Niềm hạnh phúc vô biên của người cầm bút

22-06-2019 09:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có lần, tôi nghe mấy nhà văn gạo cội của nước ta ví von nghề viết như đi cày trên cánh đồng chữ, là nghề phu chữ... Phu phen thì nặng nhọc quá, nhưng bản thân tôi, sau gần 3 thập kỷ cầm bút, lại ngộ ra một điều rằng, một cuộc đời được viết, đó là một hạnh phúc thiêng liêng mà tôi cần gìn giữ, thương yêu.

Từ nỗi thống khổ trên thiên đường

Từ thuở biết chữ, tôi đã mê văn chương ghê gớm. Tôi đọc tất cả những gì nhìn thấy trước mắt, những thứ nên đọc và cả những sách bị người lớn cấm đọc. Đam mê đó lớn tới nỗi nó nảy một hạt mầm trong tôi và hạt mầm đó nở ra một ước mơ, trở thành nhà văn, nhà báo, để được viết ra những điều thú vị hàng ngày, được liên tục thám hiểm cuộc sống ở mọi tầng khác nhau, để được sống nhiều hơn chính mình hôm qua.

Tôi bắt đầu tập tành viết truyện từ năm học lớp 7, thậm chí là làm những vần thơ chỉ để giấu đi vì xấu hổ, nhưng nó đã như nhu cầu thiết thân hàng ngày, giống như phải ăn, uống, hít thở, tôi phải viết ra những gì tôi nghĩ, tưởng tượng, cảm nhận từ cuộc sống sinh động diễn ra quanh mình từng giờ. Cứ viết như vậy, suốt thời tôi là học sinh, sinh viên, rồi cũng tìm tòi nơi để đăng những tác phẩm non nớt đầu tiên của tôi. Mỗi lần bài viết hoặc truyện được đăng báo, khi tôi còn chưa tới tuổi 20 thì cảm giác hạnh phúc trào dâng, tôi như một dải mây vút cao rồi cứ lơ lửng mãi trên không trung. Tôi không thể chia sẻ với ai niềm ngây ngất ấy được. Đó là những khoảnh khắc được sống trên thiên đường.

Chỉ có điều hồi đó, việc viết với tôi cũng không dễ dàng, tôi phải tách mình ra khỏi thực tại, đứng cao hơn chính mình để viết. Tôi cho rằng bản thân việc viết này nó cao cả, nó lớn lao và nó ý nghĩa hơn chính tôi. Tôi viết khá trầy trật và không phải lúc nào cũng thành công. Do đó, tôi cần sự cô đơn, cần ở một mình để không ai, không điều gì bên ngoài tác động được đến mình. Điều kiện thời những năm 80-90 khó khăn, tôi viết tay trên những cuốn vở còn thừa vài trang giấy, trên những tờ giấy thi đại học còn thừa mà bố tôi mang về nhà sau những kỳ trông thi đại học để tôi tận dụng làm giấy nháp. Tôi kê vở, giấy lên đùi, ngồi trên giường để viết. Cả nhà chỉ có một cái bàn rất hẹp, khi bố ngồi đó soạn giáo án thì tôi phải ngồi trên giường mà viết. Lắm lúc, để có được sự tự do một mình, tôi phải ra công viên Lê-nin, ngồi trên ghế đá mà viết. Bực nhất là lúc đang viết thì lại có những gã ất ơ xán đến làm phiền, gạ gẫm... Tôi lại phải đứng lên tìm chỗ khác.

Niềm hạnh phúc vô biên của người cầm bútMột cuộc đời được viết là một hạnh phúc thiêng liêng.

Những lúc như thế, tôi cứ tưởng tượng ra cảnh mình sẽ được làm việc ở một tòa soạn báo nào đó, có riêng một cái bàn cho mình, kê sát góc tường và tôi ngồi quay mặt vào tường để viết. Tôi từng đi bộ đến các tòa soạn báo, đứng vỉa hè đối diện cổng tòa báo, lặng lẽ ngắm những người đi ra, vào nơi ấy, thầm ước một ngày nào đó tôi cũng được như họ. Và rồi đến mùa đông năm 1993, tôi đã được tuyển dụng làm việc tại tòa soạn tờ tạp chí Thời trang trẻ, được có riêng một bàn làm việc kê góc tường. Tôi mừng không kể xiết, đó thực sự là thiên đường của tôi.

Nhưng khi ở thiên đường, tôi mới trải nghiệm nỗi thống khổ của bếp núc nghề làm báo. Có những buổi đi săn tin mướt mồ hôi, có những buổi chờ nhân vật lâu đến đói mềm người mà vẫn không gặp nổi, có những đêm không ngủ, trằn trọc vùng dậy lúc 2 giờ sáng, cầm bút để viết mà không viết ra hồn, lại quăng bút đi. Có những bài viết thật sự tâm đắc, bị gác lại, không đăng được, có những lần bị Tổng biên tập gọi lên té tát, những lần viết bài xong bị nhân vật gọi điện đến mắng tả tơi, có lần đại diện Hội Phật giáo còn gọi điện đến phê bình việc đăng ảnh người mẫu mặc áo dài in chùa chiền trên tà áo...

Thế nhưng, ơn trời là tôi vẫn vượt qua được tất cả những nỗi thống khổ có thể kể tên và cả những điều không thể kể ra lúc này. Để đến mỗi khi họp bàn nội dung một số tạp chí mới, chúng tôi lại hào hứng vạch ra những đề tài, để mau mắn tiếp cận các đối tượng, lấy tin, làm bài mới, nhiệt lượng trào dâng. Để đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc tuyệt vời của người làm báo thời hoàng kim (những năm 1993-2005). Viết báo say sưa tới nỗi tôi quên việc viết văn trong cả 12 năm trời. Nhưng nay nghĩ lại, tôi cũng không trách cứ mình về việc đó. Tất cả là những trải nghiệm quý giá và tôi đã làm tốt nhất trong khả năng của mình.

Đến những chuyến đi dài nhờ văn chương

Tới năm 2005, khi báo, tạp chí in bắt đầu đi xuống, chuẩn bị cho thời kỳ của báo điện tử và các mạng xã hội thì tôi trở lại với nghiệp viết văn. “Hai tay hai súng”, tôi đã có kinh nghiệm hơn nên có thể sử dụng cả hai thể loại này để viết. Có một bước tiến tuyệt diệu, đó là khi chỉ làm báo, tôi bị bó lại trong các chuyến đi ngắn, chạy theo sự kiện địa phương, tầm nhìn cũng hạn chế. Nhưng khi viết văn, tôi phải thay đổi, là “ngựa đường trường” nên tầm nhìn xa hơn, sự kết nối cũng dài hơn và các chuyến đi được thiết kế không giới hạn. Về mặt thực thể các chuyến đi, tôi đã không chỉ thiết kế ở trong nước mà vươn ra các nước trong khu vực châu Á, châu Âu. Về mặt tinh thần, đó là những chuyến đi nôm na “mài sắc dao để chém”, nghĩa là được học những điều mới mẻ, va chạm với những lối tư duy khác hẳn, nền văn hóa khác, tư tưởng khác, đời sống khác, đó cũng là những chuyến thám hiểm độ sâu tâm hồn mình, thách thức sự vững bền của phông văn hóa chính mình và nới rộng vô hạn quyền lực viết, quyền lực thể hiện mình.

Trong một chuyến đi cùng em gái xuyên đất nước Bồ Đào Nha, hai chị em tôi trong lúc lặng ngắm chiếc quan tài đá của nhà thám hiểm lừng danh thế giới Vasco da Gama đã cùng lúc nhận ra rằng chúng tôi thực sự hạnh phúc biết bao nhiêu khi lựa chọn nghề cầm bút. Bởi rằng, chúng tôi đã phát hiện ra một tầng sống mới, cao hơn và đẹp đẽ hơn, thuần túy tinh thần, đơn giản hơn tất cả mọi quy tắc, luật lệ chung để sống một cuộc đời xứng đáng. Bởi trong khi những người cùng lứa chúng tôi vẫn đang cuống quýt lo toan và vật vã với kiếp nhân sinh thì chúng tôi đã hoàn toàn thoát ra rồi. Họ có thể có nhiều tài sản, có quyền lực nhưng chính những điều họ nỗ lực, quần quã ngày đêm để giành lấy cho mình, lại trở thành thứ dây trói vô hình, ngày càng thít chặt! Đi, viết, sống đúng ước mơ của mình, ngay lúc này, từng phút là chính mình, không ám ảnh bởi quá khứ hay lo lắng cho tương lai mà tất cả dồn lại cho hiện tại trọn vẹn của chúng tôi.

Hành trình trò chuyện với các con

Bữa tối được ăn cơm cùng các con ở nhà thực sự là những thời khắc vô cùng giá trị. Ở tuổi 40, tôi biết cách yêu thương sâu sắc hơn. Tôi đã dám chủ động ôm con gái mình và khen con xinh đẹp khi con vừa mở cửa trở về nhà sau buổi đi làm hay đi học. Hành động đó là sự thay đổi so với trước kia, tôi thường săm soi xem con ăn mặc thế nào, trang điểm ra sao, điểm kém hay điểm tốt, về muộn hay về sớm, tóm lại là một bà mẹ “super soi” như bao bà mẹ khác. Sự săm soi, xét nét đó xuất phát từ nỗi lo lắng rằng con sẽ hư. Nhưng đến nay, khi đã đủ độ chín, tôi thoát khỏi nỗi sợ con hư, dành cho con những cái ôm, lời khen chân thành từ trái tim mình. Và một điều kỳ diệu xảy ra, con coi tôi như bạn thân, như tri kỷ, dễ dàng chia sẻ cảm xúc và trong suốt bữa tối bên mẹ, con kể tôi nghe bất tận những câu chuyện xung quanh con gặp, những vấn đề xảy đến mỗi ngày và chúng tôi cùng đưa ra các quan điểm thẳng thắn, cái nhìn từ các phía khác nhau. Con lắng nghe mẹ hơn và con có thay đổi, tốt hơn nhiều so với trước kia. Mỗi cuộc trò chuyện với con là một hành trình khám phá. Tôi đã thay đổi cảm xúc và cách tiếp cận với con, không chỉ giáo dục con khéo léo hơn mà chính con tôi lại mang về cho tôi một kho tàng các câu chuyện làm đề tài để viết hàng ngày. Tôi đã viết thật tự nhiên, viết như chính mình đang nghĩ, không phải cố gắng, không phải thoát ra khỏi bản thân trong hiện tại, không phải tìm sự cô đơn một mình mới viết sâu được như trước kia. Tôi viết thật, viết tự nhiên như tôi cười, tôi nói. Mọi điều đều đến thật tự nhiên. Nỗi thống khổ khi viết lúc mới vào nghề đã hoàn toàn biến mất. Chính là nhờ các con gái của tôi, tôi đã trưởng thành trong cách sống, ứng xử với con, trong nghề viết của mình. Việc giáo dục con cũng không còn khó khăn nữa mà trở thành trải nghiệm sống vui thú bất tận. Tôi bình tĩnh hơn để nhâm nhi từng phút sống cùng con, mỗi phút trôi qua là một đề tài để viết.

Tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn chính mình đã lựa chọn nghề cầm bút - một nghề mang đến cho tôi niềm hạnh phúc vô biên. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn chọn nghề viết để được tạo nên một thiên đường cho chính mình, được thiết kế cuộc sống như mình muốn và trở thành người thuyền trưởng của số mệnh mình.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn