1. Bị viêm nguy hiểm thế nào?
Viêm là tình trạng thường xuyên diễn ra ở cơ thể. Hệ miễn dịch tạo ra hiện tượng viêm để bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương, nhiễm trùng hay bệnh tật.
Viêm được chia làm hai loại: Viêm cấp tính và viêm mạn tính dựa trên thời gian diễn ra của bệnh. Viêm cấp tính xảy ra nhanh chóng và kết thúc trong một thời gian ngắn, trong khi đó viêm mạn tính sẽ tồn tại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nếu như hệ miễn dịch không đủ để chống lại các tác nhân gây bệnh ban đầu.
Khi cơ thể bị thương hoặc gặp phải tác nhân gây viêm, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để sửa chữa và tái tạo vết thương nhằm đưa cơ thể về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm mạn tính không được kiểm soát sẽ góp phần gây ra các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư, bệnh Alzheimer...
2. Vitamin nào giúp chống viêm?
2.1. Vitamin C
Vitamin C là một trong những chất tăng cường hệ thống miễn dịch tốt nhất trong tất cả các loại vitamin thiết yếu. Vitamin C là một chất chống ôxy hóa rất mạnh, hỗ trợ hệ miễn dịch tấn công vi khuẩn và virus. Sự nhiễm trùng cấp tính làm suy giảm lượng vitamin C trong các bạch cầu, nhất là lymphocyte, dẫn đến thiếu hụt vitamin C. Dó đó, việc bổ sung thường xuyên là điều cần thiết để có sức khỏe tốt vì cơ thể không tự sản xuất ra loại vitamin này.
Theo khuyến cáo, nhu cầu và lượng vitamin C hằng ngày là 90 mg với nữ và 75 mg với nam. Vitamin C có trong rất nhiều loại thực phẩm như: Bông cải xanh, cam, bưởi, dâu tây, cà chua,...
2.2. Vitamin A
Vitamin A có tác dụng giữ cho hệ thống miễn dịch ở trạng thái cân bằng, không hoạt động quá mức để dẫn đến viêm.
Vitamin A có 2 dạng tồn tại, bao gồm tiền vitamin A và vitamin A. Cả 2 dạng đều đóng vai trò là một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do gây hại. Tiền vitamin A (beta-carotene, alpha-carotene và beta-cryptoxanthin) có đặc tính chống oxy hóa. Carotenoids chống lại các gốc tự do, các phân tử phản ứng cao có thể gây hại cho cơ thể của bạn bằng cách tạo ra stress oxy hóa. Stress oxy hóa có liên quan đến các bệnh mãn tính khác nhau như tiểu đường, ung thư, bệnh tim và suy giảm nhận thức.
Những nguồn thực phẩm giàu vitamin A tốt cho sức khỏe bao gồm cà rốt, rau cải thìa, cải xoăn, rau bina và các loại rau ăn lá...
2.3. Vitamin nhóm B
Những bệnh nhân thiếu hụt vitamin B6 thường sẽ có nồng độ protein phản ứng C (CRP) cao. Đây là một hợp chất có khả năng gây ra chứng viêm, nhất là ở các bệnh viêm dưới dạng tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể sử dụng một số thực phẩm giàu vitamin B như cải xoăn, nấm, ớt chuông, dưa đỏ, cá ngừ và các loại thịt gia cầm.
Ngoài ra, vitamin B còn có một dạng khác là folate, do đó bạn có thể bổ sung axit folic hằng ngày với liều lượng thấp để làm giảm viêm bằng các thực phẩm như gan, măng tây, rau lá màu xanh đậm...
2.4. Vitamin D
Phản ứng quá mức của hệ miễn dịch cơ thể là nguyên nhân gây ra mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh do virus như cúm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin D điều chỉnh cấu hình cytokine của bệnh tự miễn thông qua việc hạn chế sản xuất quá nhiều cytokine tiền viêm, chẳng hạn như TNF và interleukin-12, và do đó dẫn đến ức chế viêm.
Vì vậy, nếu cơ thể đủ lượng vitamin D sẽ có thể bảo vệ và kiểm soát hiệu quả các mầm bệnh khác nhau, đặc biệt là ký sinh trùng, động vật nguyên sinh và một số bệnh nhiễm nấm, đồng thời ngăn chặn các phản ứng viêm của cơ thể. Ngoài nguồn vitamin D tự nhiên có sẵn trong ánh nắng mặt trời, có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm như cá, lòng đỏ trứng, sữa...
2.5. Vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đây là một trong những chất dinh dưỡng hiệu quả nhất cho chức năng miễn dịch, vì giúp giữ cho các tế bào T trong cơ thể hoạt động với hiệu suất cao nhất.
Trong tự nhiên, thực phẩm giàu vi chất này có thể được tìm thấy ở trong các loại hạt như hạt hướng dương và hạt hạnh nhân. Một số loại trái cây và rau như quả bơ và rau chân vịt cũng rất giàu vitamin E. Vitamin E khá an toàn đối với cơ thể con người. Vitamin E dư thừa sẽ được cơ thể nhanh chóng đào thải ra ngoài, hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe, không có tác dụng phụ khi sử dụng đúng liều.
3. Khi nào cần dùng chất bổ sung chống viêm?
Nếu trong trường hợp người bệnh không hấp thụ đủ lượng vitamin cần thiết qua chế độ ăn, sẽ cần sử dụng các chất bổ sung. Tuy nhiên, việc sử dụng loại vitamin nào, liều lượng cách thức ra sao cần có chỉ định của bác sĩ. Bởi mặc dù là vitamin nhưng nếu dùng quá liều cũng có thể gây độc hại cho cơ thể.
- Dùng quá liều vitamin A có thể gây vàng da, nhức đầu, đau bụng, nôn, chóng mặt…
- Việc dùng vitamin C liều cao lâu ngày, có thể tạo sỏi oxalat (do dehydroascorbic chuyển thành acid oxalic), hoặc sỏi thận urat, đi lỏng, rối loạn tiêu hóa, giảm độ bền hồng cầu.
- Nếu bổ sung quá nhiều vitamin B có thể gặp một số triệu chứng như: Mờ mắt, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiểu nhiều,…
- Khi sử dụng vitamin D liều cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D, làm đau đầu, chóng mặt, chán an, khô miệng, chuột rút, táo bón, buồn nôn, đau cơ, đau xương, tổn thương thận, tăng huyết áp...
- Trung bình, một người trưởng thành cần khoảng 100 - 400 IU vitamin E/ngày. Nếu sử dụng vitamin E liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, phát ban.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu cơ thể thừa vitamin D.