1. Tổng quan về bệnh nhược cơ
Nhược cơ là bệnh lý tự miễn gây rối loạn dẫn truyền ở các điểm nối cơ - thần kinh và khiến cho hệ cơ bị giảm chức năng hoạt động. Đặc trưng của bệnh là tính dao động theo thời điểm, thường tăng yếu khi hoạt động quá sức và giảm yếu khi nghỉ ngơi, buổi sáng khỏe hơn so với buổi chiều.
Bệnh nhược cơ không phải là một bệnh lý phổ biến, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng gấp đôi nam giới, thường gặp ở phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi hoặc trên 70 tuổi và nam giới trên 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 0,5/100.000 người.
2. Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ
- Vấn đề về hệ miễn dịch:
Các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như viêm cơ có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của bệnh nhược cơ. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch tấn công cơ và làm giảm sức mạnh cơ.
- Thuốc và bệnh nền:
Các bệnh lý nền như tiểu đường, thận hay sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực đến sức mạnh cơ và dẫn đến bệnh nhược cơ.
Đột biến gene liên quan đến quá trình sản xuất và chuyển đổi protein cơ có thể làm giảm khả năng hoạt động cơ và gây nhược cơ.
- Thiếu dinh dưỡng:
Một chế độ dinh dưỡng không cân đối, thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, kali, canxi và vitamin D có thể góp phần vào sự xuất hiện của bệnh nhược cơ. Protein là yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển cơ; kali, canxi và vitamin D hỗ trợ cho hoạt động của cơ.
- Ít hoạt động thể chất:
Việc ít hoạt động thể chất có thể dẫn đến mất cân bằng giữa cơ và mô mỡ, làm giảm sức mạnh cơ và tăng nguy cơ mắc bệnh nhược cơ. Đặc biệt, người già thường gặp vấn đề này do giảm cường độ hoạt động thể chất.
- Môi trường:
Tiếp xúc với các chất độc hại, hóa chất công nghiệp, hay các tác nhân môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cơ. Các tác nhân này có thể góp phần vào sự xuất hiện của bệnh nhược cơ và gây hại cho cấu trúc cơ.
3. Triệu chứng của bệnh nhược cơ
3.1. Dấu hiệu của bệnh nhược cơ
Nhược cơ thường phát triển âm thầm với những triệu chứng ban đầu thoáng qua, một số trường hợp hiếm gặp thì bệnh tiến triển rất nhanh đến giai đoạn cuối. Bệnh có thể bị khởi phát sau một khoảng thời gian người bệnh bị stress hoặc mắc những bệnh nhiễm trùng hô hấp, hoặc trong thời gian mang thai, hay khi đang thực hiện gây mê.
Biểu hiện điển hình là bệnh nhân thấy mỏi mệt cơ tăng dần theo thời gian; trương lực một số cơ bị giảm:
- Cơ mắt: Hơn 50% người bệnh mắc nhược cơ có biểu hiện ban đầu ở cơ mắt.
- Sụp mi: Biểu hiện một bên hoặc không đối xứng
- Nhìn đôi: Người bệnh nhìn 1 vật nhưng lại thấy 2 hình ảnh.
- Khó nhắm mắt hoàn toàn.
Các triệu chứng có khả năng lan tới các cơ khác trong cơ thể trong vài tuần, vài tháng hay vài năm:
- Cơ hầu họng bị yếu: Yếu cơ vùng hầu họng gây cho bệnh nhân nuốt khó và nói khó. Giọng nói của người bệnh thay đổi nghe như giọng mũi khi yếu cơ vòm miệng, nặng hơn khi nói kéo dài.
Ngoài ra, người bệnh có thể mắc phải tình trạng khó nuốt khi ăn uống, đặc biệt gây hít sặc suy hô hấp hoặc viêm phổi do thức ăn rơi vào phổi.
- Yếu cơ cổ, tay, chân: Làm bệnh nhân gặp khó khăn khi giữ đầu ngẩng cao; Các hoạt động như nâng đồ vật, đứng dậy từ tư thế ngồi, leo cầu thang hay đánh răng đều khó thực hiện; Dáng đi nặng nề, không linh hoạt.
- Cơ mặt bị ảnh hưởng và khiến người bệnh có vẻ mặt vô cảm.
- Cơ hô hấp bị ảnh hưởng là dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh. Yếu cơ hô hấp gây suy hô hấp đe dọa tính mạng. Đây là tình huống này có thể xảy ra bất ngờ hoặc do: phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc một số thuốc ức chế miễn dịch…
3.2. Các giai đoạn diễn tiễn của bệnh nhược cơ
Trên lâm sàng, nhược cơ được phân loại thành các nhóm sau:
Nhóm 1: Nhược cơ chỉ xảy ra ở các cơ vận nhãn như cơ nâng mi. Các triệu chứng thường giảm đi nhanh nhớ đáp ứng tốt với điều trị.
Nhóm 2a: Nhược cơ xảy ra với nhiều nhóm cơ trong cơ thể như các cơ ở chi, cơ thân mình, cơ hô hấp nhưng ở mức độ nhẹ.
Nhóm 2b: Nhược cơ xảy ra với nhiều nhóm cơ trong cơ thể với mức độ vừa, biểu hiện sụp mi, nói ngọng, yếu các chi không vận động được, nuốt hay bị sặc nghẹn.
Nhóm 3: Nhược cơ xảy ra nhanh, đột ngột. Các cơ toàn thân yếu đi nhanh chóng đến mức nghiêm trọng nhất trong vòng 6 tháng. Liệt các cơ hô hấp xuất hiện sớm hơn, song song với yếu liệt cơ ở những vị trí khác như cơ vận nhãn, cơ thân mình, cơ tứ chi. Bệnh nhân thuộc nhóm này đáp ứng rất kém với điều trị nội khoa vì vậy có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong cao.
Nhóm 4: Nhược cơ mức độ nặng nhưng diễn tiến mạn tính, từ từ, kéo dài nhiều năm. Bệnh nhân thuộc nhóm này thường có mối liên quan đến bệnh lý u tuyến ức.
Bệnh nhược cơ diễn tiến qua các giai đoạn cơ bản sau:
Giai đoạn 1: Chỉ một nhóm cơ bị ảnh hưởng, thường gặp đầu tiên là các cơ vận nhãn.
Giai đoạn 2a: Các nhóm cơ toàn thân đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ cơ hô hấp và vùng hầu họng.
Giai đoạn 2b: Các nhóm cơ toàn thân đều bị ảnh hưởng, kèm theo cả nhóm cơ vùng hầu họng nhưng không có các cơ hô hấp.
Giai đoạn 3: Tất cả các cơ đều bị ảnh hưởng, bảo gồm các biểu hiện rối loạn hầu họng và hô hấp.
4. Bệnh nhược cơ có lây truyền không?
Bệnh nhược cơ đến nay được xem là một bệnh lý tự miễn, tùy thuộc vào cơ địa từng người. Do đó, bệnh nhược cơ không lây truyền từ người bệnh sang người lành.
5. Cách phòng ngừa bệnh nhược cơ
Bệnh nhược cơ là một bệnh lý tự miễn, phụ thuộc vào cơ địa từng người. Vì vậy duy trì một sức khỏe tốt cũng có thể góp phần phòng bệnh, bằng cách:
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi hàng ngày.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và xây dựng một lối sống lành mạnh.
Với những người bệnh đã được chẩn đoán mắc cần:
- Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng trong quá trình điều trị bệnh nhược cơ. Phòng tránh những bệnh nhiễm khuẩn (hầu họng, răng miệng) khi đang sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch.
- Không được tự ý ngưng thuốc hay dùng thêm các loại thuốc khác nếu không có trong chỉ định từ bác sĩ điều trị.
- Bổ sung kali.
- Giữ cuộc sống thoải mái, tránh căng thẳng lo âu. Không nên làm việc quá cao hoặc với cường độ liên tục có thể gây tổn hại đến các cơ.
- Người bệnh không nên sử dụng bất kỳ thuốc nào có thể gây yếu cơ như: an thần gây ngủ,...
Nếu thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu ban đầu nào của bệnh nhược cơ, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
6. Phương pháp điều trị bệnh nhược cơ
Hiện nay, điều trị nhược cơ chỉ giúp giảm triệu chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, nhưng chưa thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Có ba phương pháp chính trong điều trị nhược cơ là sử dụng thuốc, phẫu thuật tuyến ức và lọc huyết tương.
Sử dụng thuốc bao gồm nhóm thuốc ức chế men Cholinesterase và nhóm thuốc corticosteroid. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài các loại thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ không tốt cho cơ thể.
Phẫu thuật tuyến ức mang lại kết quả tương đối tốt, nhưng quá trình hậu phẫu rất khó khăn, do đó cần được thực hiện ở các bệnh viện uy tín và có đội ngũ hồi sức tốt. Ngoài ra, việc điều trị nhược cơ bằng phẫu thuật cũng có thể gặp nhiều biến chứng.
Lọc huyết tương giúp loại bỏ kháng thể miễn dịch trong máu, từ đó giúp giảm triệu chứng nhược cơ nhanh chóng. Phương pháp này thường được áp dụng cho các triệu chứng nhược cơ xấu đột ngột vì nhiều lý do, để cải thiện nhanh chóng sức cơ trước phẫu thuật, và là cách điều trị định kỳ mãn tính ở các bệnh nhân kháng trị với tất cả các phương pháp điều trị khác…
Khi đã mắc bệnh nhược cơ, người bệnh sẽ phải học cách sống chung với bệnh. Để cải thiện triệu chứng bệnh, ngoài các phương pháp điều trị, bạn cũng nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc phù hợp và chủ động thăm khám theo lịch hẹn. Nếu phương pháp điều trị không làm thuyên giảm triệu chứng bệnh, bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng.