Hà Nội

Niềm đam mê của những "nhà báo không thẻ"

21-06-2023 11:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Nói đến nhà báo, ai cũng nghĩ họ công tác trong cơ quan báo chí, được cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, có một lực lượng mà bất cứ toà soạn nào cũng không thể thiếu được, đó là lực lượng cộng tác viên (CTV).

Với niềm đam mê cháy bỏng, các CTV đã nỗ lực, cháy hết mình, không ngại khó để có những thông tin chuyển tới độc giả một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.

Nữ cán bộ ngành y mê làm báo

Em ơi chị vừa gửi thêm tin về truy vết ở xã của bệnh nhân (BN...). Xem ngay nhé, chị và anh em cơ quan vừa ở hiện trường về xong", đó là những dòng tin nóng hổi trong "mùa" COVID-19 mà chị Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Truyền thông (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh) thường nhắn cho tôi để cập nhật bản tin sớm nhất trên Báo Sức khỏe&Đời sống.

Niềm đam mê của những "nhà báo không thẻ" - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Thu Hòa trong một lần công tác ở vùng biên giới năm 2020.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền chuyên ngành biên tập, xuất bản năm 2002, chị Đỗ Thị Thu Hòa về công tác tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Tĩnh (nay là Phòng Truyền thông CDC Hà Tĩnh). Công tác trong ngành y gần 20 năm nay cũng là thời gian chị cộng tác với Báo Sức khỏe&Đời sống. "Là một người công tác trong ngành y, Báo Sức khỏe&Đời sống như kho tài liệu để cập nhật, tìm hiểu và học hỏi để bổ trợ những kiến thức giúp tôi trong công việc cũng như cuộc sống", chị Hòa chia sẻ.

Sau nhiều lần "thăm dò", chị Hòa quyết định liên lạc với đường dây nóng của Báo để "thử sức" niềm đam mê viết lách của mình. Những thông tin hoạt động y tế trong tỉnh được chị Hòa nắn nót, trau chuốt và gửi đi. "Sau khi gửi tin xong, tôi ngồi chờ trên máy cả giờ đồng hồ. Khi thấy bản tin của mình được đăng tải trang trọng trên Báo Sức khỏe&Đời sống làm tôi mừng chảy nước mắt", chị Hòa nhớ lại.

Được các phóng viên, biên tập viên của Báo Sức khỏe&Đời sống động viên, chia sẻ, chị Hòa như được tiếp thêm sức mạnh để ngày ngày, sau công việc chính, chị ngồi lỳ trong phòng mầy mò với những con chữ trên bàn phím khi cả cơ quan đã cửa đóng then cài. Những bài viết chuyên sâu hơn về lĩnh vực y tế, gương điển hình, hay các phong trào thi đua của ngành y tế tại địa phương xuất hiện ngày một nhiều cũng là lúc chị hạnh phúc khi được mọi người trìu mến gọi "Hòa nhà báo".

Khi được hỏi về những kỷ niệm không thể nào quên trong quá trình làm "nhà báo không thẻ" của mình, chị Hòa bồi hồi nhớ lại: Hôm đó vào ngày nghỉ lễ 30/4/2021, Hà Tĩnh ghi nhận 3 ca bệnh dương tính COVID-19 đầu tiên của đợt dịch thứ 4 được chuyển đến Bệnh viện Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) để điều trị.

Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi cùng đồng nghiệp, lãnh đạo Sở Y tế lên đường đến địa điểm điều trị các bệnh nhân. Đến nơi, sau khi kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện đảm bảo cho công tác điều trị cho bệnh nhân, động viên cán bộ, y bác sĩ trực tại bệnh viện, cả đoàn chờ xe vận chuyển bệnh nhân.

Niềm đam mê của những "nhà báo không thẻ" - Ảnh 2.

Chị Đỗ Thị Thu Hòa (bên trái) cùng đồng nghiệp tại khu cách ly bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển bệnh nhân từ khu cách ly tại thị xã Kỳ Anh lên Bệnh viện Cửa khẩu Cầu Treo xảy ra sự cố. Gần 1h sáng hôm sau xe chở bệnh nhân mới đến nơi. Sau khi thực hiện xong các nhiệm vụ, mọi người ra về vào rạng sáng. Khi mọi người tranh thủ ngủ lấy sức, tôi lại mở máy làm tin để cập nhật ngay tình hình tới bạn đọc".

Theo chị Hòa, dù là một cộng tác viên trong lĩnh vực y tế nhưng được viết lách, được theo đuổi niềm đam mê của mình giúp chị hiểu hơn về sự vất vả của những người làm báo chuyên nghiệp. "Đây là một nghề không đơn giản chỉ cầm bút, cầm máy mà đó là nghề của sự sáng tạo, nghề của niềm đam mê. Được làm cộng tác viên với Báo Sức khỏe & Đời sống giúp tôi rèn luyện kỹ năng viết, nhận diện đề tài và gặp gỡ nhiều người. Đó là một trải nghiệm thực tế vô cùng phong phú và sinh động, giúp tôi và đồng nghiệp hoàn thành tốt lĩnh vực được cơ quan giao phó là truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Hạnh phúc khi tin bài được đón nhận

Đó là chia sẻ của cộng tác viên Quốc Hiệp, tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Hiệp (SN 1975, trú xã Quang Lộc, Can lộc, Hà Tĩnh). Anh Hiệp tốt nghiệp Trung học Sư phạm Hà Tĩnh năm 1996. Sau khi ra trường, anh từng nhiều năm công tác tại một số trường tiểu học ở Hà Tĩnh.

Niềm đam mê của những "nhà báo không thẻ" - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Quốc Hiệp rất đam mê viết báo, chụp ảnh.

Hàng ngày, ngoài công việc chuyên môn, anh đam mê viết blog, thường xuyên theo dõi báo chí, dần dần anh có niềm đam mê những tin bài, phóng sự trên các trang báo. Ban đầu anh học viết những cảm nhận, phản ánh theo kiểu "nghĩ gì viết nấy" nên tin bài phải sửa nhiều hoặc trả lại. Nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, dần dần anh có nhiều bài báo được đăng.

Anh Quốc Hiệp cho biết, anh "thần tượng" báo chí bởi vì nghề này đòi hỏi sự sáng tạo, sự bứt phá và sự cống hiến. Để có được những điều này, người làm báo phải trải qua nhiều thử thách, phải có bản lĩnh vượt qua nhiều chông gai, cám dỗ để ngòi bút luôn thẳng. Bí quyết để vượt qua thách thức, cám dỗ đó chỉ là niềm đam mê với nghề!

"Tôi luôn nhớ bài đầu tiên của tôi được Báo Gia đình và Xã hội (nay là Báo Sức khỏe&Đời sống) sử dụng. Đó là thành quả sau nhiều ngày tôi "vật lộn" với từng con chữ.

Sáng sớm ngày 16/12/2011, nhận tin 3 người ở thôn Hương Đình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc tử vong khi sưởi than trong phòng kín, một cháu bé 3 ngày tuổi may mắn sống sót. Không chút do dự, mặc cho trời lạnh đến tê người, trên chiếc xe máy cà tàng lao vút đến hiện trường.

"Thật sự, lúc ấy tôi bối rối, lo lắng bởi chưa bao giờ viết báo, rồi điện thoại "cục gạch" làm sao để có ảnh? Trong lúc đó, trong đầu tôi nhớ ra có người bạn mới mua chiếc máy ảnh du lịch kỹ thuật số nên quay xe trở lại nhà bạn để mượn máy. Sau khi tác nghiệp xong, tôi lại chạy về cơ quan để mượn máy tính và mạng Internet để gửi tin", anh Hiệp kể.

Niềm đam mê của những "nhà báo không thẻ" - Ảnh 4.

Ngoài viết tin bài cộng tác với Báo Sức khỏe & Đời sống, anh Nguyễn Quốc Hiệp còn thường xuyên làm công tác từ thiện.

Sau khi tin bài được đăng tải, được lãnh đạo và đồng nghiệp động viên, niềm đam mê nghề viết trong anh như trỗi dậy. Sau những giờ lên lớp, đồng nghiệp về với gia đình, anh Hiệp lại một mình lặn lội đến các địa phương khác để tìm tòi đề tài. "Đúng là đi ra rồi mới vỡ lẽ nhiều vấn đề.

Từ trước tới nay tôi cứ nghĩ viết báo đơn giản. Thực tế không hề dễ như mình nghĩ. Nhiều hôm lấy tư liệu về, tôi loay hoay cả tuần trời không viết ra được câu chữ nào", anh Hiệp kể.

"Sau khi gửi tin bài chờ thư ký tòa soạn làm công tác "bếp núc" tôi ngồi canh kết quả, mỗi khi thấy "đứa con" của mình được đăng tải trên trang báo, lòng lại dâng tràn hạnh phúc. Và cũng không giấu được nỗi buồn khi có những bài viết không được sử dụng. Mỗi lần như vậy, tôi tự nhủ phải tiếp tục cố gắng. Cứ như thế, song song với việc chuyên môn, tôi lại dành thời gian để tìm tòi những đề tài mới", anh Hiệp chia sẻ.

Đối với anh, viết báo không phải vì nhuận bút, anh viết vì niềm đam mê. "Nói thật, những ngày đầu bài viết được đăng báo tôi mang đi khoe bạn bè khắp nơi", anh nói.

Với niềm đam mê cháy bỏng, các CTV những "nhà báo không thẻ" đã nỗ lực, cháy hết mình, không ngại khó khăn để có những thông tin chuyển tới độc giả một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.

Đối với họ, mỗi dòng tin, bài báo được Báo Sức khỏe&Đời sống đăng lên là niềm hạnh phúc vô bờ bến, qua đó, những thông tin, hình ảnh, nhận định được chuyển đến với độc giả trên khắp mọi miền Tổ quốc, để giúp họ thấu hiểu và chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn vất vả cả các cán bộ y tế ngày đêm vất vả, xông pha nơi "đầu sóng ngọn gió" chiến đấu với "kẻ thù vô hình", giành giật sự sống, mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho nhân dân.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn