1. Muốn trẻ thông minh phải bổ sung DHA ?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc bổ sung DHA để trẻ thông minh là thông tin chưa đầy đủ. Chính xác là mẹ nên bổ sung thêm DHA trong quá trình mang thai bởi DHA đóng vai trò quan trọng đối với cấu trúc tế bào não, với thị lực mắt, đồng thời DHA liên quan đến xung động thần kinh, sự nhanh nhạy trong phản ứng của trẻ sau này. Việc bổ sung DHA nên được tiến hành từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là giai đoạn sinh sản tế bào thần kinh, các tế bào thần kinh phát triển nhanh và phân chia khu biệt các tế bào thần kinh.
Sau khi trẻ ra đời, nguồn cung cấp DHA chính cho sự phát triển của trẻ đến từ sữa mẹ. Sữa mẹ chứa DHA ở các nồng độ khác nhau, phụ thuộc vào lượng chất béo trong khẩu phần ăn của người mẹ. DHA có nhiều trong cá hồi, cá chép, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá nhám; trong tôm, cua, mực; trong lòng đỏ trứng gà…
2. Điều gì mới thực sự ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ?
Chỉ số IQ chính là đánh giá sự thông minh. Những người có chỉ số IQ cao là những người có tư duy và phản xạ rất nhanh nhạy. Kiểm tra chỉ số IQ chính là một phương pháp đánh giá khả năng nhận thức và khả năng giải quyết vấn đề của bộ não.
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ:
-Yếu tố di truyền
Nếu cha mẹ có chỉ số IQ cao thì con cái của họ cũng có nhiều cơ hội mang chỉ số IQ cao. Theo các chuyên gia, gen di truyền có những ảnh hưởng nhất định đến sự thông minh và quyết định khoảng 40% chỉ số IQ của trẻ.
- Sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Không chỉ giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, tăng cường sức đề kháng, mà sữa mẹ còn giúp thúc đẩy não bộ của trẻ phát triển tốt hơn rất nhiều lần so với sữa công thức. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ ít nhất trong vòng 12 tháng.
- Trọng lượng
Trẻ suy dinh dưỡng hay bị thừa cân, béo phì đều có những tác động không tốt đến sự phát triển về trí não. Trẻ suy dinh dưỡng thường có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh. Đồng thời não của trẻ cũng sẽ không được bổ sung đủ dinh dưỡng cần thiết dẫn tới suy giảm chỉ số IQ. Còn với trẻ bị thừa cân, khả năng quan sát, lắng nghe và tiếp nhận kiến thức của trẻ cũng sẽ thấp hơn so với những trẻ có cân nặng vừa phải.
- Chế độ ăn
Dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến chỉ số IQ. Nếu trẻ được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì chỉ số thông minh sẽ có thể tăng đáng kể. Ngược lại, một chế độ ăn nghèo nàn dưỡng chất sẽ khiến cho trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là não bộ có thể bị ảnh hưởng làm suy giảm trí thông minh.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, bữa sáng chính là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, đây là thời điểm các tế bào trong cơ thể hoạt động tốt nhất và có thể hấp thu dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất. Từ đó giúp trẻ luôn tràn đầy năng lượng suốt cả ngày và phát triển tốt về sức khỏe thể chất và cải thiện chỉ số IQ của trẻ.
- Môi trường
Môi trường cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến sự thông minh của trẻ. Nếu trẻ được sinh hoạt, học tập trong một môi trường tốt, gặp gỡ và giao tiếp những người bạn thông minh thì cũng có thể là yếu tố giúp trẻ tăng chỉ số IQ.
3. Kiểm tra trí thông minh cho trẻ thế nào?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM, các bài kiểm tra IQ đã được sử dụng từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều tranh luận về những lợi ích tổng thể và mức độ liên quan của chúng trong bối cảnh hiện đại.
Trí thông minh liên quan đến khả năng suy nghĩ, giải quyết vấn đề, phân tích tình huống và hiểu các giá trị xã hội, phong tục và chuẩn mực.
Hai dạng trí thông minh chính liên quan đến hầu hết các cuộc đánh giá trí thông minh:
- Trí thông minh ngôn ngữ là khả năng hiểu và giải quyết các vấn đề dựa trên ngôn ngữ.
- Trí thông minh phi ngôn ngữ là khả năng hiểu và giải quyết các vấn đề theo tuần tự và không gian
Các bài kiểm tra trí thông minh (còn được gọi là công cụ) được công bố dưới một số hình thức:
- Các bài kiểm tra trí thông minh cá nhân: có thể bao gồm một số loại nhiệm vụ, suy luận, giải quyết tình huống và cũng như các phiên hỏi và trả lời. Thang đo trí thông minh Wechsler cho trẻ em (WISC) và Thang đo trí thông minh Stanford Binet (trước đây được gọi là Bài kiểm tra Binet-Simon), là những ví dụ về các bài kiểm tra trí thông minh cá nhân.
Bài kiểm tra WISC bao gồm các câu hỏi dựa trên ngôn ngữ, ký hiệu và khả năng giải quyết vấn đề, trong khi bài kiểm tra Stanford-Binet giúp chẩn đoán học sinh bị khuyết tật về nhận thức.
- Các bài kiểm tra trí thông minh nhóm thường bao gồm một tập tài liệu kiểm tra bằng giấy và các bảng điểm quy đổi. Các bài kiểm tra thành tích nhóm, đánh giá các lĩnh vực học tập, đôi khi bao gồm cả thước đo nhận thức.
Nhìn chung, các bài kiểm tra nhóm không được khuyến khích với mục đích xác định trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể hữu ích như một biện pháp sàng lọc để xem xét liệu có cần kiểm tra thêm hay không và có thể cung cấp thông tin cơ bản tốt về quá trình học tập của trẻ
- Các bài kiểm tra trên máy tính ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi, nhưng cũng như tất cả các bài kiểm tra khác, người chỉ định sẽ cân nhắc nhu cầu tình trạng của trẻ trước khi chọn hình thức kiểm tra nào phù hợp.
- Các bài kiểm tra trí thông minh phi ngôn ngữ, chẳng hạn như bài kiểm tra toàn diện về trí thông minh phi ngôn ngữ (CTONI) và bài kiểm tra trí thông minh phi ngôn ngữ tổng quát, phiên bản thứ hai (UNIT2), được sử dụng để đánh giá những học sinh có vấn đề về xử lý ngôn ngữ.
Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học, nơi làm việc, khu công nghiệp