Tỷ lệ người mắc đột quỵ ngày càng tăng và trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ ở người trẻ là do tăng huyết áp xuất phát từ việc sống thiếu khoa học.
Theo BSCKII Nguyễn Tiến Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai), để phòng ngừa đột quỵ người dân cần thay đổi lối sống nhằm giảm các yếu tố nguy cơ và thăm khám định kỳ, tuân thủ điều trị.
Có một số thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng lại giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.
Duy trì thói quen tập thể dục giúp phòng ngừa đột quỵ
Việc duy trì tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 buổi/tuần giúp kiểm soát tình trạng huyết áp và tốt cho những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu... Mỗi ngày, bạn có thể duy trì tập luyện từ 30 phút đến 1 tiếng với cường độ vừa phải. Một số bộ môn được khuyến khích lựa chọn là: đạp xe, đi bộ, yoga…
Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, thuốc lào
Việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ. Bởi nicotine trong thuốc lá làm tăng tình trạng tăng huyết áp, hơn nữa khói thuốc cũng là yếu tố gây xơ vữa động mạch. Còn các chất có trong rượu bia là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng nhịp tim.
Ăn uống lành mạnh
Việc duy trì chế độ ăn uống khoa học là cách để giảm nguy cơ đột quỵ. Cần hạn chế các loại đồ ăn khiến cơ thể dư thừa chất béo: đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, mỡ nội tạng động vật... Bạn nên cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày bằng cách hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói. Nên duy trì chế độ ăn nhạt (dưới 5g muối/ngày). Bên cạnh đó nên tăng cường trái cây và rau xanh trong khẩu phần ăn, ăn đủ chất. Bạn cần uống đủ nước mỗi ngày, chia làm nhiều lần uống, không để tình trạng khát nước mới uống.
Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng là cách để bạn kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân béo phì – một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Giữ sức khỏe tinh thần
Lối sống thiếu khoa học kèm theo làm việc quá sức, áp lực công việc, lười vận động là một trong những nguy cơ gây đột quỵ ở người trẻ. Việc bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế stress, căng thẳng trong cuộc sống là cách để giảm nguy cơ đột quỵ. Bạn cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng mỗi ngày, không thức khuya. Khi thời tiết lạnh nên ngủ trong phòng có nhiệt độ từ 20 độ C trở lên và tránh tắm muộn sau 21 giờ.
Tuân thủ chế độ điều trị
Với những người có bệnh lý nền cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc và thăm khám định kỳ. Người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu đạt mục tiêu để giảm các nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Những người mắc tăng huyết áp nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, còn những người bình thường nên kiểm tra huyết áp định kỳ để sớm phát hiện tăng huyết áp. Bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần để sớm phát hiện các bất thường của cơ thể.
Xem thêm video được quan tâm:
Giảm cơn tăng huyết áp với những cách làm đơn giản! | SKĐS