Nhược thị do cận thị - nỗi lo của nhiều phụ huynh

10-11-2022 08:00 | Y học 360
google news

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến hiện nay gây khó khăn sinh hoạt, làm việc và học tập cho người bệnh, đặc biệt là đối với học sinh. Ngoài những bất tiện nó đem đến thì người cận thị còn có nguy cơ bị nhược thị cao.

Cùng tìm hiểu về nhược thị do cận thị qua bài viết được tham vấn bởi các chuyên gia thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. 

Nhược thị là gì?

Nhược thị là tình trạng mắt dù có chỉnh kính cũng không thể đạt được thị lực 10/10. Biểu hiện dễ thấy nhất của nhược thị là mắt bị lác, nheo mắt, nháy mắt, mắt nhìn lệch hay phải nghiêng đầu khi quan sát.

Nhược thị chia thành 2 dạng là nhược thị thực thể (không thể khắc phục được thị lực) và nhược thị chức năng (có thể điều trị để hồi phục thị lực).

photo-1667969151311

Vì sao cận thị gây ra nhược thị?

Người bị cận lệch có độ cận giữa 2 mắt chênh nhau trên 2 diop thường có nguy cơ nhược thị cao. Do sự truyền và nhận tín hiệu giữa não bộ và bên mắt khoẻ hơn sẽ cao hơn so với bên mắt có độ cận nặng hơn. Quá trình này kéo dài khiến bên mắt cận nặng hơn hoạt động ngày càng kém đi và gây ra nhược thị.

Vì lý do thẩm mỹ và bất tiện trong sinh hoạt, nhiều người dù bị cận nhưng lại lựa chọn không đeo kính. Do đó khi quan sát, mắt thường phải điều tiết gây mỏi, khô mắt, từ đó độ cận sẽ tăng nhanh hơn, việc cận lệch cũng sẽ nặng hơn, lâu dần gây ra nhược thị.

Nhược thị nguy hiểm ra sao?

Do nhược thị thường xảy ra ở một bên mắt nên việc phát hiện ra nhược thị sẽ khó hơn bệnh lý khác. Nguyên nhân là do khi nhìn bằng 2 mắt thì thị lực vẫn đạt mức có thể nhìn ổn định. Khi nhược thị lâu, thị lực giảm dần đến khi não bộ không nhận tín hiệu từ mắt nữa thì sẽ dẫn đến mù loà.

Nhược thị nếu được phát hiện sớm thì vẫn có cơ hội để điều trị nhưng thông thường không còn đạt được thị lực như ban đầu.

photo-1667969156783

Kiểm soát cận thị giúp giảm nguy cơ nhược thị thế nào?

Nhược thị được điều trị tốt nhất đối với trẻ dưới 8 tuổi hay dưới 12 tuổi. Tuy nhiên khi qua độ tuổi này, tình trạng nhược thị sẽ không thể được điều trị lấy lại thị lực như ban đầu dù có thực hiện phương pháp điều trị nào. Do đó chúng ta cần chú ý đến việc kiểm soát cận thị, tránh tình trạng cận lệch, cận nhưng không đeo kính.

Để tránh tình trạng nhược thị, không chỉ người cận thị mà người không mắc tật khúc xạ về mắt cũng cần lưu ý những điều sau để có một đôi mắt khoẻ:

Đeo kính theo hướng dẫn của bác sĩ: Việc đeo kính khi bị cận rất quan trọng, không chỉ giúp chúng ta nhìn rõ mọi vật mà còn giúp bảo vệ đôi mắt của chúng ta, giúp kiểm soát độ cận, tránh tình trạng cận lệch quá nặng dẫn đến nhược thị.

Khám mắt định kỳ từ 3 - 6 tháng/ lần: Khám mắt để biết được tình trạng của mắt không chỉ cần thiết đối với người bị cận thị mà người bình thường cũng cần thiết để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt.

Không để mắt điều tiết liên tục: Hạn chế việc học tập và làm việc liên tục trong một thời gian quá dài. Áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20 khi học tập và làm việc để đôi mắt được nghỉ ngơi.

Chế độ ăn uống: Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều Vitamin A, C, và các chất dinh dưỡng tốt cho mắt.

Chế độ sinh hoạt: Một chế độ sinh hoạt khoa học, thời gian ăn uống, nghỉ ngơi và thể dục thường xuyên là một yếu tố nghe đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện. Việc sinh hoạt lành mạnh và điều độ không chỉ giúp cho sức khoẻ tăng cao mà đôi mắt cũng sẽ khoẻ mạnh hơn.

photo-1667969159958


PV
Ý kiến của bạn