Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ

01-01-2024 10:12 | Y tế
google news

SKĐS - Lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cán bộ, nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội và những người cùng cảnh ngộ. Sau khi trưởng thành, Y sĩ Đàm Thị Lan quay trở về mái nhà đã nuôi mình khôn lớn để thực hiện ước mơ bù đắp cho những con người yếu thế.

Lớn lên trong tình yêu thương

Ngày người mẹ rời bỏ trần thế, Đàm Thị Lan (SN 1995) chỉ mới 2 tháng tuổi. Gia đình đông con, người bố phải lao lực trên quê nghèo Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để 9 đứa con bớt những bữa đói ăn. Đứa con út đỏ hỏn, khát sữa dần chập chững bước đi đầu tiên thì người bố cũng theo mẹ về bên kia thế giới, để lại những đứa con thơ dại bơ vơ giữa cuộc đời.

Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ- Ảnh 1.

Y sĩ Đàm Thị Lan.

Ông trời cướp đi 2 người yêu thương chị em Lan nhất khi em chưa cảm nhận được nỗi đau thương để mà hờn trách. Dần lớn lên, Lan biết những ngày đói ăn, thiếu mặc sẽ khó trải qua như thế nào. Không còn bố mẹ nuôi nấng, anh chị của Lan phải nghỉ học sớm để mưu sinh, thay thiên chức của phụ mẫu.

Nhưng nơi quê nghèo, không nghề nghiệp ổn định, người anh, người chị không cách nào chăm sóc tốt cho Lan. Năm lên 3, Lan được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình. Ở ngôi nhà mới, Lan được quan tâm, chăm lo để vơi đi sự thiếu thốn tinh thần và vật chất.

"Lúc bố mẹ mất tôi còn rất nhỏ, giờ cũng không thể mường tượng ra hình ảnh của hai người nữa. Nghe anh chị kể lại ngày đó cực khổ lắm, đói ăn thường xuyên. Không muốn anh em phải xa nhau nhưng anh chị phải xin gửi tôi vào trung tâm để được chăm sóc tốt hơn", Đàm Thị Lan xúc động nhớ lại.

Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ- Ảnh 2.

Nữ y sĩ cùng cán bộ, nhân viên trung tâm đang từng ngày chăm sóc những con người yếu thế, kém may mắn.

Ở ngôi nhà mới, Lan được cán bộ, nhân viên của trung tâm quan tâm, chăm sóc như những đứa con. Không còn nỗi lo đói ăn, thiếu mặc, Lan và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ cứ thế lớn lên giữa tình yêu thương.

"Biết mình có nhiều mất mát, thiệt thòi nhưng vẫn là người may mắn khi được lớn lên trong sự quan tâm, yêu thương của mọi người ở trung tâm. Nếu không có trung tâm, có thể tôi phải chật vật mưu sinh từ nhỏ, có thể không được đến trường để học con chữ", Lan chia sẻ.

Trung tâm là nơi tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn, người có công với cách mạng không có ai phụng dưỡng.... Là cô bé hiểu chuyện, Lan luôn chăm ngoan học tập, biết đỡ đần các cô, các mẹ chăm sóc ông bà và các em.

"Lan nó ngoan, hiểu chuyện, cứ học về là hay quấn quýt phụ giúp các mẹ quét dọn, chăm ông bà, chăm em. Đạt kết quả cao trong học tập là cháu lại về tíu tít khoe với mọi người. Nhìn Lan dần lớn lên khỏe mạnh và giờ trưởng thành tôi thấy rất vui", mẹ Phan Thị Hoa, cấp dưỡng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết.

Rồi dấu mốc mới của cuộc đời khi Lan 16 tuổi. Năm ấy, Lan đậu cấp 3 bán công trên địa bàn. Nhưng khi ấy chưa có quy định nào về việc hỗ trợ tiền học cho học sinh của các trung tâm bảo trợ xã hội theo học tại trường bán công. Tưởng chừng việc học của em phải dở dang.

Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ- Ảnh 3.

Những ngày thơ Lan chia sẻ cùng các bà niềm vui điểm 10, giờ đây Lan chia sẻ niềm vui về gia đình nhỏ.

Không có tiền đi học, Lan chỉ còn biết lẳng lặng rút hồ sơ rồi tính chuyện rời trung tâm tìm việc mưu sinh. Bao mơ ước của cô gái trẻ phải gác lại. May mắn khi các cô, các mẹ biết chuyện rồi khuyên nhủ, động viên và đứng ra giúp đỡ Lan có tiền để tiếp tục học.

"Ngày tôi đi rút hồ sơ, chị Trần Thị Chinh, cán bộ của trung tâm, người chăm sóc tôi từ lúc nhỏ biết được và khuyên tôi phải cố gắng học tiếp. Chị Chinh nói chỉ có học mới giúp tôi thay đổi được số phận. Chị đưa tôi tới trường nộp lại hồ sơ và hứa sẽ hỗ trợ tiền học. Những năm cấp 3, chị là người hỗ trợ tôi các khoản đóng góp", Lan bồi hồi kể lại.

Ân tình trả bao giờ cho hết !

Khi ước mơ ngày càng gần, những khó khăn vẫn chưa buông tha. Ngày Lan thi đỗ vào Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình, ai nấy cũng mừng, cũng tủi cho em. Biết "con" khó khăn về tiền học, mẹ Phan Thị Hoa, cấp dưỡng trung tâm chia đôi phần ăn của mình để Lan dành suất bản thân quy thành tiền đóng học. Cán bộ, nhân viên trung tâm cũng động viên, giúp đỡ Lan về vật chất và tinh thần.

"Nếu không có những người mẹ, người chị yêu thương, giúp đỡ tôi bằng tất cả tấm lòng, không biết bản thân mình hiện giờ sẽ ra sao", Lan nghẹn ngào chia sẻ.

Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ- Ảnh 4.

Mẹ Phan Thị Hoa, cấp dưỡng của trung tâm, người luôn đồng hành cùng Lan trong những chặng đường của cuộc đời.

Mẹ Hoa công tác tại trung tâm từ năm 1996, khi trung tâm mới bước đầu hoạt động. Mẹ chứng kiến Lan cùng bao đứa trẻ thiệt thòi khác trưởng thành, nhiều cụ già an vui sống những ngày cuối đời.

"Gần 30 năm gắn bó với trung tâm, tôi dõi theo rất nhiều đứa trẻ lớn lên, nhưng với cháu Lan là đặc biệt. Lan chăm ngoan, hiểu chuyện và có tinh thần kiên trì, chịu thương, chịu khó trong mọi việc. Dù tôi có vất vả một thân nuôi 3 con ruột, nhưng các con ở trung tâm ai khó gì tôi sẵn sàng giúp nếu có thể", mẹ Hoa chia sẻ.

Những ngày trên giảng đường, ngoài nhận sự giúp đỡ từ các mẹ và cán bộ trung tâm, Lan tìm nhiều việc làm thêm để có thêm thu nhập. Vừa học vừa làm, Lan mong có ngày đưa tri thức trở về mái ấm chăm sóc những con người thiệt thòi, yếu thế như mình.

Sau một thời gian rời giảng đường, khi trung tâm có nhu cầu tuyển cán bộ y tế, Lan liền nộp hồ sơ. Ước mơ thành sự thật khi Lan được bố trí công tác tại Phòng Quản lý, chăm sóc phục hồi chức năng đối tượng. Từ một cô bé mồ côi lớn lên ở trung tâm, Lan quay trở lại chăm sóc những mảnh đời bất hạnh bằng tình yêu thương và kiến thức đã học được.

Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ- Ảnh 5.

Lan dùng kiến thức và tình yêu thương để bù đắp cho những con người thiệt thòi.

Xem trung tâm là nhà, những con người dưới mái ấm là người thân, suốt 3 năm qua, Lan cần mẫn với công việc của mình. Cô mong muốn bù đắp những gì mà số phận lấy đi của "người thân". Với cô, đây cũng là cách để trả nghĩa cho những ân tình mình nhận được dưới mái nhà chung này.

"Bọn tôi đau hay khó chịu gì là cứ gọi Lan với các cháu y tế. Lan nó quan tâm mấy cụ già chúng tôi lắm, khi rảnh cháu nó vẫn hay đến hỏi han, trò chuyện. Như tôi sống một mình lâu nay, khi vào trung tâm được các cháu quan tâm thấy cuộc đời vui trở lại", bà Nguyễn Thị Minh (81 tuổi) cho biết.

Trong công việc, với Lan vất vả nhất vẫn là chăm sóc, điều trị cho người già bị liệt, trẻ khuyết tật. Nhưng với suy nghĩ đó là người thân, người kém may mắn hơn mình, Lan không ngại ngần cùng các mẹ nuôi săn sóc các cụ, các cháu.

"Một số cụ đau bệnh nằm liệt giường nên mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. Còn một số cụ khác thì tính cách thay đổi lúc về già nên hơi khó gần. Nhưng vì xem họ như người thân nên tôi cũng chưa bao giờ ngại việc giúp các cụ vệ sinh, tắm rửa hay là quan tâm, trò chuyện để các cụ vơi buồn", Lan chia sẻ.

Những yêu thương ở trung tâm bảo trợ xã hội - Nơi nuôi dưỡng cuộc đời cô y sĩ trẻ- Ảnh 6.

Việc chăm sóc người già nằm liệt giường, người khuyết tật có nhiều vất vả nhưng với Lan đó là niềm vui vì đang từng ngày trao đi yêu thương.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Bình cho biết, Đàm Thị Lan là một trong số hơn 450 trẻ được trung tâm nuôi nấng trưởng thành. Nay với kiến thức học tập được, Lan quay trở lại trung tâm chăm sóc tốt cho những thành viên trong ngôi nhà chung.

"Lan là cán bộ tận tâm, nhiệt huyết trong công việc. Xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt nên khi quay trở lại công tác tại trung tâm, Lan dễ dàng thấu hiểu, sẻ chia đối với những mảnh đời bất hạnh khác. Nhìn cháu dần trưởng thành, có gia đình nhỏ hạnh phúc và nay cống hiến cho trung tâm, chúng tôi rất vui mừng và tự hào", Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Bình cho biết thêm.

Chuyện về nữ y sĩ được mệnh danh 'hiệp sĩ giao thông'Chuyện về nữ y sĩ được mệnh danh "hiệp sĩ giao thông"

SKĐS - Hơn 40 năm tham gia cứu giúp hàng trăm nạn nhân bị tai nạn giao thông, bà Đào Thị Liên (ở Kim Thành, Hải Dương) luôn tâm niệm rằng, mình cứu người vì cái Tâm, cái Đức và xuất phát từ nghề Y...

Video: San sẻ yêu thương tới bệnh nhân nghèo qua từng suất cháo nghĩa tình.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn