Những vụ bạo lực học đường gây rúng động nhất trong năm 2024
Ngày 23/12, mạng xã hội lan truyền 2 clip, ghi cảnh một nhóm học sinh mặc đồng phục thể dục in tên Trường THCS-THPT Phú Quới (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đánh hội đồng lần lượt 2 nữ sinh khác mặc đồng phục giống của trường THCS Lộc Hòa. Nhóm học sinh tập trung ở khu vực vắng vẻ, lần lượt túm tóc kéo ngã 2 nữ sinh khác và đấm đá liên tục vào người. Cặp nữ sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu nằm dưới nền gạch chịu trận nhưng không ai can ngăn.
Ngày 6/12, nữ sinh L.V.G.N. trú tại thôn Thanh Sơn, xã Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị nhóm bạn cùng trường đánh gãy đốt sống cổ. Kết quả giám định, cho thấy, em bị tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 23%. Từ ngày bị nhóm bạn đánh hội đồng, nữ sinh N. chưa thể đến trường vì sức khỏe còn yếu, phải cố định phần cổ.
Trước đó, chiều 5/10, trên đường đi học về, L.V.G.N. (SN 2008, là học sinh lớp 11A6, Trường THPT Nông Cống 2) thấy có nhóm học sinh đánh nhau nên vào can. Trong lúc can ngăn, N. bất ngờ bị nhiều nữ sinh xông vào "đánh hội đồng". Theo một số đoạn clip gia đình cung cấp, em N. bị nhiều nữ sinh khác cầm mũ bảo hiểm đập mạnh vào đầu, cổ và đạp vào người. Hậu quả, em N. bị đa chấn thương, phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ xác định nữ sinh N. bị thương nặng, bị gãy đốt sống cổ. Cơ quan công an xác định có khoảng 6 học sinh liên quan.
Tối 28/11, em Đ.P.V.S., học sinh lớp 10 Trường THPT An Biên, bị một nhóm học sinh lớp 9 tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên (Kiên Giang) đánh hội đồng dẫn đến phải nhập viện.
Sáng 11/11, sau buổi chào cờ tại trường, T.C.U. (học sinh lớp 9) cùng bạn là N.X.Th. (lớp 8) xảy ra mâu thuẫn với D.T.K.T. và T.T.T.Tr. (đều là học sinh lớp 9 cùng trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Đắk Mil, Đắk Nông). Em U. dùng vật sắc nhọn như dao đâm em T. khoảng 7 - 8 nhát khiến em này gục tại chỗ. Còn Th. lao vào đâm em Tr. gây thương tích. Hai nữ sinh được đưa đến trung tâm y tế cấp cứu.
Chiều 25/10, trên mạng xã hội lan truyền clip một nam sinh Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội ngồi thụp tại một góc hành lang và bị nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip, khiến nhiều người phẫn nộ. Tất cả các nam sinh trong clip này đều là học sinh cùng lớp.
Chiều 20/10, nữ sinh lớp 7/3 Trường THCS Ngô Gia Tự (xã An Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) bị nhóm bạn cùng trường dẫn ra cánh đồng sau trường, vùi em xuống đất đánh đập tập thể, quay video lột đồ. Chiều hôm sau, nhóm này chờ em ra vị trí cũ, tiếp tục đánh đập, vùi xuống bùn đất, giật tóc, lột quần áo của em.
Tối 19/10, do mâu thuẫn từ trước, một nam sinh của Trường THCS Anh Xuân (huyện Nam Đàn, Nghệ An) bị bạn cùng trường ép ngồi xuống bốc đất bỏ vào miệng, sau khi ăn hết nắm đất đầu tiên, nam sinh này bị bắt tiếp tục hút thuốc lá.
Ngày 18/10, hai học sinh Trường THPT Tuyên Hóa (Quảng Bình) mâu thuẫn với nhau dẫn đến xô xát. Học sinh T.P. lớp 11A1 đã đánh học sinh T.V.T. lớp 11A4. Em T. phải đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện với triệu chứng đau vùng đầu, vùng ngực, phía dưới mắt trái bầm tím.
Sáng 17/10 tại Trường THPT An Thới (Huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), một nam lớp 10 bị đánh hội đồng ngay trong lớp phải nhập viện.
Ngày 11/4, một nữ sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải được bạn rủ đi chơi và chở đến đoạn gần nhà thờ Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thì bị ba nữ sinh lao vào đánh hội đồng. Vài ngày sau, nữ sinh ho ra máu, đau bụng, buồn nôn, đầu bị sưng nên được đưa vào bệnh viện và được chẩn đoán bị chấn động não. Theo tường trình của học sinh quay video, nguyên nhân vụ đánh nhau là do nạn nhân nói xấu nữ sinh lớp 8.
Cần có hệ thống sàng lọc học sinh có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường
Theo báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT nhận định tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, gây bức xúc trong dư luận. Đây là một trong những tồn tại của ngành mặc dù thời gian qua đã có những giải pháp để ngăn chặn, kiềm chế vấn nạn này.
Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có hệ thống sàng lọc những học sinh có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Công tác theo dõi, dự báo, các chương trình định kỳ thường xuyên để giúp cha mẹ, học sinh và giáo viên nhận diện được những hành vi bắt nạt, cách thức ứng xử phù hợp… Trong đó, người lớn phải làm gương. Cùng với đó kết hợp với các tổ chức xã hội để ngăn chặn và loại trừ những tội phạm bạo lực diễn ra xung quanh trường để kiến tạo một môi trường học đường an toàn hơn cho các em.