Hà Nội

Nhược thị ở trẻ: Dấu hiệu, cách tập luyện điều trị và phòng ngừa

21-04-2022 07:00 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Mắt được gọi là nhược thị khi thị lực chỉ đạt 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu. Có khoảng gần 36% trẻ em bị tật khúc xạ học đường cần điều chỉnh kính. Trong đó, đa số các em đều mắc bệnh nhược thị.

Nhược thị: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và các biện pháp phòng ngừaNhược thị: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và các biện pháp phòng ngừa

SKĐS - Nhược thị là hiện tượng sự suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác, thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh số kính.

Hiện nay, khoảng 3% dân số toàn cầu mắc bệnh nhược thị, gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phát triển thị giác 2 mắt, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi.

1. Nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ

Nhược thị ở một mắt thường gặp hơn nhược thị hai mắt. Nhược thị được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em, một số nguyên nhân gây nhược thị là :

Nhược thị do lác

Đây là nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến nhược thị và chỉ xảy ra ở mắt bị lệch trục thường xuyên từ nhỏ (mắt bị lác), sẽ dễ dàng phát hiện khi che mắt không bị lác.

Khi nhìn thẳng, hai mắt hướng về hai hướng khác nhau. Một mắt có thể được tập trung thẳng về phía trước trong khi mắt kia di chuyển vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống phía dưới. Để tránh bị song thị, não bộ của trẻ có thể bỏ qua cảm thụ hình ảnh tiếp nhận từ mắt bị lác. Những điều này làm cho mắt phát triển không bình thường.

Nhược thị do mắc các tật khúc xạ

Trẻ mắc các tật khúc xạ như: Cận thị, viễn thị hoặc loạn thị có thể dẫn đến nhược thị. Loạn thị hoặc viễn thị ở trẻ thường dễ dẫn đến nhược thị hơn cận thị.

Nhược thị do ức chế

Có thể xảy ra ở một mắt hoặc hai mắt khi mắc các bệnh sau: Đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo đục giác mạc, sụp mi nặng, đục dịch kính nặng…

Bệnh nhược thị ở trẻ ảnh hưởng như thế nào và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 2.

Hiện nay, khoảng 3% dân số toàn cầu mắc bệnh nhược thị.

2. Dấu hiệu nhận biết nhược thị ở trẻ và những hệ lụy

Làm thế nào biết được trẻ bị nhược thị là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ. Đa số trẻ bị nhược thị thường phàn nàn nhìn không rõ chữ trên bảng, hay đi lại gần TV, không nhớ được người quen và nhiều trường hợp dễ chẩn đoán nhầm với chậm phát triển trí tuệ ở trẻ. Do đó, nếu phụ huynh phát hiện con có các biểu hiện trên thì ngay lập tức phải cho trẻ đi khám bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với những trẻ có biểu hiện lác mắt cần được phát hiện sớm nhược thị.

Trẻ bị bệnh nhược thị sẽ thường nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi còn bị nhức đầu, nhức mắt.

Trẻ bị lác hoặc có những bất thường ở mắt như sụp mi, đục thủy tinh thể, sẹo mờ đục giác mạc… Đôi khi, trẻ có thể tự phát hiện nhìn mờ khi xem TV, đọc sách hoặc viết ở khoảng cách gần; trẻ cũng có thể có các biểu hiện như chớp mắt, dụi mắt khi xem tivi, nhìn bảng khó khăn, viết sai hàng…

Bệnh nhược thị có thể đưa đến nhiều tác hại đối với trẻ, làm ảnh hưởng đến học tập (đọc viết chậm, học mau mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt…); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin…).

Nhược thị có thể không hồi phục nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, khi hệ thống thị giác đã trưởng thành. Điều trị sớm sẽ làm tăng khả năng hồi phục thị lực toàn bộ. Trong những trường hợp nhất định, trẻ lớn hơn bị nhược thị vẫn có thể cải thiện thị lực khi điều trị. Sự tái phát có thể xảy ra trong một số trường hợp cho đến khi hệ thống thị giác trưởng thành. Một số bệnh nhân bị giảm thị lực ngay cả khi sự trưởng thành thị giác đã xảy ra.

Bệnh nhược thị ở trẻ ảnh hưởng như thế nào và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 4.

Trẻ bị bệnh nhược thị sẽ thường nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn.

3. Các dấu hiệu cần đưa trẻ đi kiểm tra mắt ngay

Cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra thị lực toàn diện cho con mình vào thời điểm 6 tháng, 3 tuổi và mỗi 3-6 tháng/lần trong năm tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện sau:

  • Nheo mắt, nghiêng hoặc quay đầu để nhìn rõ hơn
  • Cầm đồ vật sát gần mặt
  • Che một mắt, hay dụi mắt
  • Thường xuyên đau đầu hoặc mỏi mắt
  • Khó khăn với việc học ở trường
  • Chảy nước mắt
  • Chỉ ngón tay trong khi đọc, khó đọc
  • Hay bị va vào đồ đạc hoặc ngã nhiều hơn bình thường, …

4. Điều trị nhược thị ở trẻ

Nguyên tắc của điều trị nhược thị là giúp mắt nhược thị hoạt động để có thể phát triển thị giác bình thường. Đầu tiên cần điều trị nguyên nhân gây nhược thị, thời điểm can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi của mắt nhược thị càng cao.

Phương pháp tập luyện hướng tới kích thích mắt bị nhược thị, phạt mắt tốt, trong khoảng thời gian nhất định. Có thể thực hiện bằng cách: Dùng miếng che bịt lên mắt tốt hơn của trẻ; tra thuốc chuyên dụng làm cho thị lực của mắt tốt bị mờ đi, hoặc cho trẻ đeo kính với tròng kính mờ gây cản trở thị lực bên mắt tốt, kích thích mắt bị nhược thị tự hoạt động.

Bệnh nhược thị ở trẻ ảnh hưởng như thế nào và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 5.

Làm thế nào biết được trẻ bị nhược thị là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ.

Phương pháp luyện tập

- Che mắt: Dùng miếng che, che bên mắt nhìn rõ hơn và cố gắng tập trung nhìn mọi thứ xung quanh và diễn tả chúng. Thực hiện bài tập này mỗi ngày duy trì trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Thị lực bên mắt bị nhược thị có thể sẽ được cải thiện.

- Tập trung: Dùng miếng che, che bên mắt nhìn rõ hơn, sử dụng ngón tay trỏ của một tay đưa ra trước mắt rồi từ từ di chuyển ngón tay ra xa. Tập trung vào sự di chuyển từ gần đến xa của ngón tay trong một thời gian. Sau đó, nghỉ ngơi 5 phút và làm lại lần nữa. Lặp lại bài tập 3 lần một ngày để cải thiện tình trạng mắt nhược thị…

Thời gian luyện tập để điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt để có quá trình điều trị hiệu quả cho trẻ.

5. Phòng ngừa nhược thị ở trẻ

Để tăng cường sức khỏe cho đôi mắt của trẻ, nhằm giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ dẫn đến nhược thị, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa.

Khi đọc sách hoặc làm công việc đòi hỏi phải nhìn gần và tập chung cao, sau 45 phút cần cho mắt nghỉ ngơi. Khi nghỉ, cần đứng lên đi lại và nhìn ra xa khoảng 6m. Khoảng cách đọc sách cần phù hợp- Khoảng cách lý tưởng để đọc sách cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông.

Cần đảm bảo nơi làm việc và học tập đầy đủ ánh sáng, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Nếu học ban đêm cần phải có ánh sáng phòng và đèn bàn, đèn phải có chụp phản chiếu. Cách chiếu sáng tốt nhất là từ sau chiếu qua vai, chiếu từ phía trên xuống, hoặc đối diện với tay cầm bút hơn là chiếu trực tiếp từ trước để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.

Chữ viết trên bảng và trong vở phải rõ nét, ngồi ngay ngắn, giữ cho lưng thẳng và thư giãn khi đọc sách hoặc dùng máy tính, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ.

Cha mẹ nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng qua các bữa ăn hàng ngày cho trẻ, ăn đầy đủ các thức ăn như: Các loại rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Thực phẩm giàu kẽm: Đậu, đậu Hà Lan, lạc, hàu, thịt nạc đỏ, gia cầm, trứng, sữa, cà rốt. Các loại trái cây: Đu đủ, cam…

Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ hạn chế thời gian xem TV và các trò chơi điện tử, điện thoại, máy tính bảng… Ngồi cách TV khoảng cách ít nhất bằng 7 lần chiều rộng của màn hình. Tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời giúp cho mắt nhìn xa và mắt được thư giãn. Ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng một ngày.

Mời độc giả xem thêm video:

Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục


BS.Trần Thúy Hồng
Ý kiến của bạn