Những việc cần làm để bảo vệ đường tiêu hóa trong ngày Tết

11-02-2024 10:15 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Ăn uống không điều độ trong ngày Tết có thể dẫn đến các rối loạn tiêu hóa. Vậy biểu hiện của rối loạn tiêu hóa là gì và cần làm gì để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa?

Việc nạp nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng trong một thời gian ngắn như dịp Tết thường khiến hệ tiêu hóa bị quá tải. Khi hệ tiêu hóa quá tải sẽ dẫn đến các tình trạng như: đau bụng, đi ngoài (táo hoặc phân lỏng, phân sống), khó tiêu, đầy bụng… Trong trường hợp nhẹ sẽ khiến người bệnh thấy chán ăn, cảm giác khó chịu. Trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng có thể gây tiêu chảy, suy nhược cơ thể.

Thông thường các món ăn vào dịp Tết chứa nhiều chất đạm, đường, chất béo kèm theo các loại thực phẩm lên men, ủ muối chua. Bên cạnh đó, mọi người thường ít ăn rau xanh, hoa quả vào ngày Tết dẫn tới tình trạng cơ thể bị thiếu hụt các chất cần thiết gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Song Thao giải đáp về các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa phụ thuộc theo nguyên nhân như chế độ ăn uống, bệnh dạ dày… Tuy nhiên, nhìn chung, rối loạn tiêu hóa có thể nhận biết qua một số dấu hiệu sau:

  • Đau bụng. Có thể đau ở một vị trí hoặc đau lan ra khắp bụng, lan lên ngực hoặc lan ra sau lưng
  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, nấc
  • Táo bón hoặc tiêu chảy hoặc bất thường khác như phân có máu, phân đen...
  • Đi đại tiện mất kiểm soát
  • Ăn không ngon miệng, chán ăn.

Nguyên nhân gây đầy bụng

Chướng bụng đầy hơi hay còn gọi là đầy bụng là tình trạng thường gặp do hoạt động tiêu hóa bị rối loạn, là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Triệu chứng tiến triển từ trung bình đến nặng, đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm.

Vậy nên ngay khi có những dấu hiệu bất thường và triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm. Đầy bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số yếu tố chủ yếu gây nên tình trạng đầy bụng bao gồm:

  • Hơi tích tụ trong dạ dày
  • Khó tiêu
  • Nhiễm trùng tiêu hóa
  • Tăng mức độ giữ nước trong cơ thể
  • Rối loạn trong các bệnh lý tiêu hóa mãn tính
  • Liệt dạ dày
  • Táo bón
  • Không dung nạp thực phẩm.
Những việc cần làm để bảo vệ đường tiêu hóa trong ngày Tết- Ảnh 1.

Cần nắm giữ bí quyết "5 không" và "5 cần" để phòng tránh rối loạn tiêu hóa vào ngày Tết.

Phòng tránh rối loạn tiêu hóa trong ngày Tết

Để việc ăn uống diễn ra trong mấy ngày Tết thật suôn sẻ, hãy nhớ nguyên tắc dưới đây:

5 không:

  • Không ăn nhiều những món được chế biến với hàm lượng dầu mỡ, chất béo cao và gia vị cay nóng
  • Không bỏ bữa
  • Không nên ăn quá no
  • Không ăn đồ tích trữ đã để quá lâu trong tủ lạnh và thực phẩm không rõ nguồn gốc
  • Không uống nhiều bia rượu.

5 cần cho một dịp Tết khỏe mạnh:

  • Cần bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi
  • Uống đủ nước mỗi ngày
  • Thêm men vi sinh vào thực đơn như sữa chua
  • Duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh
  • Dự trữ một số loại thuốc tiêu hóa trong tủ thuốc gia đình.

Xem thêm video được quan tâm:

Rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị | SKĐS


ThS.BSCKII Nguyễn Thị Song Thao
Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn