Những vườn tượng nhếch nhác

12-12-2014 07:19 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong các công viên, vườn hoa, hoặc các khu du lịch, nghỉ mát, khu đô thị dân sinh, có những bức tượng đứng độc lập hoặc quần thể vừa mang lại giá trị nhân văn, lịch sử sâu sắc, vừa là điểm nhấn tô điểm cho cảnh quan xung quanh...

Trong các công viên, vườn hoa, hoặc các khu du lịch, nghỉ mát, khu đô thị dân sinh, có những bức tượng đứng độc lập hoặc quần thể vừa mang lại giá trị nhân văn, lịch sử sâu sắc, vừa là điểm nhấn tô điểm cho cảnh quan xung quanh... Ví dụ như tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Hàng Đậu, “Quê hương người gái đảm” ở thị trấn Phùng, hoặc Đức Thánh Gióng “Công thành thân thoát” trên đỉnh núi Sóc...

Tuy nhiên, dạo một vòng quanh những vườn tượng của Thủ đô Hà Nội thấy rằng, một số vườn tượng đã hết “đát”, xuống cấp, làm xấu cảnh quan công viên, phản tác dụng giáo dục. Nhóm tượng đài co cụm trong không gian chật hẹp của công viên Bách thảo chẳng hạn. Nghệ thuật sắp đặt để làm nổi bật chủ đề của từng bức tượng, nhóm tượng không được tác giả quan tâm, ánh sáng cần thiết tạo nên nét đẹp lung linh của tác phẩm bị triệt tiêu, làm cho những bức tượng nặng nề đem đến cho người xem cảm giác tối mắt. Chất liệu “gột” lên tượng quá tồi, hiện đã có nhiều tượng bị thủng, tượng sắt bị hoen gỉ, thân hình nứt toác, chân tay sứt mẻ, mối hàn bị bung... tạo nên những hình ảnh phản cảm. Như cả đôi tay lẫn cây đàn của tượng “Người kéo đàn vĩ cầm” bay mất tăm, còn lại là đống sắt vụn theo nghĩa đen.

Tượng sứt mẻ chỉ còn 1 màu đen, bong đá ốp tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn.

Nhóm tượng đài vườn hoa trước đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm) dễ thường có đến 20 năm tuổi. Công bằng mà nói thì khi mới trưng bầy, mặc dầu nhỏ bé, bị “lút” đi giữa muôn ngàn loài hoa hương sắc bắt mắt. Nhưng do mới, lại là “của lạ” nên cũng thu hút sự quan tâm của người đến chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, xem mãi cũng chán vì tượng quá nhỏ, bố cục đơn điệu. Hiện nhiều tượng đã bị mất chỉ còn trơ đế tượng, hoặc vỡ bung vì những viên gạch men bao quanh sứt mẻ, vỡ nát. Tất cả các bức tượng đã ngả màu... đất đen.

Nhân dịp Kỷ niệm 600 năm ngày sinh Danh nhân Văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, nhà thơ lớn Nguyễn Trãi, trong khuôn viên làng Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội), người ta cho dựng tượng Nguyễn Trãi bằng bê tông cốt thép, tay cầm “Cáo bình Ngô”, mặt hướng về thành Đông Quan (Thăng Long). Bức tượng ban đầu uy nghi lẫm liệt, hài hòa với cảnh quan một làng quê, song cùng với thời gian “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dãi dầu mưa nắng, bờ vai, mũ cánh chuồn đã ngả sang màu xám xịt, nếu không có dòng chữ “Nguyễn Trãi” ở chân bệ thì thế hệ con cháu không còn nhận ra người từng viết “Thiên cổ hùng văn” bất hủ mà chúng tự hào.

Ngược lên thành phố phía Bắc “Ngã ba sông”, dạo vào vườn tượng Việt Trì gồm 30 tác phẩm chọn lọc của nhiều tác giả nổi tiếng trong nước và thế giới, sẽ được “mục sở thị” những “Vua Hùng”, “Mỵ Châu”, “Bọc trứng Âu Cơ”... dầm mưa dãi nắng, cỏ hoang mọc um tùm che lấp, nặng mùi xú uế.

Xuôi vào phía Nam, Cố đô Huế, sau 39 năm (1975 - 2014) bức tượng đồng chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu nặng 5 tấn, cao 2,55 mét của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, bị khuất lấp trong một khuôn viên chật hẹp, nay được trưng bày trân trọng tại Công viên lớn 19 Lê Lợi, nhìn ra cầu Tràng Tiền mộng mơ. Huế cũng có 5 kỳ tổ chức trại sáng tác điêu khắc Festival Huế, với số lượng tượng nhiều, người ta đem bày xúm xít bên bờ sông Hương. Nhưng do quản lý, bảo vệ kém, nhiều tượng bị kẻ vô lương, lòng tham vô đáy đã thẳng tay chặt chém, cưa đục, phá vỡ chỉ vì mấy cân sắt, cân đồng.

Công viên Tao Đàn, Q1, TP. Hồ Chí Minh, hàng chục tượng sắp đặt, bố cục chen chúc lộn xộn, nhếch nhác bên cạnh khu mộ cổ của một dòng họ nào đó tạo cảm giác như một bãi tha ma lạnh lẽo, vô cảm.

Nói về tượng, xin được bàn thêm, Hà Nội đã có tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đặt tại vườn hoa Hàng Đậu rất đúng chỗ, xứng tầm với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Còn bức tượng cùng tên đặt tại đền Bà Kiệu đã làm tròn sứ mạng lịch sử từ lâu rồi thì nên “cất” đi. Điều đó càng thể hiện tấm lòng trân trọng người nghệ sĩ đã sáng tạo nên tác phẩm ghi lại dấu ấn một thời “ngàn năm chưa dễ đã ai quên”. Trong nghệ thuật kỵ nhất là thừa và “trùng lặp”.

Trong khi các sân golf, vườn sinh thái phát triển hoành tráng, tràn lan, thì các nhà điêu khắc thiếu mặt bằng trưng bày tác phẩm nghệ thuật mà họ sáng tạo, đánh đổi bằng chính mồ hôi, nước mắt, cả máu của mình. Quả là mâu thuẫn và phi lý? Câu trả lời thuộc các nhà quản lý.

Lê Sĩ Tứ

 

 


Ý kiến của bạn