Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não

15-09-2013 07:28 | Phòng mạch online
google news

Khi có nạn nhân bị chấn thương vùng đầu (hay gọi chấn thương sọ não), người bệnh thì lo lắng, người nhà thì sốt ruột, tất cả đều mong được chụp CT sọ não ngay sau chấn thương. Nhưng thực ra, còn rất nhiều điều quan trọng đáng làm hơn lúc này.

Khi có nạn nhân bị chấn thương vùng đầu (hay gọi chấn thương sọ não), người bệnh thì lo lắng, người nhà thì sốt ruột, tất cả đều mong được chụp CT sọ não ngay sau chấn thương. Nhưng thực ra, còn rất nhiều điều quan trọng đáng làm hơn lúc này.

Chụp CT không phải là nhất

Chấn thương sọ não là một tai nạn thuộc hàng phổ biến trong sinh hoạt giao thông và lao động hàng ngày. Chúng ta cần phải lưu ý tới chấn thương sọ não vì hai lý do rất thực tế. Lý do 1, não bộ là cơ quan tối quan trọng, não bộ bị tổn thương thì có thể thiệt hại tính mạng. Đó là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của con người. Lý do 2, não bộ dễ bị biến chứng. Nếu không chú ý, nạn nhân có nguy cơ bị biến chứng vĩnh viễn như liệt, nói ngọng, rồi loạn tâm thần, suy giảm chức năng cao cấp của thần kinh trung ương...

Chấn thương sọ não là cụm từ chỉ tất cả mọi chấn thương, vết thương nằm trên vùng sọ não. Chúng ta có thể gặp chấn thương sọ não khi đầu bị va đập vào thứ gì đó, gặp trong nhiều tình huống như ngã từ độ cao, va quệt giao thông, vật nặng rơi vào đầu, vật cứng đập vào đầu...

Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não 1
 Cơ chế chấn thương sọ não.

Cách phân loại chấn thương sọ não

Đơn giản và hữu ích nhất đó là phân loại theo dạng thức tổn thương. Có 3 loại cơ bản: chấn động não, đụng giập não và máu tụ nội sọ.

Chấn động nãolà tình trạng não bộ bị xê dịch, rung lắc quá mạnh do va đập dẫn đến những vi tổn thương. Thường ảnh hưởng đến tuần hoàn và dịch ngoại bào giữa các khoang tế bào thần kinh. Đây là thể bệnh nhẹ nhất.

Đụng giập nãolà tình trạng tế bào não bị giập một phần. Các vùng này có tổ chức não bị phù nề, nhiều tế bào thần kinh rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết. Thể bệnh này nặng hơn.

Nếu các ngày sau đó, người bệnh có một trong các dấu hiệu sau đây thì cần đi viện ngay và tính tới khả năng nặng lên.

- Đau đầu tăng dần

- Ý thức xấu dần

- Nôn tăng dần

Máu tụ nội sọlà thể bệnh nặng nhất. Bạn có thể nghe thấy bác sĩ nói chảy máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não, trong não thất... thì tất cả đó đều ám chỉ tình trạng máu tụ nội sọ. Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất, có thể gây tử vong ngay tức thì nếu ổ chảy máu quá nhiều và quá lớn.

Có một thực tế dễ nhận thấy, đó là cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngay khi bị chấn thương sọ não, đều khẩn thiết yêu cầu chụp CT sọ não mặc dù giá thành xét nghiệm này không hề rẻ. Chúng ta thường quan niệm, chụp để xem có bị sao và coi đó là tiêu chuẩn vàng cho người thân của mình.

Nhưng thực tế cho thấy, chụp CT sọ não để quyết định dạng thức tổn thương không phải là tiêu chí quan trọng nhất. Và đó không phải là việc làm duy nhất lúc này có lợi cho bệnh nhân.

Điều này nghe có vẻ phi lý, song đúng là như vậy. Vì có những dạng tổn thương của chấn thương sọ não không dễ gì phát hiện ra ngay được nếu tiến hành chụp CT sọ não sau chấn thương. Ví dụ như máu tụ nội sọ ổ nhỏ, chảy máu rỉ rả. Nếu tiến hành chụp ngay sau chấn thương, có thể chúng ta không thu được hình ảnh tổn thương nào và dễ có một thái độ chủ quan nhầm là không bị nặng. Nhưng bản chất thì ẩn chứa bên trong không được bộc lộ. Nếu không cẩn thận, người bệnh vận động mạnh thì có thể bị bất tỉnh bất ngờ.

Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não 2
 Chấn thương sọ não gây xuất huyết não.

Vậy đâu mới là điều quan trọng nhất trong chấn thương sọ não và nếu tiến hành chụp CT sọ não thì tiến hành vào lúc nào?

Điều quan trọng nhất với chấn thương sọ não là quan sát các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân. Bao gồm: tình trạng chảy máu (ổ vết thương hoặc chấn thương), tình trạng thức tỉnh hay không tỉnh, có đau đầu không, có nôn hay không? Nếu như người bệnh không có các triệu chứng nặng ở trên thì có thể tạm thời chưa có bệnh nặng. Việc chụp CT không thực sự cần thiết. Và việc cần ưu tiên là cho theo dõi nạn nhân.

Nhưng việc chụp CT phải được tiến hành ngay nếu bệnh nhân có triệu chứng xấu dần, tăng dần hoặc có toàn bộ hình ảnh trên một cách đột ngột và đầy đủ

Những việc cần làm

Vì việc chụp CT sọ não không thực sự cần thiết phải tiến hành ngay nên chúng ta có thể trì hoãn. Thay vì việc phải đưa bệnh nhân bằng được lên tuyến trên hoặc các cơ sở lớn có máy chụp CT thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa gần nhất, có khoa chấn thương, khoa ngoại thần kinh hoặc có phòng hồi sức cấp cứu để được khám và chẩn đoán sơ bộ. Từ đây, bác sĩ sẽ đưa ra những phán đoán rất chính xác và hướng dẫn bạn tận tình các công việc cần làm tiếp theo với chi phí rẻ hơn rất nhiều lần chụp CT. Hiệu quả với điều trị lại cực hữu dụng.

Cũng lưu ý khi vận chuyển nạn nhân, cần cho nạn nhân nằm ngửa, đầu nghiêng về một bên và không gối cao. Nhớ nằm trên ván cứng để tránh các trường hợp tổn thương cột sống kèm theo thì sẽ không bị biến chứng sang tủy sống, nặng thêm.

Tất cả mọi vết thương chảy máu ngoài da cần phải được băng bó, cầm máu cẩn thận. Không tiến hành chuyển đi mà chưa kịp làm tốt khâu này. Bạn có thể bảo toàn tính mạng cho người bệnh tốt nhất chỉ bằng một vài phút băng bó.

Trong mọi trường hợp, không để người bệnh đi bộ, ngồi dậy hoặc chạy nhảy khắp nơi. Vì như vậy có thể làm bong các nút máu đông tạm thời và chuyển từ một ổ đụng giập não không có chảy máu sang một ổ chảy máu sọ não hoàn chỉnh. Lúc này, bạn sẽ không thể bảo toàn được mức độ bệnh cho người bệnh.

Không vận động mạnh, không xúc động mạnh, không có các kích thích thần kinh, theo dõi liên tục từ 7 - 10 ngày. Kịp thời phát hiện ngay tất cả các dấu hiệu bất thường để xử lý ngay lập tức là cách hữu dụng nhất bạn nên tiến hành làm thay vì chỉ chú ý vào việc huy động tiền của để chụp cho được một cái phim CT sọ não.

BS. Cao Hồng Đăng


Ý kiến của bạn