Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Những việc tuyết đối không làm khi trẻ bị sốt xuất huyết
- Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.
- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.
- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
- Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.
Sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
- Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Oresol (pha theo đúng liều lượng), nước lọc, nước cam, nước dừa…
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.
Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho trẻ và cả gia đình, cha mẹ cần:
- Diệt loăng quăng bọ gậy.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng Thu dọn các đồ vật có đọng nước quanh nhà như: Vỏ đồ hộp, chai lọ, … Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.
- Tránh trẻ bị muỗi đốt.
- Ngủ màn kể cả ban ngày.
- Không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt.
- Nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi.
Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến viện
- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan.
- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ.
- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh.
- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ).
- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.
Trẻ hết sốt đã khỏi sốt xuất huyết chưa?
Cha mẹ cần lưu ý: Trẻ hết sốt không đồng nghĩa với việc trẻ đã khỏi bệnh sốt xuất huyết. Giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh thường là sau khi trẻ bắt đầu hết sốt. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần phải trải qua 3 giai đoạn để phục hồi hoàn toàn. Để biết khi nào trẻ đã khỏi bệnh, phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu sau:
- Trẻ đi tiểu nhiều hơn: trong giai đoạn sốt, trẻ ít đi tiểu do mất nước trầm trọng. Nếu sau vài ngày điều trị, trẻ thường xuyên đi tiểu hơn, có thể cho thấy trẻ sắp khỏi bệnh.
- Trẻ đỡ mệt mỏi: trong giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi. Khi trẻ bắt đầu trở lại tinh thần, ăn uống tốt hơn, cha mẹ có thể tin rằng trẻ sắp khỏi bệnh.
- Các nốt xuất huyết mờ dần và giảm kích thước.
- Không xuất hiện nốt ban mới.