát triển tại đó, tạo thành những ổ lạc nội mạc tử cung, gây rối loạn kinh nguyệt, thống kinh, đau bụng và có thể biến chứng thành vô sinh. LNMTC ở buồng trứng có liên quan đến hiếm muộn do làm giảm dự trữ noãn ở buồng trứng, ảnh hưởng đến chức năng phóng noãn và thụ tinh giữa noãn với tinh trùng. Không ít trường hợp LNMTC ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản, như gây dính vòi trứng hoặc cản trở sự phóng noãn của buồng trứng. Ngay cả khi tổn thương LNMTC rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Sự hiện diện của LNMTC dù ở giai đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của thai và hoạt động của hệ miễn dịch ở một số phụ nữ. Có nghiên cứu cho thấy can thiệp soi ổ bụng lấy bỏ tổ chức nội mạc tử cung ở những phụ nữ hiếm muộn bị LNMTC (mức độ nhẹ) đã phát huy tác dụng cải thiện khả năng sinh sản. Ngoài ra, LNMTC cũng có thể liên quan đến sự thiếu hụt beta – 3, hợp chất cần thiết cho tiến trình trứng đã thụ tinh làm tổ. LNMTC còn có thể làm tăng khả năng phát triển thực bào – thủ phạm tiêu diệt tinh trùng, trứng hay phôi. Một nghiên cứu khác cho thấy có mối liên hệ giữa LNMTC và tình trạng sản xuất trứng chất lượng kém. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ bị LNMTC đều bị những tác động tiêu cực đã kể, thực tế nhiều người vẫn có thai bình thường. Với một số người gặp khó khăn giải pháp can thiệp ngoại khoa thường tạo cơ hội gia tăng cơ may có thai. Nếu vẫn tiếp tục gặp khó khăn thì có thể tìm đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Điều trị LNMTC

Tùy theo mức độ bệnh và độ tuổi của bệnh nhân, điều tri LNMTC cũng có thể áp dụng biện pháp nội khoa hoặc ngoại khoa, nhưng cách nào cũng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Những loại thuốc dùng để điều trị LNMTC bao gồm những tân dược có thể làm cho người phụ nữ dễ bước vào mãn kinh sớm và những thuốc làm cho tổn thương LNMTC co lại bằng cách ức chế rụng trứng (viên thuốc tránh thai hay thuốc tiêm tránh thai chỉ có progesterone). Những tác dụng phụ có thể nghiêm trọng với nhiều loại thuốc trong số này và tái phát sau khi ngừng thuốc vẫn coi là vấn đề nan giải. Ngoài những thuốc trị lạc nội mạc, bạn có thể dùng thêm thuốc giảm đau như: dofenal, hoặc paracetamol dạng viên sủi. Không có thuốc nào trị tiệt căn được bệnh lạc nội mạc tử cung. Bệnh chỉ thuyên giảm tuyệt đối khi phụ nữ vào tuổi mãn kinh, không còn nội tiết tố. Nhiều lựa chọn điều trị khác chỉ là dùng thuốc giảm đau, phong bế thần kinh hay châm cứu. Vì các triệu chứng của LNMTC vẫn có thể còn tiếp diễn sau khi điều trị cho nên một số phụ nữ vẫn tìm đến các liệu pháp phi truyền thống khác để giảm đau như dùng thuốc nam (thảo mộc), thay đổi chế độ ăn, bổ sung vitamin, các kỹ thuật thư giãn, kiểm soát dị ứng và liệu pháp miễn dịch.

 Can thiệp ngoại khoa bảo tồn là một lựa chọn  có mục tiêu là loại bỏ hay huỷ diệt tổn thương LNMTC và phục hồi cấu trúc giải phẫu đã biến đổi. Nếu tổn thương LNMTC ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thì can thiệp phẫu thuật có thể giải quyết vấn đề. Trước đây cắt tử cung được chỉ định rộng rãi, ngày nay, can thiệp này vẫn cần thiết khi các liệu pháp khác thất bại. Nhiều khi còn cắt tử cung cùng với cả hai buồng trứng  vì đem lại hiệu quả giảm đau lâu dài hơn.  Ngày nay can thiệp phẫu thuật để loại bỏ LNMTC thường được thực hiện bằng phương pháp soi ổ bụng. Có thể chẩn đoán và điều trị LNMTC qua soi ổ bụng, nhưng với tổn thương LNMTC lớn cần phẫu thuật rộng, thì vẫn có chỉ định phải mở ổ bụng, tất nhiên trong trường hợp này cần đường rạch rộng và thời gian hồi phục cũng lâu hơn. Đôi khi cần can thiệp ngoại khoa triệt để, bao gồm cắt bỏ tử cung, hai buồng trứng và cả tổn thương LNMTC và trường hợp này có lẽ là sự lựa chọn khó khăn nhất mà bệnh nhân phải đối mặt. Phẫu thuật LNMTC chỉ là một trong những phương pháp điều trị thông thường, sau phẫu thuật LNMTC thường tiếp tục điều trị nội khoa bằng những thuốc ức chế hoạt động của buồng trứng để điều trị triệt để và phòng ngừa nguy cơ tái phát. Vì vậy, sau phẫu thuật người bệnh nên tiếp tục đến bác sỹ để kiểm tra lại sau mổ, nếu cần, tiếp tục điều trị từ 3 - 6 tháng nữa để tránh tái phát.

BS. Bùi Văn Dương



Ý kiến của bạn