Đó là một trong những nội dung được nêu trong Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành.
Trong đó, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục sản xuất, phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện.
Bộ GD&ĐT cần phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em", bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khó khăn có đủ điều kiện học tập trực tuyến.
Về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em, Bộ Y tế vừa có văn bản về việc mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Đến nay, hàng triệu học sinh trong số hơn 22 triệu học sinh cả nước đã dừng đến trường được hơn 5 tháng, trong đó có hơn một tháng học online liên tục chương trình năm học mới.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 8/10, có 23 tỉnh, thành đã cho phép 100% học sinh các cấp đến trường, 10 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, 30 tỉnh thành cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình. Như vậy, so với đầu năm học và 2 tuần trước, số địa phương cho học sinh đến trường giảm 2 tỉnh, thành; có thêm 6 địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Bộ GD&ĐT sẵn sàng phương án phải kéo dài năm học
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để bù đắp kiến thức cho học sinh khi mở cửa lại trường học, giải pháp đầu tiên được Bộ GD&ĐT tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp. Giải pháp thứ hai, khi học sinh trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh.
"Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chính phủ ban hành bốn cấp độ thích ứng an toàn với COVID-19