Hà Nội

Những việc nên và không nên làm sau khi chuyển phôi

15-08-2022 10:43 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Chuyển phôi được xem là thủ thuật vô cùng quan trọng trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhằm đưa phôi thai vào tử cung người mẹ để phát triển thành thai nhi khỏe mạnh. ThS.BS Trịnh Văn Du - Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BV Bưu điện có những tư vấn hữu ích giúp bạn chăm sóc sức khỏe sau chuyển phôi.

Sau chuyển phôi, tỷ lệ thành công cao hay không phụ thuộc vào chất lượng phôi, khả năng làm tổ của phôi và chất lượng niêm mạc tử cung. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn băn khoăn nhiều vấn đề, chủ yếu là những điều nên tránh, nghỉ ngơi như thế nào là hợp lý, phải làm gì để tăng tỷ lệ thành công.

Một số vấn đề lưu ý được liệt kê dưới đây nhằm giúp bạn hiểu được điều gì đã, đang và sẽ diễn ra, có thể gặp phải sau chuyển phôi.

1. Thay đổi của cơ thể khi chuyển phôi

Sau chuyển phôi, các triệu chứng mà bạn gặp phải tùy thuộc vào cơ địa của từng người, không ai giống ai, thậm chí khác nhau giữa các lần mang thai (nếu bạn đã từng có thai trước đây) nên bạn cũng không nên quá lo lắng nếu không thấy dấu hiệu hay triệu chứng nào xuất hiện.

Không phải tất cả các bệnh nhân sau chuyển phối đều cảm nhận được các triệu chứng hoặc dấu hiệu và điều này không thể dự đoán được kết quả của chu kỳ chuyển phôi. Các triệu chứng phổ biến nhất sau khi chuyển phôi mà bệnh nhân thường gặp có thể là do bắt dầu có thai hoặc do các loại thuốc hỗ trợ mà bạn đang dùng. Nói cách khác, các triệu chứng này không giúp tiên lượng kết quả của chu kỳ điều trị của bạn thành công hay thất bại. Một số triệu chứng thường gặp:

- Tăng tiết dịch âm đạo: Trong những ngày đầu sau chuyển phôi do tác dụng của progesterone đặt âm đạo gây tăng tiết dịch. Đây là hiện tượng bình thường.

- Ra máu: Ra một vài 1 giọt máu nâu có thể gặp do catheter chuyển phôi đi qua cổ tử cung để đưa phôi vào buồng tử cung. Triệu chứng này thường hết 2-3 ngày sau chuyển phôi.

- Căng ngực: Thay đổi về vú do các nội tiết mà bạn sử dụng trước chuyển phôi (estrogen và progesterone).

- Nôn và buồn nôn: Thường gặp do nồng độ nội tiết trong cơ thể bạn tăng cao.

- Đi tiểu nhiều hơn bình thường do nồng độ hCG tăng (hCG do có thai hoặc sau khi tiêm hCG để gây trưởng thành noãn).

- Khó chịu vùng bụng và lưng: Có thể gập đau lâm râm bụng dưới và mỏi lung do thay đổi của nội tiết sau khi kích trứng và chuẩn bị nội mạc tử cung.

Những việc nên và không nên làm khi chuyển phôi - Ảnh 3.

Giữ tinh thần luôn ở trạng thái tích cực góp phần vào sự thành công của chu kỳ điều trị.

2. Những việc nên và không nên làm sau chuyển phôi

Có rất nhiều khuyến nghị cần tuân thủ, tuy nhiên điều quan trọng nhất cần làm là bạn cứ sinh hoạt như bình thường, cố gắng không để bản thân quá ám ảnh về việc mang thai, giảm căng thẳng tâm lý. Sau đây là những lời khuyên cơ bản mà mỗi bệnh nhân sau chuyển phôi nên tham khảo thực hiện:

Nghỉ ngơi

Sau chuyển phôi bạn nên nằm nghỉ khoảng 30 phút tại bệnh viện, đây là khoảng thời gian hợp lý, nằm lâu hơn là không cần thiết. Sau đó bạn có thể di chuyển về nhà và sinh hoạt một cách bình thường.

Hoạt động hàng ngày

Ngoại trừ vận động mạnh như chơi thể thao hay mang vác nặng, sinh hoạt hàng ngày của bạn sau chuyển phôi như đi ra ngoài, đi bộ, lái xe hay thậm chí là đi làm như bình thường. Việc leo cầu thang cũng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể gây nên giảm tỉ lệ có thai như nhiều người vẫn nghĩ.

Uống nước

Bạn nên uống đủ 2,5-3 lít nước/ngày, tăng lượng nước uống khi thời tiết nóng, việc đi tiểu nhiều không ảnh hưởng đến việc có thai.

Quan hệ tình dục

Bạn có thể quan hệ tình dục nhẹ nhàng sau chuyển phôi trữ, trong trường hợp chuyển phôi tươi nếu có căng tức bụng dưới thì nên kiêng quan hệ cho đến khi tình trạng này giảm hết.

Ngâm nước

Bạn không nên ngâm mình trong nước nóng (tắm bồn các loại), bơi lội hoặc tắm biển để tránh viêm nhiễm.

Dùng thuốc

Bạn chỉ nên dùng các loại thuốc được kê đơn bởi bác sĩ điều trị trực tiếp của bạn, không nên tự ý dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng khác vì không biết rõ cơ chế tác dụng của các loại thuốc - thực phẩm này.

Thông thường bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc hỗ trợ hoàng thể progesterone đến khoảng tuần 11-12 của thai kỳ. Sau đó bác sĩ có thể quyết định giảm liều hoặc ngưng thuốc do rau thai đã phát triển đủ để nuôi thai mà không cần bổ sung thêm.

Cần chú ý, trên thế giới cũng như ở Việt Nam không có thuốc gì làm tăng beta hCG như lời đồn thổi trên mạng. Thuốc chống đông máu tiêm rốn là thuốc điều trị kê đơn, cần được bác sĩ kê mới được phép dùng và không phải cứ dùng thuốc này là giúp tỉ lệ có thai tăng lên ở tất cả các bệnh nhân.

Việc tự ý xét nghiệm gen đông máu tại nhà hoặc nhà trọ cũng rất không cần thiết và chỉ gây tốn kém thêm kinh tế và tổn thất kinh tế cho người bệnh.

Giữ tinh thần luôn ở trạng thái tích cực

Sự lạc quan có thể tạo ra sự khác biệt sau khi chuyển phôi. Bạn nên tránh căng thẳng, lo lắng và không nên để bản thân quá ám ảnh về kết quả. Những điều này góp phần vào sự thành công của chu kỳ điều trị. Bạn có thể chọn cho mình những hoạt động giải trí nhẹ nhàng, phù hợp, điều này rất có ích vì nó giúp bạn không phải suy nghĩ quá mức. Các bài tập thiền và yoga nhẹ có thể có ích cho bạn trong việc cân bằng lại tinh thần...

Hạnh phúc làm mẹ ở tuổi gần 50, đón con yêu khỏe mạnhHạnh phúc làm mẹ ở tuổi gần 50, đón con yêu khỏe mạnh

SKĐS - Hơn hai năm đương đầu với đại dịch COVID-19 khiến hành trình đi tìm con yêu của không ít cặp vợ chồng bị gián đoạn...


ThS.BS Trịnh Văn Du
Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BV Bưu điện
Ý kiến của bạn