Những y tá nổi tiếng trong lịch sử y học thế giới

12-04-2014 16:43 | Dược
google news

SKĐS - Những y tá nổi tiếng thế giới góp phần tạo nên nền tảng về nghề y tá ngày nay.

Y tá hay điều dưỡng viên là những người hợp tác cùng các thầy thuốc và chuyên gia y tế khác để chăm sóc, chữa trị, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong nhiều hoàn cảnh từ cấp cứu đến phục hồi. Mặc dù có vai trò quan trọng không kém bác sĩ trong hệ thống chăm sóc khỏe cộng đồng nhưng những đóng góp thầm lặng của y tá thường ít được nhắc đến. Dưới đây là danh sách những y tá nổi tiếng góp phần tạo nên nền tảng về nghề y tá ngày nay.

Florence Nightingale (1820 -1910)

Florence Nightingale còn được biết đến với tên gọi “bà tiên thuốc” được sinh ra trong gia đình giàu có ở Anh nên được giáo dục chu đáo từ nhỏ. Bà biết nhiều ngoại ngữ, đọc nhiều sách triết học, tôn giáo, chính trị. Bất chấp sự phản đối của gia đình khi cho rằng y tá là một nghề thấp hèn, Florence Nightingale vẫn tình nguyện theo đuổi tâm nguyện của bản thân.

Những năm 1854-1855, chiến tranh Crime nổ ra, bà cùng 38 phụ nữ Anh khác được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ các thương binh của quân đội Hoàng gia Anh. Tại đây, bà đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và sau 2 năm bà đã giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn từ 42% xuống còn 2%.

Năm 1860, bà thành lập trường điều dưỡng Nightingale đầu tiên trên thế giới với chương trình đào tạo một năm đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở Anh mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Để tưởng nhớ bà, ngày sinh của bà 12/5 đã được lấy là ngày Điều dưỡng quốc tế.

Mary Breckinridge (1881-1965)

Mary Breckinridge sinh năm 1881 ở Memphis, bang Tennessee trong một gia đình quý tộc phía Nam nước Mỹ. Mary Breckinridge là người đầu tiên thực hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nông thôn vào năm 1915 ở Mỹ. Mô hình này chuyên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho những người bị bỏ quên ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Đông Nam Kentucky.

Bà tạo ra hệ thông phân cấp nữ hộ sinh, điều dưỡng viên từ các cấp trên xuống cấp cơ sở. Ban đầu được gọi là Ủy ban Kentucky cho bà mẹ và trẻ em, đây chính là tổ chức tiền thân của Tổ chức Frontier (viết tắt là FNS) bao gồm các dịch vụ điều dưỡng giảm tỷ lệ tử vong khi sinh con.

Mary Ezra Mahoney (1845-1926)

Mary Ezra Mahoney là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên được đào tạo và cấp bằng trở thành y tá tại Mỹ, tốt nghiệp năm 1879. Năm 1908, bà cùng với Adah B.Thoms đồng sáng lập Hiệp hội Quốc tế y tá da màu. Hiệp hội nay sau đó hợp nhất với Hiệp hội Y tá Mỹ (ANA) vào năm 1951.

Với những đóng góp của mình, các trung tâm y tế được bà Mahoney tham dự đã nới lỏng các chính sách phân biệt đối với điều dưỡng viên da màu. Bà Mahoney cũng đấu tranh quyết liệt và ủng hộ cho quyền lợi của các y tá, điều dưỡng viên da màu. Mahoney nổi tiếng vì đã tham gia chăm sóc bệnh nhân trong dịch đậu mùa ở Black Hills, Nam Dakota.

Walt Whitman (1819-1892)

Walt Whitman là nhà thơ, nhà báo nổi tiếng vào những năm 1860 ở Mỹ, đặc biệt là tác phẩm Leaves of Grass (Lá cỏ - 1855). Nhưng ông cũng nổi tiếng khi quyết định tình nguyện làm y tá phục vụ cuộc nội chiến Mỹ. Whitman không được đào tạo bài bản về nghề y tá nhưng cơ duyên đến với nghề này khi Whitman biết được thông tin anh trai mình bị thương trong trận chiến Fredericksburg trong lúc phục vụ trong quân đội Liên minh năm 1862. Khi đến thăm anh trai, ông đã xúc động mạnh mẽ và sau đó ông tới Washington bắt đầu công việc y tá tình nguyện suốt 3 năm. Theo ước tính, trong khoảng thời gian này ông đã đến thăm và chăm sóc hơn 100.000 bệnh nhân ở 600 bệnh viện.

Lillian Wald (1867-1940)

Bà được biết đến với những đóng góp cho nhân quyền và là người sáng lập Trung tâm Điều dưỡng cộng đồng Henry Street: chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho những người bệnh có nhu cầu. Wald và các nhân viên của mình trở thành y tá sức khỏe cộng đồng đầu tiên tại Mỹ. Bà Wald chủ trương thực hiện điều dưỡng trong các trường công lập và bà là Chủ tịch đầu tiên của Tổ chức Điều dưỡng y tế quốc gia. Tờ New York Times vinh danh Lillian Wald là một trong 12 phụ nữ Mỹ vĩ đại nhất vào năm 1922.

Margaret Sanger

(1879-1966)

Margaret Sanger Higgins được biết đến là y tá phổ biến rộng rãi các biện pháp tránh thai, bà mở phòng khám thai đầu tiên tại Mỹ. Sanger đóng góp rất lớn trong việc hợp pháp hóa các biện pháp tránh thai, bà cho rằng để phụ nữ có cơ sở bình đẳng hơn trong xã hội và đảm bảo sức khỏe sinh sản, họ cần xác định được thời điểm sinh con; đồng thời bà cũng muốn ngăn chặn việc phá thai không an toàn. Từ năm 1952 - 1959, Sanger là Chủ tịch của Tổ chức Planned Parenthood quốc tế. Sanger cũng là người đầu tiên phát triển thuốc tránh thai bằng viên, các biện pháp tránh thai bằng thuốc đầu tiên được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp nhận vào năm 1960 chỉ 6 năm trước khi bà qua đời. Bà Margaret Sanger Higgins được coi là nhà sáng lập phong trào kiểm soát sinh sản hiện đại.

Dorothea Dix Lynde (1802-1887)

Dorothea Dix được đào tạo để trở thành một giáo viên chứ không phải một y tá, bà được biết đến là người dành 40 năm cuộc đời mình vận động hành lang cho việc chăm sóc và điều trị tốt hơn đối với những người bị bệnh tâm thần cũng như điều kiện các nhà tù tốt hơn, nhân đạo hơn. Chỉ đến khi bắt đầu cuộc nội chiến năm 1861, bà Dix tình nguyện làm y tá cho quân đội Liên minh và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng cho quân đội Liên minh. Dix đã thành lập 32 tổ chức đặc biệt điều trị cho các bệnh nhân tâm thần, vận động sự hỗ trợ để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các bệnh nhân tâm thần và đòi hỏi quyền lợi xứng đáng cho bệnh nhân tâm thần cũng như các tù nhân trên toàn thế giới.

Clara Barton (1821-1912)

Ngoài việc là một y tá, bà làm việc như một giáo viên. Sau khi chứng kiến tình trạng thiếu vật tư y tế và lều trại cho thương bệnh binh, bà Barton tình nguyện đi kêu gọi sự tài trợ của các cá nhân, tổ chức, quỹ từ thiện để phục vụ những nhu cầu thiết yếu cho chăm sóc bệnh nhân ở chiến trường. Năm 1881, ở tuổi 80, bà Barton thành lập Hội Chữ thập đỏ Mỹ.

Huệ Minh (Tổng hợp Wikipedia, Health)


Ý kiến của bạn