Thông tin trên được ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu về nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam do Bộ Y tế, Ngân hàng phát triển Châu Á và các đối tác tổ chức tại Hà Nội.
Chăm sóc sức khoẻ dài hạn cho người cao tuổi còn hạn chế
Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Nếu như năm 2021, Việt Nam có 10 tỉnh, thành có chỉ số già hoá dân số cao nhất gồm Thái Bình, Bến Tre, Vĩnh Long, Hà Nam, Nam Định, Tiền Giang, Hải Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hải Phòng, trong đó Thái Bình có chỉ số già hoá cao nhất là 95,77.
Và ở thời điểm này chỉ số già hoá của toàn bộ dân số Việt Nam là 53,13; chưa có tỉnh nào có chỉ số già hoá hơn 100 thì với tốc độ già hoá tăng nhanh như hiện nay, dự báo đến năm 2029, tăng lên 14 tỉnh, thành có chỉ số già hoá trên 100, tức là có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Và đến năm 2039, sẽ tăng lên 41 tỉnh, thành.
"Trong khi việc chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi vẫn còn hạn chế, chưa có mô hình hiệu quả"- ông Toàn nói.
Làm rõ thêm nội dung này, GS.TS Giang Thanh Long - Viện nghiên cứu Y xã hội học cho hay, các hoạt động chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam phần lớn được thực hiện tại nhà và do người trong gia đình thực hiện. Do đó việc cung cấp gói dịch vụ chăm sóc dài hạn tại nhà cho người cao tuổi là cần thiết.
"Cần phải phát triển và tiến hành đào tạo về kiến thức và kỹ năng chăm sóc dài hạn với ưu tiên hàng đầu là dành cho người trong gia đình của người cao tuổi. Cùng đó, sự ưu tiên trong các dịch vụ chăm sóc dài hạn cần dành cho những người trong nhóm đại lão, nhất là phụ nữ"- GS.TS Giang Thanh Long khuyến nghị.
Tài chính cho chăm sóc dài hạn sức khoẻ người cao tuổi: Khuyến nghị từ chuyên gia
Về tài chính cho chăm sóc dài hạn, GS. Soonman KWON, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển ngành y tế Hàn Quốc đưa ra các mô hình hiệu quả dựa vào thuế như trên 90% chi tiêu công cho chăm sóc dài hạn được tra bằng tiền tiêu thụ từ thuế ở các nước như Thuỵ Điển, New Zealand, Úc, Đan Mạch. Hay tài chính cho chăm sóc dài hạn thông qua chính sách bảo hiểm ở Đức, Nhật Bản hoặc cơ chế tài chính hỗn hợp cho chăm sóc dài hạn được triển khai ở Hà Lan, Đức, Nhật Bản.
GS. Soonman KWON cũng cho biết thêm, tại Hà Lan và Đức tất cả mọi người tàn tật ở mọi lứa tuổi đều được hưởng lợi từ bảo hiểm chăm sóc dài hạn; Tại Nhật Bản chăm sóc dài hạn áp dụng cho người cao tuổi trên 65 tuổi và chăm sóc dài hạn cho người có sức khoẻ yếu liên quan đến già hoá ở độ tuổi từ 40- 64; Tại Hàn Quốc, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi trên 65 tuổi và chăm sóc dài hạn cho người có sức khoẻ yếu liên quan đến già hoá tuổi trẻ hơn 65.
Tham luận tại hội nghị, PGS.TS Phạm Huy Tuấn Kiệt - Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cùng ThS Đoàn Ngọc Thuỷ Tiên - Chuyên gia chi phí mô hình chăm sóc dài hạn người cao tuổi nhấn mạnh: Hoạt động chăm sóc dài hạn và các chính sách liên quan cần được quản lý bởi ngành y tế.
Việc đánh giá nhu cầu cá nhân cho chăm sóc dài hạn cần được xác định thông qua giám định y khoa, đề xuất áp dụng phương pháp theo tiêu chuẩn quốc tế chính sách tài chính cho chăm sóc dài hạn cần được đề cập trong Luật Bảo hiểm y tế.
Cũng tại hội nghị, Ban Tổ chức đã khởi động dự án "Hỗ trợ xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng" với sự hỗ trợ của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á từ Quỹ vì một Châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và bền vững của Chính phủ Nhật bản (JFPR) nhằm cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật trong việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng cho người cao tuổi.
Theo ông Phan Văn Toàn, trong quá trình thực hiện, dự án sẽ tiến hành phân tích nhu cầu chăm sóc dài hạn của người cao tuổi, thực trạng của hệ thống chăm sóc tại cộng đồng, từ đó xây dựng và triển khai thí điểm mô hình chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng tại 12 thôn trong 4 xã của 2 huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và Kim Bôi (Hòa Bình).
Kết quả của dự án sẽ cung cấp các bằng chứng về sự phù hợp, tính khả thi, tính hiệu quả và khả năng bền vững của mô hình từ đó đề xuất với Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và các đơn vị liên quan về việc mở rộng mô hình, mở rộng quyền lợi chăm sóc, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ do bảo hiểm y tế chi trả đối với người cao tuổi tại cộng đồng, đồng thời đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc người cao tuổi...