Những vướng mắc ở làng cổ Đường Lâm

21-05-2013 13:03 | Thời sự
google news

Giữa lúc Hà Nội đang hầm hầm hập cái nóng 40 độ trên đường thì lá đơn kiến nghị đòi trả lại danh hiệu Di sản Văn hóa cấp Quốc gia của 78 hộ dân ở làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) đã làm nóng lên dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều. Việc “trả danh hiệu” thể hiện lòng dân không thiết tha với di sản văn hóa hay cách ứng xử và chính sách đối với dân đang nắm giữ di sản có điều bất cập?

Giữa lúc Hà Nội đang hầm hầm hập cái nóng 40 độ trên đường thì lá đơn kiến nghị đòi trả lại danh hiệu Di sản Văn hóa cấp Quốc gia của 78 hộ dân ở làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) đã làm nóng lên dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều. Việc “trả danh hiệu” thể hiện lòng dân không thiết tha với di sản văn hóa hay cách ứng xử và chính sách đối với dân đang nắm giữ di sản có điều bất cập?

Bất cứ địa phương nào khi được công nhận những di sản văn hóa trên địa bàn đều là niềm tự hào và hạnh phúc của mỗi người dân. Chưa nói đến cả làng được công nhận, chỉ một ngôi chùa, một địa chỉ nhỏ được công nhận cũng đủ làm nên hạnh phúc của mỗi cư dân trong làng, trong xã, thậm chí là của cả huyện, cả tỉnh. Vậy thì lá đơn “trả danh hiệu” kia có phải là sự vô lý mang tính ngoại lệ?

Những vướng mắc ở làng cổ Đường Lâm 1
Những vướng mắc ở làng cổ Đường Lâm 2


Tôi không tin 78 hộ dân ở làng Đường Lâm khi ký đơn kiến nghị đòi trả lại danh hiệu Di sản Văn hóa cấp Quốc gia là những người thờ ơ với văn hóa, không nặng lòng với quê hương. Hình như mỗi chữ ký trong đó là sự quặn nhói đến đau lòng của những người nông dân chất phác khi phải làm cái sự chẳng đừng. Vâng, làng cổ Đường Lâm là một tài sản vô giá, nhưng sự vô giá nào cũng không thể trường tồn mãi mãi nếu không được tu bổ. Những ngôi nhà cổ trong làng theo năm tháng cũng cần phải sửa chữa, tôn tạo. Khác với một ngôi nhà, ngôi chùa di tích lịch sử “cấm xâm phạm”, khi cải tạo sửa chữa phải giữ y chang, Di sản làng cổ Đường Lâm là một quần thể với cấu trúc không gian rộng và động. Nhìn di sản này không thể cứng nhắc ở vật thể mà lớn hơn là giá trị tinh thần phi vật thể. Trong giá trị ấy, có lẽ không thể quên không gian sống của người dân với nhu cầu thực tại.

Ngay như phố cổ giữa lòng Thủ đô nếu bị mất đi sẽ là thiệt thòi lớn cho tương lai, nếu sau này muốn khôi phục lại cũng không thể làm được. Thế nhưng cư dân trong những ngôi nhà ống ngày một đông thêm không thể cứ giữ như cũ để bảo tồn vốn cổ. Bảo tồn vốn cổ phải là cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính chứ không phải là dân. Nhà nước có thể cấp diện tích ở chung cư cho cư dân đang sống trong nhà cổ để họ khỏi mong xây nhà cao tầng để tăng diện tích. Thậm chí có thể bỏ ngân sách mua lại cả một khu phố cổ để làm bảo tàng sống hoặc có chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm theo phương thức xã hội hóa.

Làng cổ Đường Lâm là Di sản Văn hóa thì cách ứng xử với di sản, với dân sống trong di sản cũng phải tương tự để đáp ứng được nhu cầu sống của dân mà vẫn giữ được hồn cốt văn hóa phi vật thể như một sự trường tồn của di sản. Người dân Đường Lâm do nhu cầu sống hiện tại đã bị cưỡng chế giải tỏa các công trình xây dựng sai phép, nhưng về phía Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã hiểu dân chưa và đã bao giờ kiến nghị với cấp trên để giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn di sản với việc đảm bảo lợi ích của cộng đồng dân cư mà cụ thể là nhu cầu sống thực tế của dân?

Mâu thuẫn này không phải duy nhất xảy ra ở Đường Lâm mà trên đất nước ta quả là không thiếu và cũng không thiếu kinh nghiệm, bài học tốt đã được thực hiện thành công như ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) hay Phước Tích (Thừa Thiên Huế). Nếu trước khi làng cổ Đường Lâm có “Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm”, cơ quan hữu quan các cấp  có một kế hoạch tổng thể về bảo tồn di sản, từ việc lo giãn dân, xác định những điểm nhấn mang tính “hồn cốt” của di sản để đầu tư bảo tồn cùng với việc tuyên truyền giáo dục, thấu hiểu tình dân thì chắc câu chuyện “trả danh hiệu” đau lòng này sẽ không bao giờ xảy ra. Rất tiếc, cái “kế hoạch tổng thể” đến nay vẫn chưa xong khiến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phải có yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc “đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm, trình UBND thành phố” để phê duyệt trong tháng 6/2013!

Luật Di sản đã có nhưng không thể máy móc áp luật vào di tích mà quên đi nhu cầu và quyền lợi chính đáng của cộng đồng dân cư. Di sản, di tích nào tồn tại được đều bắt đầu từ dân sở tại. Khi thực sự vì dân, lo cho dân thì mọi di sản đều trường tồn. Nếu cơ quan quản lý nhà nước biết cùng dân có cách thức bảo tồn và khai thác di sản hợp lý như hướng dẫn người dân tổ chức sản phẩm du lịch, tổ chức đón khách, góp phần tái cơ cấu kinh tế như bài học ở Hội An thì có lẽ 78 hộ dân ở làng Đường Lâm thay vì làm đơn xin trả danh hiệu có lẽ sẽ là người hoan nghênh tích cực nhất.

 Xem ra tinh thần thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến và tôn trọng cộng đồng, cùng cộng đồng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa mới là cách bảo tồn và phát triển bền vững nhất.    

Lê Quý


Ý kiến của bạn