Những vụ bê bối thực phẩm tồi tệ nhất Trung Quốc

22-08-2011 07:28 | Thời sự

Năm 2008, có 6 trẻ em bị thiệt mạng và trên 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ vì ăn phải sữa nhiễm độc melamin, hoá chất thường được dùng trong các ngành công nghiệp.

Theo tờ Telegraph của Anh thì trong những năm gần đây, toà án Trung Quốc đã đưa ra xét xử nhiều vụ bê bối nghiêm trọng liên quan đến an toàn thực phẩm, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, làm chết người, phát sinh bệnh tật và làm suy giảm niềm tin.

Sữa nhiễm melamin

Năm 2008, có 6 trẻ em bị thiệt mạng và trên 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ vì ăn phải sữa nhiễm độc melamin, hoá chất thường được dùng trong các ngành công nghiệp. Phần lớn là sản phẩm của tập đoàn Tam Lộc ở tỉnh Hà Bắc. Cảnh sát đã thu giữ trên 222kg melamin, hóa chất được giới buôn bán gọi là “bột protein”, nó không chỉ có trong sữa mà còn được người ta pha vào nhiều sản phẩm khác như bánh quy, trà sữa lipton... (ảnh 1).
 
Giá đỗ nhiễm độc

Tháng 4/2011, cảnh sát thành phố Thẩm Dương, miền Đông Bắc Trung Quốc đã thu giữ khoảng 40 tấn giá đỗ nhiễm độc. Để tạo ra sản phẩm này, người ta đã dùng Nitơrát natri (Sodium nitrate), urê, các chất kháng sinh và một loại hormon tăng trưởng thực vật có tên là 6-benzyladenin khiến cho giá đỗ lớn nhanh, bụ bẫm, bóng bẩy và ngon mắt. Trong số các chất trên, nitơrát natri cản trở vi khuẩn trong thực phẩm phát triển nhưng khi phản ứng với axít  dạ dày có thể tạo ra tác nhân gây ung thư, còn hormon tăng trưởng 6-benzyladenin cũng rất độc nên đã bị cấm sử dụng từ lâu.

Ðậu đũa nhiễm thuốc trừ sâu

Tháng 3/2010, cảnh sát và cơ quan quản lý thị trường thành phố Vũ Hán đã tiến hành thu giữ và tiêu hủy trên 3,5 tấn đậu đũa nhiễm thuốc trừ sâu có tên là isocarbophos với dư lượng từ 0,14-0,17mg/kg. Loại thuốc trừ sâu này đã bị cấm từ lâu nhưng người ta vẫn ngấm ngầm sử dụng, sản phẩm đậu nói trên có nguồn gốc từ thành phố Tam Á (Sanya). Tại thành phố Tam Á, thuốc trừ sâu Isocarbophos được bán với giá 9 nhân dân tệ/chai, rẻ hơn so với thuốc được phép lưu thông và có tác dụng tương tự, giá 50 nhân dân tệ/chai nên nông dân ham rẻ mua Isocarbophos nhằm thu lại lợi nhuận cao hơn. (ảnh 2)

Sữa da thuộc

Tháng 2/2011, tại thị trường Trung Quốc xuất hiện một sản phẩm lạ gây chấn động dư luận,  sữa nhiễm độc, sử dụng protein da thuộc thủy phân và cũng giống như melamin, nó có tác dụng làm tăng giả tạo hàm lượng protein trong sữa để đánh lừa người tiêu dùng.

Bánh bao “nhôm”

Ngay sau khi có tin đồn rằng gạo của Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng, Cơ quan y tế ở Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc đã thử nghiệm 696 mẫu thực phẩm được làm từ bột mì, bột gạo, gồm cả bánh bao lẫn bánh hấp. Kết quả, gần 1/3 (28%) mẫu bánh có nồng độ nhôm có trong bột nở vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn quốc gia quy định.

Thịt heo phát sáng

Tháng 3/2011, tại Trung Quốc, người ta lại kháo nhau về sự kiện thịt heo phát sáng màu xanh kỳ lạ, óng ánh trong đêm tối, nhiều người đã ví đây là thịt  “Avatar”, giống như cảnh trong phim của Mỹ. Mặc dù Sở Y tế Thượng Hải khẳng định thịt lợn này bị nhiễm một loại vi khuẩn nên gây phát sáng, khi ăn nên nấu kỹ, nhưng xem ra kết luận trên vẫn không trấn an được dư luận bởi nó chứa đựng nhiều điều nguy hiểm, nhất là rủi ro gây ung thư mà người ta không dám ăn.

Bột thịt nạc

Cuối tháng giêng 2011, người tiêu dùng Trung Quốc lại gặp phải một phen hú vía nữa, vụ thịt lợn nhiễm chất “bột thịt nạc” Clenbuterol xuất hiện tràn lan trên thị trường. Theo hãng tin AP của Pháp, có rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ ở Trung Quốc đã trộn “bột thịt nạc” (lean meat powder) có tên là Clenbuterol, phụ gia độc hại đã bị cấm sử dụng từ lâu vào thức ăn chăn nuôi để làm cho lợn lớn nhanh, đốt mỡ và nhiều nạc. Theo Cơ quan An toàn thực phẩm Thượng Hải thì vụ mới nhất xảy ra cuối tháng 3/2011 còn trước đó, giai đoạn từ năm 1998 - 2007, cơ quan chức năng đã phát hiện 18 vụ ngộ độc clenbuterol liên quan đến thịt lợn.

Hộp đựng thực phẩm nhiễm độc

Tháng 4/2010, tại khu vực phía Đông thuộc tỉnh Giang Tây, các cơ quan chức năng đã thu giữ  hơn 7 triệu hộp xốp chứa thực phẩm sử dụng một lần bị nhiễm độc. Tại Trung Quốc, từ năm  1999, các loại hộp xốp dùng để chứa thực phẩm đã bị cấm bởi có chứa nhiều chất độc nguy hiểm,  nhất là khi dùng chứa thực phẩm nóng, nó sẽ tiết ra các hóa chất độc hại gây phá hủy gan, thận và bộ phận sinh sản của cơ thể.

Dầu ăn “tái chế” từ... cống rãnh

Tháng 3/2010, một giáo sư Đại học Bách khoa Vũ Hán (UPWW) đã tiến hành cuộc điều tra bí mật và phát hiện thấy cứ 10 món ăn tại Trung Quốc thì có 1 món được nấu bằng dầu tái chế. Đáng sợ là chúng lại được “sản xuất” từ chất thải cống rãnh của các nhà hàng. Cục Quản lý Thực - dược  Trung Quốc đã ban hành tình trạng khẩn cấp trên cả nước và ra lệnh điều tra về vụ bê bối này. Kỹ thuật sản xuất và các thiết bị tinh lọc tiên tiến khiến cho người mua khó phân biệt được đâu là dầu chính hiệu và đâu là dầu tái chế.

Gạo “cadmium”

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu do các chuyên gia ở ĐH Nông nghiệp Nam Kinh (NAU) công bố hồi trung tuần tháng 2/2011 trên một số tạp chí và các báo lớn như New Century,  China Daily và Global Times thì từ năm 2007, nhóm nghiên cứu ở NAU đã thử nghiệm hơn 100 mẫu gạo bán tại 6 khu vực Hoa Đông, Đông Bắc, Hoa Trung, Tây Nam, Hoa Nam và Hoa Bắc và phát hiện thấy  10% số mẫu có hàm lượng cadmium vượt quá ngưỡng cho phép. Tờ China Daily còn dẫn lời giáo sư Phan Căn Hưng, trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay nguyên nhân gạo nhiễm độc là do canh tác tại các chân ruộng bị ô nhiễm các chất thải công nghiệp.

KHẮC NAM (Theo Net/Telegraph, 8/2011


Ý kiến của bạn